- Cùng với việc trách các trường công lập “ăn” hết phần mình, các trường ngoài công lập cũng phải tự trách mình vì đã để bức tranh chung của ngoài công lập mang một tông màu xám.
Tự tay bôi xấu
Người lạ và kéo vào Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) dọn tài sản ra khỏi khuôn viên nhà trường ngày 8/12/2013. Ảnh: Một Thế Giới |
Cuối năm 2013, chuyện thật như bịa - biến 145 sinh viên “giả” thành sinh viên thật - đã xảy ra ở Trường ĐH tư thục Công nghệ và Quản lý Hữu nghị, khi trường đã “phù phép” để biến 145 sinh viên trúng tuyển với giấy báo điểm giả và không khớp với trường dự thi.
Cùng thời điểm đó, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP Hà Nội cũng có báo cáo trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị thành lập từ 2007 đến nay chưa có cơ sở vật chất ổn định, di chuyển nhiều địa điểm trong 6 năm qua. Bộ máy quản lý chỉ có duy nhất 1 phó hiệu trưởng, đội ngũ giáo viên, nhân viên rất ít, không tương xứng với yêu cầu của một trường đại học. Công tác tuyển sinh còn hạn chế, tổng số sinh viên đào tạo trong 6 năm chỉ có gần 700.
Cảnh không hiệu trưởng không phải là quá hiếm gặp ở khu vực trường NCL. Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương), Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cũng không có vị trí này, Trường ĐH Hà Hoa Tiên… là những trường đã và đang có những khoảng thời gian không ngắn hoạt động trong tình trạng không có hiệu trưởng.
Trong khi đó lại có trường đã từng rơi vào cảnh cùng lúc có tận hai hiệu trưởng. Rồi hiệu trưởng kiện quyết định của UBND thành phố, thành phố 3 lần thu hồi con dấu của trường nhưng bất thành, sinh viên phải đi thi tốt nghiệp nhờ ở 4 trường khác; hiệu trưởng tạm quyền thuê người đến dọn đồ đạc gây náo loạn… là những tình tiết “giật gân” của câu chuyện dài kỳ chưa có hồi kết mang tên ĐH Hùng Vương (TP.HCM).
Thậm chí, có những trường còn bị phát hiện… tuyển sinh "chui", như trường ĐH quốc tế Bắc Hà được thành lập và đăng ký trụ sở chính tại Bắc Ninh, tuyển sinh và đào tạo tại quận Thanh Xuân mà chưa được sự đồng ý của UBND TP.Hà Nội và Bộ GDĐT trong nhiều năm. Tương tự, Văn phòng đại diện của trường ĐH Trưng Vương (cơ sở chính tại tỉnh Vĩnh Phúc) đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội khi chưa được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền...
Người lạ và kéo vào Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) dọn tài sản ra khỏi khuôn viên nhà trường ngày 8/12/2013. Ảnh: Một Thế Giới |
Xa hơn nữa, câu chuyện về sai phạm trong tuyển sinh của trường ĐH Đông Đô; tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ - tin học không đúng quy định của trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn; Lập danh sách khống, giả mạo chữ ký giảng viên, trường lớp chưa thành hình đã tuyển sinh của trường ĐH Phan Thiết (Bình Thuận)... là những đề tài “sôi nổi” trên báo chí một thời.
Tiếng nói người trong cuộc
Ông Đặng Văn Định, một “người trong cuộc”, đã điểm danh những vấn đề nổi cộm trong các trường NCL.
Ông Định là người khai sinh ra trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên) và đảm nhiệm vai trò chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) từ năm 2007 đến 2012. Nhưng sau các cuộc chuyển nhượng vốn góp ở trường do ông sáng lập thì trường đã rơi vào tình trạng bất ổn. Thậm chí, ông Định còn bị “cấm cửa” với ngôi trường ông đổ nhiều tâm huyết.
Những vấn đề nổi cộm của trường NCL, theo ông Định, đó là từ việc quản trị nhà trường, mối quan hệ giữa người lao động và tài sản tăng lên trong quá trình hoạt động trong nhà trường NCL, và vấn đề lợi ích nhóm.
Về quản trị nhà trường, ông Định lưu ý, ban đầu là từ chỗ chủ tịch HĐQT là người chủ trì các hoạt động của HĐQT và tổ chức kiểm soát việc điều hành nhà trường”, còn “hiệu trưởng là người điều hành hoạt động của nhà trường, đại diện nhà trường trước xã hội và pháp luật”.
Sau một số năm với các văn bản pháp quy ra đời đã tăng quyền quản lý trực tiếp cho chủ tịch HĐQT, giảm quyền quản lý của hiệu trưởng. Hệ quả là chủ tịch HĐQT có cơ hội “vừa đá bóng vừa thổi còi”, tính minh bạch và hệ thống kiểm soát trong nhà trường ngày càng bị xói mòn; dân chủ trong nhà trường có xu thế teo lại, một số nhà đầu tư hành xử với hiệu trưởng, giáo chức và người lao động theo quan hệ “ông chủ và người làm thuê”, sinh viên được trở thành khách hàng, trường thành “vật mua bán”, một số trường không tuyển được hiệu trưởng, giáo chức tìm đến trường công.
Xu thế hình thành lợi ích nhóm bộc lộ rõ khi quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục quy định “thành viên HĐQT là cổ đông”.
Một xu thế lợi ích nữa nảy sinh do chính sách đầu tư rộng mở nhưng không có rào cản tối thiểu. đã có trường hợp nhà đầu tư có riêng một trường NCL hoặc có cổ phần ở một trường NCL cùng loại hình tư thục nhưng lại giữ trọng trách tại một trường ĐH tư thục khác.
Và họ đã chuyển dịch đầu vào khi tuyển sinh, khai thác việc làm, nguồn lực phục vụ quản lý nơi mình giữ chức vụ để mang lợi ích cho nơi mà bản thân hoặc người thân trong gia đình có ưu thế đầu tư. Một thực tế là việc mất đoàn kết ở một số trường thường bắt nguồn từ các nhóm lợi ích.
- Chi Mai