- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhắc tới  “bài học cay đắng” trong cuộc đối thoại trực tuyến “Những điểm mới trong tuyển sinh cao đẳng, đại học 2014” diễn ra cuối tháng 12/2013. Ông nói lại điều này khi bày tỏ quan điểm trước kiến nghị tự chủ tuyển sinh của các trường đại học ngoài công lập.

{keywords}
Hình ảnh biếm họa về sinh viên thất nghiệp

Trước câu hỏi “thay đổi hình thức thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy có tác động như thế nào đến tại chức, liên thông, văn bằng 2?”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:

“Bài học cay đắng nhất đối với các hệ đào tạo tại chức, liên thông, văn bằng 2 là không khống chế được ngưỡng đầu vào. Các trường chỉ lo lấy đủ chỉ tiêu, thi không ai trượt… dẫn đến việc xã hội quay lưng, đào tạo chất lượng kém không phù hợp yêu cầu. Bộ đã nhận thấy và rút kinh nghiệm từ việc quản lý đào tạo không chính quy, nên sẽ đưa vào quy chế tuyển sinh đối với thi riêng phải có ngưỡng chất lượng tối thiểu được xã hội chấp nhận, để cấm các trường tuyển sinh ồ ạt”.

Hậu quả của “bài học cay đắng” mà ông Ga đề cập, là sự quay lưng của một loạt địa phương đối với hệ đào tạo không chính quy. Danh sách những tỉnh “ghẻ lạnh” tại chức vẫn đang tiếp tục được nối dài trong thời gian qua.

Mới nhất, giữa năm 2013, Nam Định thêm tên mình vào danh sách những địa phương nói “không” với cử nhân hệ tại chức. Lý do, như ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn cho biết, là vì chất lượng đào tạo của tại chức thấp, thứ hai là vì Nam Định là tỉnh học quá giỏi. “Trước đây tôi có làm việc với những cháu học tại chức ra, quả thực là các cháu làm việc chậm chạp, nói mãi không hiểu...”.

Từ năm 2011, thành phố Đà Nẵng không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Trước khi chủ trương trên ra đời, nhiều ngành như ngành giáo dục của Đà Nẵng cũng đã nói “không” với những sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức. Một quan chức ngành giáo dục ở Đà Nẵng lý giải, “về bằng cấp là bình đẳng, nhưng chất lượng của hệ chính quy và hệ tại chức có sự chênh lệch”.

Bên cạnh Đà Nẵng, Nam Định, có rất nhiều tỉnh thành trong cả nước có quyết định không tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp hệ tại chức như: Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Nam, Hải Dương...

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng chia sẻ: “Người ta có thể nói là các nơi ấy làm sai luật, nhưng chúng ta, những người làm ra sản phẩm thì phải nghiêm túc để nhìn nhận là có vấn đề rất nghiêm trọng về vấn đề tổ chức quản lý và chất lượng. Chúng ta không thể mang luật ra để cãi… Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Quy mô của chúng ta phát triển quá nóng. Trong 10 năm liên tục vừa rồi, năm nào cũng tăng trưởng 10%. Phát triển tích tụ nóng như vậy về mặt chỉ tiêu thì chúng ta sẽ phải trả giá…”.

Có lẽ đã thấm “thuốc đắng”, nên nếu như trong hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ của những năm trước, “đề tài” tuyển sinh không chính quy còn được nhiều lãnh đạo trường đề cập tới, thì năm nay, chỉ duy nhất có một đại biểu nói ngắn gọn về việc này.

Đó là ông Lương Công Nhớ, hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải, cũng “nhân thể” khi đề cập tới vấn đề tự chủ tuyển sinh: “Việc tự chủ để giải quyết cái gì? Nếu chỉ để tuyển đủ người thì tự chủ không phải là tốt. Sinh viên có học hay không là ra trường có xin được việc hay không. Hệ vừa học vừa làm vừa qua tuyển sinh giảm sút là do sinh viên ra trường không xin được việc”.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm 2011, toàn ngành đã thực hiện chủ trương cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai bằng 60% so với chỉ tiêu chính quy. Năm 2012, chỉ tiêu tuyển sinh mới hệ không chính quy của các trường tiếp tục giảm, chỉ bằng 50% so với chỉ tiêu tuyển mới hệ chính quy.

Tới năm 2013, sau khi có Thông tư 55/2012, hệ đào tạo liên thông và văn bằng hai đã giảm 11% ở trình độ ĐH còn 28.200; ở trình độ CĐ giảm mạnh xuống còn 11.300, giảm 63%...

Bộ GD-ĐT đã xác định năm 2014, chỉ tiêu vừa làm vừa học, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa làm vừa học, tiếp tục được xác định không vượt quá 50% so với chỉ tiêu chính quy.

Tuy nhiên, cũng theo nhận định của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, “Trước đây, nâng cao chất lượng bằng cách giảm chỉ tiêu. Nhưng số lượng người thi vào ít, nên vẫn lấy thí sinh kém”.

Chính vì vậy, theo ông Ga, “về sau, tất cả các hệ lâu nay thả lỏng sẽ áp đặt chất lượng đầu vào để tạo niềm tin cho xã hội”.

  • Chi Mai