- Sau loạt bài phản ánh về những công việc "khủng khiếp" của giáo viên, ngày 7/1, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn gửi tới Sở GD-ĐT để chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Bày tỏ niềm vui về điều này, nhiều giáo viên vẫn còn nhiều lo ngại về tính khả thi.
Kiều Oanh |
Hầu hết giáo viên đều vui mừng trước phản hồi của Bộ GD-ĐT.
Cô giáo Bùi Ngọc Hân nói: “Là người trong ngành nên tôi tán thành. Trường tôi bắt giáo viên phải làm bao nhiêu là hồ sơ, khiếp đến chóng mặt. Ví dụ: ngoài giáo án và sổ điểm, sổ dự giờ, phiếu báo giảng, sổ tích lũy, sổ theo giỏi, sổ lưu đề, sổ bồi dưỡng, sổ cá biệt, sổ kèm học sinh, sổ phân phối, sổ kế hoạch bộ môn..... Than ôi, không có thời gian cho soạn giáo án nữa”.
“ Hy vọng công văn hỏa tốc xuống ngay các đơn vị giáo dục. Hoan hô áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học và quản lý” - lời cô giáo Hân.
“Cảm ơn quyết định của Bộ GD-ĐT đã đến kịp thời. Không biết về đến trường có được áp dụng không nữa, tôi cũng là giáo viên mà không có thời gian đọc sách chuyên môn nữa, mệt quá” – thầy giáo Nguyễn Văn Phú nói.
Tuy vậy, một số giáo viên vẫn nghi ngại tính hiệu quả của công văn này.
Chỉ đạo cũng...thừa?
Anh Nguyễn Xuân Đại băn khoăn: Nhưng khổ một nỗi "Phòng thì to hơn Sở, Sở lại to hơn Bộ" thế nên mỗi lần "đòi theo" Bộ thì ban giám hiệu lại hoạnh: Đồng chí chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ai?
"Thế nên, dù Bộ có văn bản chỉ đạo cũng... thừa!” – anh Đại thẳng thắn. Liệu những chấn chỉnh này có được thực hiện nghiêm túc đến cơ sở trường học? Nếu đúng thì quả thật đáng hoan nghênh quá. Giáo viên chúng tôi quá phấn khởi rồi".
Cũng theo ý kiến của một số thầy cô thì sổ sách mà bộ liệt kê trong công văn vẫn còn… thiếu nhiều.
Thầy giáo Nguyễn Văn Tiệp đưa ý kiến: “Bây giờ giáo viên chủ nhiệm còn có nhiều việc “khủng khiếp” hơn nhiều. Tỷ lệ học sinh mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, mua đồng phục, mua vở viết có in ảnh nhà trường ở ngoài bìa, mua SGK do Phòng giáo dục triển khai… cũng được khoán chỉ tiêu. Nếu không đạt thì mọi nỗ lực khác cũng bằng không”.
Còn cô giáo Thu Hiền cho hay, trường cô có hàng chục các loại sổ sách. Ngoài ra còn có các loại báo cáo như: Báo cáo tuần, báo cáo tháng, báo cáo kỳ, báo cáo năm, báo cáo lớp chủ nhiệm, báo cáo tổ chuyên môn, báo cáo của đoàn trường... Cứ như vậy làm sao cho chúng tôi nuốt cơm được!.
Bỏ dấu ấn bằng tư duy nhiệm kỳ?
Anh Ngô Tất Thắng thì bi quan hơn về việc thực hiện tinh thần công văn này. “Mỗi quan mới lên đều tạo cho mình một dấu ấn bằng quy định một loại hồ sơ mới. Thế nên suốt nhiệm kì phải nhất quán trung thành với quan điểm của chính mình. Vì thế bây giờ Bộ bắt bỏ nhưng mấy quan này thường giả làm ngơ, khó thực hiện lắm”.
Thầy giáo Nguyễn Minh than phiền rằng mặc dù nghề giáo được coi là nghề trong sạch, thế nhưng lại là nghề bị kiểm tra, thanh tra nhiều nhất. “Trung bình hơn 1 lần/ người/ tháng. Oải quá!”
Trong khi đó, anh Vũ Hưng đánh giá rằng quan trọng là giáo viên chuẩn bị kiến thức và giảng dạy thực tế trên bục giảng thế nào, còn hồ sơ sổ sách chỉ là việc chuẩn bị, hỗ trợ thôi. Nhiều trường quá coi trọng tính hình thức (hồ sơ phải đẹp, công phu nhưng dạy không hiệu quả).
Phải có cách đánh giá về giáo viên như thế nào cho hiệu quả, là thước đo về năng lực giảng dạy. Nhiều cơ sở giáo dục rất nặng nề về bệnh thành tích, chất lượng càng ngày càng kém.
Là một nhân vật trong loạt bài phản ánh của VietNamNet đã từng bày tỏ "khủng khiếp do giáo viên có trăm việc không tên", thầy giáo Nguyễn San Hà, giáo viên Trường THCS Võ Trường Toản (Q1,TP.HCM) cho biết, công văn của Bộ GD- ĐT cho thấy tâm huyết của giáo viên đã được cấp trên lắng nghe và có cải thiện kịp thời.
Tuy nhiên, thầy Hà cũng cho rằng: “Văn bản chỉ mới ra và thực sự đang ở trên “giấy” chưa được triển khai - nên cần phải có thời gian để triển khai trong thực tế mới biết được hiệu quả đến đâu....”
Còn thầy Huỳnh Văn Thế, Trường THPT Măng Thít, Vĩnh Long, là người đã định danh những công việc vô bổ của giáo viên bằng từ "khủng khiếp", khi nghe có chấn chỉnh này đã không khỏi bất ngờ.
Thầy Thế nói, việc bớt một phần giấy tờ, sổ sách giúp giáo viên bớt rờm rà, dư một chút thời gian nhưng quan trọng trọng nhất trong việc tự học của giáo viên là đam mê vì sổ sách chỉ là một phần.
"Hơn nữa, điều quan trọng của người giáo viên là đời sống và được ghi nhận. Ví dụ, một bài nghiên cứu của giáo viên được trả bao nhiêu tiền, có được ứng dụng không? Khi người giáo viên có được lợi ích trực tiếp và nhận ra lợi ích lâu dài thì sổ sách, giấy tờ sẽ không được đặt nặng” - người thầy ở Vĩnh Long tâm tư.
TIẾNG NÓI GIÁO VIÊN
|
- Nguyễn Thảo - Lê Huyền