- Tình trạng thừa thầy thiếu thợ trên thị trường lao động hiện nay dẫn đến xu hướng “liên thông ngược”: những người đã có bằng đại học, cao đẳng đổ xô đi học trung cấp, học nghề để kiếm việc làm.

{keywords}
Thí sinh thi đại học. Ảnh: Lê Anh Dũng

Báo Người Lao Động phản ánh tình trạng này ở nhiều trường trung cấp. Ở Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist , trong số 2.000 học sinh trường tuyển mỗi năm, có khoảng 30% có bằng ĐH, CĐ, thậm chí là Thạc sĩ.

Ông Lê Lâm - Chủ tịch HĐQT, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đại Việt - cho biết năm 2011 có 1.812 học sinh thì 308 người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ và thạc sĩ. Năm 2012 có 1.607 người học thì 304 có bằng ĐH, CĐ.

Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, cho biết mỗi năm, trường chỉ tuyển 1.000 học sinh nhưng tới 30% trong số đó đã có bằng ĐH, CĐ.

Đại diện nhiều trường cho biết những người đã tốt nghiệp ĐH, CĐ chưa có việc làm quay lại học trung cấp ở những ngành nghề phù hợp hơn, dễ tìm việc làm hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do hệ ĐH, CĐ tăng chỉ tiêu tuyển sinh khiến lượng đầu ra của các hệ này ngày càng nhiều, nhiều hơn nhu cầu thực sự của xã hội. Ngoài ra, tâm lý chuộng bằng cấp, công tác hướng nghiệp chưa hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân.

Ông Đặng Văn Sáng – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng tính toán chi phí cho một người học ĐH bình thường không dưới 100 triệu đồng, bao gồm học phí và các chi phí khác. Bốn năm đèn sách ra trường thất nghiệp rồi lại tiếp tục học một nghề để mưu sinh là sự lãng phí rất lớn. Nhiều người trong số đó đang ôm theo cả một khoản nợ lớn mà chưa biết khi nào mới trả được.

Ông Sáng đề xuất trong tương lại gần phải xây dựng được cơ cấu nhân lực, từ đó xác định chỉ tiêu các ngành nghề, loại hình để Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ xây dựng chiến lược nguồn nhân lực cho phù hợp, tránh sự lãng phí như hiện nay.

"Lỗi của đào tạo"

Cũng trong sáng 7/4, báo Tuổi Trẻ tiếp tục đề cập tới vấn đề thất nghiệp của người có trình độ cao đẳng, đại học, với bài phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp.

Ông Diệp cho rằng hiện tượng này là "lỗi do đào tạo". Theo ông, Việt Nam vẫn tự hào vì chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhưng bản chất là người Việt có thời gian học tập dài. “Có thể do học nhiều quá, học không theo nhu cầu thị trường về cơ cấu, chất lượng nên thất nghiệp nhiều là điều tất yếu”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vai trò điều tiết ngành nghề, kết nối đào tạo với thị trường của Bộ LĐ-TB và XH, ông Diệp nói: "Giữa đào tạo với sử dụng lao động có độ vênh, ví dụ học trung cấp mất hai năm, ĐH bốn năm, vậy phải tính toán để biết trong hai hay bốn năm tới nền kinh tế này cần những chủng loại lao động nào, học vấn ra làm sao, số lượng bao nhiêu? Cứ nói “đào tạo theo nhu cầu của thị trường” nhưng điều tiết nhu cầu thị trường giữa các cơ sở đào tạo thế nào thì chưa có".

“Những ngành như công tác xã hội, cử nhân lịch sử, cử nhân tâm lý, giáo viên vật lý đang trong nhóm khó kiếm việc làm” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói. Tuy nhiên, ông Diệp cũng nói thêm rằng các số liệu hiện nay chỉ là ước đoán, vì thật sự chưa có cuộc điều tra nào.

Một thông tin đáng chú ý được phóng viên đưa ra: quy hoạch nhân lực quốc gia cho thấy tới năm 2015 VN cần khoảng 3,5 triệu lao động trình độ ĐH trở lên, nhưng thực tế cuối năm 2013 đã có hơn 3,7 triệu lao động có trình độ này.

(Theo Tuổi Trẻ, Người Lao Động)