- Chia sẻ của một số nhà giá đã và đang công tác trong ngành cho rằng, niềm vui lớn nhất của người giáo viên chính là sự khôn lớn và thành đạt của học trò. Và món quà ý nghĩ nhất với người thầy chỉ đơn giản là sự kính trọng, tình cảm chân thành chứ không phải độ nặng nhẹ của mỗi món quà như nhiều người vẫn nghĩ…

{keywords}
Ảnh minh họa: Báo Công An Nghệ An

Nặng lòng vì quà

Bước chân vào nghề giáo đã hơn 5 năm nhưng bao giờ cũng thế, cứ gần đến ngày 20/11 là cô Hoàng Huệ (giáo viên cấp III) lại cảm thấy buồn buồn bởi chuyện quà cáp cho thầy cô trong ngày lễ này đã trở thành gánh nặng, là mối lo của một bộ phận phụ huynh.

Theo lời cô: Trước khi trở thành cô giáo, mình cũng là học trò bé nhỏ của các thầy, các cô. Ngày ấy mình cảm thấy tình thầy trò thật thiêng liêng, quý giá biết bao. Năm nào cũng thế, cứ gần đến ngày này cả lớp đã sôi nổi bàn bạc tặng quà gì cho thầy cô thì ý nghĩa nhất, rồi đua nhau làm thơ tặng thầy cô giáo nữa, bạn nào khéo tay thì được phân công vẽ tranh, làm hoa giấy, làm thiệp mừng... Có những bài thơ đã khiến cả cô giáo dạy văn và dạy toán rơm rớm nước mắt vì xúc động.

Thế nhưng mấy năm đi dạy, cô không nhận thấy ở học trò những tình cảm chân thành như thế nữa. Các em vẫn dành cho cô giáo sự trân trọng, quý mến nhưng cách thể hiện tình cảm thì rất nhạt, theo kiểu phong trào là chính.

Cô cũng không ngần ngại cho biết, quà tặng ngày 20/11 của mình năm nào cũng giống nhau, có lớp tặng một bó hoa tươi kèm thêm phong bì, có lớp lại chỉ gói gọn trong một chiếc bưu thiếp bán sẵn đầy rẫy trên thị trường, cũng có lớp tặng quà kỷ niệm, là những đồ dùng gia đình như: đồng hồ, ấm chén. Năm nào làm chủ nhiệm lớp thì vui hơn vì có học sinh đại diện tới thăm nhà, trò chuyện thân mật để hiểu hơn cuộc sống của cô giáo sau những giờ lên lớp.

Còn nhớ năm đầu tiên mới về trường, được lớp tặng quà phong bì, mình trả lại và nhắc các em không nên làm thế. Tiền bạc là quý nhưng nếu đem ra làm thước đo tình cảm thì không hay chút nào, nhất là với lứa tuổi học sinh. Sau đó, em lớp trưởng đến gặp riêng mình và nhất thiết mong cô hãy nhận lấy “tấm lòng” của cả lớp vì chúng em không biết mua quà gì hợp với cô cả. Cô không nhận là cả lớp buồn lắm… Từ đó học sinh tặng gì mình cũng nhận, có nhiều chiếc phong bì đến giờ vẫn chưa từng mở ra - cô Huệ trải lòng.

Nói về văn hóa tặng quà hiện nay, cô cho biết mình chỉ muốn được nhận từ học trò lời chúc mừng và những bông hoa tươi thắm trong những ngày lễ tết là đủ. Sự chân thành, vô tư sẽ giúp tình cảm thầy trò bền chặt cùng năm tháng. Bản thân cô, mỗi năm đến ngày Nhà giáo Việt Nam cũng chỉ mua một bó hoa tươi thật đơn giản khi đến thăm lại những thầy cô giáo cũ.

Nhẹ lòng khi nhận những lời chúc suông

Bên cạnh những băn khoăn, trăn trở của những cô giáo được tặng nhiều quà, vẫn có những nhà giáo “tay trắng” về nhà trong ngày 20/11. Họ nghĩ gì?

Cô Ng. T. Mơ là một giáo viên giỏi, có nhiều thành tích nổi bật ở trường mầm non L.K (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Là giáo viên mầm non, lại ở nông thôn nên chuyện quà cáp với những giáo viên như cô Mơ chỉ thi thoảng mới có. Ngay cả ngày Nhà giáo Việt Nam, chỉ có những gia đình khá giả thì phụ huynh mới mua hoa tặng cô, còn lại thì chỉ là những lời chúc suông, thậm chí nhiều phụ huynh còn không nhớ đến ngày này.

