Có lúc tôi cứ nghĩ, thầy về quê dạy học là để cho chúng tôi đi ra, đi xa, vươn tới...
Thầy dạy toán có tiếng cả vùng, không chỉ do được "rèn" từ Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mà cái chính là tấm lòng bao dung, độ lượng của người thầy giáo đối với các thế hệ học trò.
Hồi đó, tôi chưa hiểu vì sao thầy không ở lại Hà Nội, học lên học thêm để có bằng này bằng nọ, mà lại chọn một vùng quê nghèo lam lũ với nghề dạy học và sinh sống như một người nông dân tay lem mực và lấm bùn.
Nhiều người chỉ nói một câu đơn giản "do hoàn cảnh gia đình", thầy tôi có lần cũng nói thế rồi cười nói sang chuyện khác. Mãi sau này tôi mới biết lơ mơ rằng, đằng sau đó là cả một mối tình thơ mộng, lãng mạn của tuổi hai mươi bên dòng sông Lam trong đục, bãi ngô xanh và con đò nặng trĩu mái chèo khuya...
Thầy là giáo viên chủ nhiệm lớp 8D của tôi, gồm học sinh các xã Lam, Bồi, Nam, Tràng Sơn hồi đầu những năm 70 thế kỷ trước. Tôi và một số bạn thuộc diện lên thẳng do có kết quả cao trong học tập và thi tốt nghiệp cuối cấp, số còn lại là thi đỗ kỳ chuyển cấp năm đó.
Tiếng là phổ thông cấp 3 trường huyện nhưng chưa...có lớp, nghĩa là phụ huynh và học sinh phải vào Lèn Muội cách đó chừng 3 km lấy gỗ làm khung dựng nhà, Tranh tre nứa lá thì phân bổ đầu học sinh. Cứ thế chia nhau làm đến xong thì...khai giảng.
Lớp 8D có anh Hiệp lớn hơn chúng tôi vài ba tuổi, vốn nghỉ học lên rừng xuống bãi nên các khoản gỗ lạt tre nứa rất thành thạo. Nay thi đỗ học tiếp là do thầy tôi khuyên và cũng chính thầy phân công anh ấy làm lớp phó phụ trách lao động.
Ảnh minh họa |
Hôm vào Lèn Muội lấy gỗ, anh Hiệp bươn trong rừng như ở vườn nhà mình, biết cần chặt cây nào thì làm cột chính, cột phụ, cây nào làm kèo, cây nào làm con lươn. Anh trèo thoăn thoắt như mèo, rồi một tay ôm thân cây, một tay vung rìu ngọt xớt. Cả lũ chúng tôi cứ đứng nhìn mà toát mồ hôi. Thầy giáo chủ nhiệm mừng lắm vì lớp có người đầu tàu, gương mẫu, biết công biết việc, biết đi sớm về muộn, nói ít làm nhiều...
Nhưng thú thật "vật" môn toán của thầy thì chúng tôi hơn đứt anh Hiệp và nhiều bạn khác. Thầy rất vui khi chúng tôi sau đó chọn thi khối A nhưng cũng không quên nói đại ý, tùy các em lựa chọn, ai cũng có sở trường, sở đoản, học giỏi học lên thầy cũng mừng, mà cày thẳng, cưa thông đục suốt thầy cũng ưng, không sao cả.
Lần thi đại học năm ấy, lớp tôi 50 bạn, chỉ đỗ ba, cả ba đều là học trò ruột của thầy. Ngày 20.11 năm ấy vì ở xa nên không ai về thăm thầy, chúng tôi viết chung một lá thư và hứa kết thúc học kỳ 1, đến tết sẽ đến báo cáo kết quả học tập để thầy biết. Chúng tôi hứa với thầy là phấn đấu học giỏi, không thi lại, không tốt nghiệp loại ưu, bằng đỏ thì không dám đứng trước mặt thầy...
Thầy cười mãn nguyện nhưng không quên nhắc "Không thi lại thì không phải sinh viên, các bạn nhỉ". Quả vậy, giỏi đến mấy thì cũng phải "nếm mùi" thi lại một đôi lần, tôi và hai bạn còn lại đều thế cả. Thầy tôi từng là sinh viên giỏi, đi guốc trong bụng chúng tôi rồi.
