- Ngay từ bây giờ phải có lộ trình triển khai các bước đổi mới thi tuyển sinh ĐH cho phù hợp với đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) từ năm 2020 là "quyết tâm" của các nhà quản lý. Vấn đề được mổ xẻ tại hội thảo khoa học về đổi mới tuyển sinh ĐH do Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) tổ chức sáng 10/4.

Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD-ĐT) Trần Văn Nghĩa cho hay, hiện Đề án đổi mới chương trình, SGK đã trình lên Chính phủ. Nếu được thông qua đề án sẽ triển khai trên diện rộng từ năm 2020.

{keywords}
Các nhà quản lý mổ xẻ vấn đề đổi mới thi và tuyển sinh sáng 10/4

"Song song với việc triển khai đề án đó cần phải có đổi mới thi tuyển sinh và đánh giá cho phù hợp" - lời ông Nghĩa. Do đó, ngay từ bây giờ phải triển khai các bước đi phù hợp giữa việc đổi mới chương trình, SGK với cách dạy và học.

Theo ông Nghĩa, bất kỳ phương án tuyển sinh nào đưa ra đều có những xung đột về lợi ích. Cho nên không có phương án nào nhận được sự đồng thuận tối ưu.

Việc đổi mới tuyển sinh phải đảm bảo quyền tự chủ của các trường, không gây xáo trộn lớn nhưng phải xây dựng được phương pháp đánh giá phù hợp với chương trình hiện tại nhưng là tiền đề cho đổi mới sau này...

Từ kinh nghiệm nghiên cứu thực tế, Trưởng Ban đào tạo ĐH và Sau ĐH (ĐHQG TP.HCM) Nguyễn Quốc Chính chia sẻ, thông qua phân tích các mô hình tuyển sinh ĐH trên thế giới có thể nhận thấy để đánh giá mức độ chuẩn bị học ĐH của học sinh là cần phải có một thước đo chuẩn để đánh giá về kiến thức hay kỹ năng. Dù việc sử dụng thước đo chuẩn thiên về kiến thức hay kỹ năng hiện vẫn còn đang là yếu tố tranh luận.

"Tuy nhiên, để đánh giá năng lực học ĐH của học sinh một cách toàn diện thì xu hướng chung vẫn là kết hợp hai yếu tố kiến thức và kỹ năng" - ông Chính nói. Theo đó, ông đề xuất việc cải tiến tuyển sinh ĐH, CĐ ở Việt Nam cần tác thành hai phần: đánh giá năng lực và xét tuyển.

Phần đánh giá năng lực cần đánh giá được kiến thức, kỹ năng cần thiết để học ĐH của thí sinh. Việc đánh giá năng lực thí sinh cần được thực hiện bởi một đơn vị chuyên trách. Đơn vị này có trách nhiệm xây dựng, quản lý ngân hàng đề thi và chủ trì, phối hợp tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực học sinh. Quá trình xét tuyển cần có tính toàn diện và thể hiện yêu cầu đặc thù của từng ngành/ trường, vùng....

Việc xây dựng đơn vị khảo thí chuyên trách theo ông Chính phương án tối ưu là xây dựng một trung tâm chuyên trách về khảo thí của quốc gia. Có thể dựa trên nền của Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục nhưng bổ sung thêm nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất, tài chính. Trung tâm này sẽ đảm nhiệm việc xây dựng đề thi, tổ chức thi trên phạm vi toàn quốc. Kết quả thi sẽ được sử dụng để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ...

Theo tiến sĩ Phạm Thị Ly, Viện Nghiên cứu và đánh giá GD ĐH (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nêu quan điểm, Việt Nam cần thay đổi cách thức đánh giá trong tuyển sinh ĐH. Điều này đặc biệt quan trọng vì khi chúng ta thay đổi cách đánh giá thì học sinh sẽ thay đổi cách học.

Vấn đề cấp bách hiện nay không phải là xác định điểm sàn nhằm hạn chế số người vào học ĐH mà là khẩn cấp cải thiện chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, tài liệu giáo trình và môi trường đào tạo bậc ĐH nói chung.

Theo bà Ly, nếu các trường ĐH thực sự có chất lượng họ sẽ tạo ra một thế hệ mới không ngồi chờ may mắn hay cơ hội, không chỉ mơ ước bán được sức lao động ăn lương mà sẽ có can đảm chấp nhận rủi ro, dám nghĩ, dám làm...

Để đáp ứng với những lo ngại loạn chuẩn, loạn chất lượng nếu bỏ điểm sàn rất cần một chính sách hỗ trọ cho chất lượng. Vẫn theo ba Ly, thay vì Bộ phải trực tiếp tăng cường công tác quản lý và giám sát hoạt động của các trường - cần đặt hoạt động của các trường dưới sự giám sát của các hội nghề nghiệp và của toàn xã hội.

Bộ nên tập trung làm chính sách. Chính sách không chỉ có nghĩa là những quy định đòi hỏi hay cấm đoán mà là những khuôn khổ pháp lý nhằm khích lệ hoạt động đào tạo hay nghiên cứu của các trường đi theo những định hướng chiến lược phù hợp với lợi ích quốc gia trong từng thời kỳ....

Đồng quan điểm, GS Vũ Minh Giang cho rằng, đổi mới tuyển sinh không thể chuyển từ 3 chung sang cho các trường tự chủ. Phải có thay đổi sâu sắc về nhận thức chứ không phải ồ ạt xây dựng đề án riêng nhưng cách làm...như cũ, không có gì đổi mới.

Theo GS Giang, cái lạc hậu là chúng ta dừng ở nền giáo dục chú trọng quá lâu về nội dung. Phương pháp học vẫn là cách tiếp cận nội dung và luyện kỹ là thi đỗ nên đã không còn phù hợp trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Do đó, thay vì dạy những lý thuyết sách vở thì cần dạy cách xử lý tình huống đó như thế nào...Vấn đề đặt ra là chung ra đang lúng túng trong việc khắc phục tình trạng bất cập và lạc hậu.

"Cho nên đổi mới tuyển sinh cần chuyển hẳn sang nền giáo dục tiếp cận phương pháp, kỹ năng học suốt đời" - GS Giang đề xuất. Đồng thời, việc dạy học nên có những câu hỏi mở thay cho những câu hỏi có đáp án sắn - như vậy sẽ khó đánh giá được năng lực.

GS Giang nêu băn khoăn, để đổi mới thành công cần có sự thông suốt về quan niệm chứ hiện nay Bộ nghĩ một cách, ĐH lớn nghĩ một cách và các trường ĐH nghĩ một cách...Về mặt quản lý nhà nước phải thận trọng với những đề án tuyển sinh riêng. Nếu các trường làm như cũ thì không đáp ứng yêu cầu đổi mới.

"Đổi mới nên bắt đầu từ cách làm tương đối dễ và không nên quá cầu toàn" - GS Giang gợi mở.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội cho biết: Năm 2014, ĐHQG vẫn tổ chức thi tuyển sinh theo hình thức ba chung.

Kỳ thi theo năng lực chỉ áp dụng thí điểm đối với hệ đào tạo tài năng, chất lượng cao. Có nghĩa sau khi các em trúng tuyển nhập học nhà trường sẽ tổ chức lựa chọn các em có năng lực vào học các chương trình tài năng, chất lượng cao.

Đối với hệ sau ĐH sẽ thi 3 môn (Ngoại ngữ, môn Cơ bản và môn Cơ sở). Trong đó, môn Cơ bản là môn thi đánh giá năng lực.

  • Nguyễn Hiền