Cô Mơ chia sẻ, tiền học phí nhiều em còn chưa đóng thì làm sao giáo viên có quà được. Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân khi thấy cùng là giáo viên mà có người nhận được rất nhiều hoa còn mình có khi chẳng được bông nào. Nhưng những phút giây ấy qua nhanh, chỉ cần nhìn thấy nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc của phụ huynh mỗi khi đón con, thấy con sạch sẽ, ngoan ngoãn hơn là mọi suy tư tan biến. Hạnh phúc của người giáo viên đôi khi chỉ giản đơn là các con ngoan, đi học đầy đủ, ăn ngon, ngủ tốt thôi.

Còn cô Thu Hà - giảng viên trẻ một trường ĐH ở Hà Nội lại cảm thấy thật thoải mái, nhẹ lòng khi chỉ nhận được những lời chúc… suông. Trải qua thời sinh viên chưa lâu, cô Hà hiểu ngày 20/11 đôi khi lại làm khó sinh viên bởi suy nghĩ không tặng quà thì ngại thầy cô không vui, còn tặng quà thì lại phải lo lắng kinh tế.

Một lời chúc hay, ý nghĩa, xuất phát từ tình cảm vô tư, chân thành cũng đủ để người giáo viên cảm thấy mình được quan tâm, yêu quý - cô Hà nói.

Đọng lại là tình cảm chân thành

Đã giã từ phấn trắng, bảng đen gần mười năm nay nhưng anh Lê Nam Thắng – nguyên là giáo viên dạy môn giáo dục công dân cấp THPT vẫn được các học sinh cũ nhớ đến mỗi khi đến ngày 20/11.

Anh cho biết: Dạy học được gần mười năm thì chuyển sang làm công tác tuyên giáo. Trong khoảng thời gian ngắn đó anh có may mắn được chủ nhiệm một lớp trong ba năm liền. Bởi thế dù chỉ dạy môn phụ nhưng mười mấy năm nay lớp học sinh đó vẫn đều đặn đến thăm thầy trong các dịp lễ tết. Nếu không có học trò cũ đến thăm có khi hàng xóm cũng quên mình đã từng dạy học.

Ngày 20/11 năm nay, dù bận công việc riêng nhưng hơn chục em vẫn kéo đến nhà nấu nướng, ăn uống vui vẻ như người thân trong gia đình. Có em còn tếu táo nhắc lại chuyện ngày xưa: Cũng nhờ thầy thường xuyên phạt em chép sách nên giờ làm bác sĩ mà chữ vẫn đẹp lắm! Tình cảm đó khiến mình thực sự xúc động mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian làm người “chở đò”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Luyện cũng đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay nhưng năm nào mái nhà đơn sơ của thầy cũng tấp nập đón học sinh về thăm dịp 20/11. Trước đó thầy cứ nghĩ rằng lúc còn dạy thì được học sinh quý mến, tặng quà đến khi về hưu rồi thì còn ai nhớ nữa, đặc biệt là với những người nổi tiếng khó tính như mình.

Nhiều học sinh cũ nay đã thành đạt, tiếp bước trở thành thầy giáo đã tâm sự: Có người cho rằng thầy quá khó tính, yêu cầu cao nhưng chính nhờ sự khó tính của thầy mà chúng em đã chăm chỉ học toán hơn! Hiểu tính thầy đơn giản, không thích hoa hoét nên nhiều năm nay đám học trò ấy chỉ mua cân chè khô và bao thuốc làm quà. Rồi bên ấm trà ấy, cả thầy và trò cứ thế ngồi han huyên tâm sự chuyện nhân tình thế thái.

Tình cảm của học sinh khiến những người như thầy Luyện càng tự hào về sự nghiệp trồng người đã gắn bó trọn vẹn cả cuộc đời. Như thầy nhận định: Niềm vui lớn nhất của người giáo viên chính là sự khôn lớn và trưởng thành của học trò. Và món quà vô giá với người thầy chỉ đơn giản là tình cảm chân thành, sự kính trọng và thành đạt của học trò chứ không phải độ nặng nhẹ của mỗi món quà như nhiều người vẫn nghĩ.

  • Đỗ Quyên