Rất may mắn là cả ba chúng tôi đều nhanh chóng trưởng thành ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Lần tôi cưới vợ ở quê, thầy cũng các thầy giáo cũ về dự đông đủ. Bấy giờ quê hương đất nước còn nghèo quá. Thầy cô vất vả đò giang đạp xe đến mừng cho vợ chồng tôi. Thật cảm động không nói nên lời. Sau này đến lượt con gái tôi đi lấy chồng, vợ chồng tôi lại được đón tiếp thầy cô. Tôi vốn mồm miệng luyên thuyên khắp nơi mọi chốn, vậy mà giờ phút ấy đã chẳng nói được một câu nào ra hồn, để nhiều khi nghĩ lại cứ vò đầu bứt tai nhăn trán.
Anh Hiệp thi không đỗ, xác định ngay là lập gia đình, cày sâu cuốc bẫm.
Thầy tôi nghỉ hưu, đọc sách mỏi mắt thì tìm đến nhà anh Hiệp uống chè xanh, nói chuyện trạng và rủ nhau đi câu cá trong khe. Thầy tóc bạc, trò tóc cũng hoa râm. Trò lấm bùn lội ruộng, thầy cũng ướt áo luồn khe. Sau này anh Tiệp kể, tôi mới biết là dạo ấy thầy vui và khỏe, luôn nhắc và tự hào về những học trò giỏi. Thầy có lần ví nghề giáo cũng như người đưa đò, đưa hết lần này lượt khác người qua, người đi đến những bờ bến mới. Riêng người lái đò thì vẫn chỉ con đò ấy, bến sông ấy, tay chèo mòn vẹt ấy...
Nhiều người đi qua rồi đã không bao giờ trở lại.
Nhưng lớp 8D của tôi, sau đó là 9D rồi 10D vẫn tụ họp với nhau sau 35 năm rời mái trường tranh tre nứa lá mà phụ huynh và học sinh, người "cầm trịch" là anh Hiệp bỏ công dựng nên. Chỉ khác lần họp lớp ấy tổ chức tại nhà anh Hiệp, người cả lớp vẫn cứ gọi là lớp phó phụ trách liên lạc. Cũng bởi phải dựng rạp, bố trí liên hoan, mà việc này vẫn chỉ có một tay anh Hiệp là chu tất mọi nhẽ. Quả là mọi việc cứ đâu vào đấy như thuở ban đầu.
Thầy chủ nhiệm đến sớm nhất, mặc dù hôm đó đường làng lầy lội đến nỗi người ta phải thuê... xe trâu để qua lại. Thầy hỏi han tất cả mọi người, tuyệt đối không quên bất cứ ai. Lạ thế, lần ấy thầy gọi tôi bằng từ "con" vô cùng trìu mến. Tôi chợt thấy tóc thầy hình như bạc hơn nhiều lắm, nhiều lắm.
Có ngờ đâu, đó là lần cuối cùng chúng tôi được gặp thầy.
Anh Hiệp kể, giọng buồn buồn, chắc nịch : Những ngày ấy, mình đã có mặt cùng với gia đình, như một người bà con lối xóm tắt lửa tối đèn. Mình góp tay cùng gia đình chăm lo chu toàn mọi việc khi thầy thanh thản đi về cùng tiên tổ. Rất tiếc là các bạn ở xa không thể về tiễn đưa thầy. Mình có thưa với vong linh thầy, báo cáo với gia đình về việc đón nhận những vòng hoa viếng của các bạn. Mình vẫn nhớ như in lời thầy, rằng, ....
Có lần thầy hứa sẽ kể cho tôi nghe về mối tình thơ mộng của người con trai thông minh, lịch lãm bên dòng sông Lam buồn buồn chảy chậm. Rồi có điều gì đó khiến tôi không nỡ hỏi mà thầy cũng không tiện nói. Giờ thì tôi chỉ biết một tình yêu đằm sâu với công việc thường ngày của người thầy giáo nghèo dành cho chúng tôi, cho nhiều thế hệ học trò sau trước.
Có lúc tôi cứ nghĩ, thầy về quê dạy học và người học trò như anh Hiệp ở lại quê là để cho chúng tôi đi ra, đi xa, vươn tới...
Bùi Nam Sơn
Bài cùng tác giả:
Ký tên 'Văn' thì Bác Hồ biết chắc là ai rồi
Tôi nhớ mãi những nét chữ nắn nót, thành kính, những lời nói giản dị ôm chứa tấm lòng, tình cảm của một trong những người học trò xuất sắc nhất đối với Bác trên quê hương của Người.
|