Kiểu dạy con nghiêm khắc của Mẹ Hổ gốc Trung Amy Chu – một giảng viên luật của ĐH Yale – trong cuốn sách mới nhất của bà có tên ‘Chiến ca của Mẹ Hổ’ – đã trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc – một cuộc khảo sát gần đây cho hay.


Mẹ Hổ Amy Chu (giữa) cùng 2 cô con gái Lulu (trái) và Sophia Chua-Rubenfeld trong ngôi nhà của họ ở New Haven, Connecticut, Mỹ
Trong số 1.795 người được hỏi từ một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu xã hội của tờ China Youth Daily, có 94,9% biết tới những người phụ nữ có cách dạy con nghiêm khắc, và 55,1% nói rằng cách dạy con của bà Chua là đáng khen.

Đa số người được hỏi – 63,8% -cũng đang là phụ huynh. 41,5% thuộc thế hệ 8x.

Một giáo viên trung học ở Bắc Kinh tên Liu cho biết, vợ anh đã đăng kí cho cô con gái học violin và ba-lê khi cô bé còn rất nhỏ, thậm chí còn mắng mỏ và đánh đòn khi cô bé không muốn đi học.

Anh Liu cũng nhận định rằng những gia đình Trung Quốc thường có một bà mẹ nghiêm khắc và một ông bố dễ tính. Và kỉ luật mà những bà mẹ đặt ra là rất quan trọng trong việc giúp đứa trẻ thành công trong tương lai.

Tuy nhiên, 41,2% người được hỏi nói  cách dạy con của Mẹ Hổ là chưa hợp lý, trong khi 18% cho rằng Mẹ Hổ đã đánh mất tuổi thơ của con cái và bà thiếu những phẩm chất của một bà mẹ.

Về phía các bà mẹ người Trung Quốc, khoảng 70% người được hỏi nói rằng họ đã đặt những kì vọng quá lớn vào con cái. Họ cho biết những bà mẹ Trung Quốc thường lo lắng quá nhiều về điểm số và không quan tâm nhiều đến xu hướng phát triển nhân cách của trẻ, và họ không biết gì về những kĩ năng nuôi dạy con cái.

Li Chenguang, một ông chủ 23 tuổi của China Telecom ở Bắc Kinh, kể rằng một lần anh đã về nhà ăn tối muộn khi còn là học sinh tiểu học. Khi thấy anh, mẹ anh đã túm lấy một cây chổi và đánh đòn khiến anh bị bầm tím ở cằm. Anh nói rằng hình phạt đó vẫn còn ám ảnh anh cho tới tận bây giờ.

“Tôi chỉ không hiểu nổi. Tôi đã không về nhà quá muộn. Có lẽ không cần thiết phải đánh đòn để nhắc nhở về những gì mà mẹ muốn tôi làm”.

Bà Zeng Xiaodong – một giảng viên ở ĐH Chuẩn Bắc Kinh – đã cảnh báo rằng cách dạy con nghiêm khắc có thể gây phản tác dụng, đặc biệt là nếu cha mẹ đặt ra những yêu cầu khắt khe với trẻ nhưng lại không làm gương cho chúng.

Một bà mẹ lười có thể phải đối mặt với sự khinh thường và oán giận nếu cô ta bắt đứa trẻ phải dậy sớm, học tập hay chơi thể thao.

Nhiều người thuộc thế hệ 8x cũng đang có con và họ phải đối phó với những khó khăn trong việc nuôi dạy con cái. Bà Zeng đã khuyến khích họ nên học hỏi để trở thành những ông bố bà mẹ tốt bằng cách dành thời gian cho con cái, thay vì phụ thuộc nhiều vào những dịch vụ xã hội được cung cấp bởi các nhà hàng, trường học và trung tâm chăm sóc.

“Nghiêm khắc với con cái cũng là một truyền thống ở các quốc gia châu Á khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc” – bà nói. “Giúp những đứa trẻ thông minh hơn và chuẩn bị tốt hơn cho chúng để đối phó với môi trường cạnh tranh khắc nghiệt trong tương lai là điều đáng hoan nghênh. Và tôi chắc chắn rằng những xung đột giữa bà Chu với 2 cô con gái đã bị cường điệu lên trong cuốn sách của bà và nó hiếm khi xảy ra trong cuộc sống thực”.

  • Nguyễn Thảo (Theo Chinadaily)