- Không chỉ tỏ ra băn khoăn về kế hoạch cụ thể của đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội , dư luận còn thấy choáng váng về mức kinh phí cần cho đề án này.

{keywords}
Ảnh minh họa

Ai chịu trách nhiệm cho 34 nghìn tỷ?

Anh Ngọc Sơn hài hước nhận xét về con số 29.000 tỷ đồng mà Bộ GD-ĐT cho biết là để đào tạo giáo viên: “giống thuê chuyên gia thể thao quá!”.

Anh Phạm Văn Định – một người cũng đang làm việc trong ngành giáo dục cho rằng việc chi 34 nghìn tỷ đồng để đổi mới chương trình SGK là con số quá “khủng”. Theo anh, con số mà PGS Văn Như Cương nhẩm tính là sát thực tế hơn. Ngoài ra, anh Định góp ý, Bộ GD-ĐT nên tập trung vào đổi mới bậc đại học vì chương trình ĐH của chúng ta đang quá yếu kém, sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều hoặc phải làm công việc không cần đến 4, 5 năm học ĐH. “Thật đau xót cho đất nước còn nghèo như chúng ta! Khi mà các đề án, dự án chẳng biết mang lại bao nhiêu ích lợi cho xã hội, nhưng các lãnh đạo cứ nhẩm một cái thì đều lên tới chục ngàn tỷ đồng".

Băn khoăn về kế hoạch đổi mới cụ thể của Bộ, anh Mai Sơn Thông khẳng định nếu không đưa ra được một kế hoạch rõ ràng sẽ dẫn đến lãng phí lớn về thời gian và tiền bạc. Đồng thời, Bộ nên thường xuyên thu nhận ý kiến tại các trường học, để có những biện pháp tuy nhỏ nhưng hiệu quả lại tức thời.

Đồng tình với kế hoạch đổi mới giáo dục phổ thông, tuy nhiên chị Bích Hà đặt câu hỏi “liệu Bộ GD-ĐT có đủ tài năng để sử dụng hiệu quả số tiền trên hay không mới đáng nói. Và tiêu chí gì để đo lường kết quả của 34 nghìn tỷ được đầu tư? Và ai sẽ chịu trách nhiệm khi 34 nghìn tỉ này không đem lại kết quả như mong đợi?”

Cần tập trung đổi mới con người

Anh Quốc Hưng cho rằng SGK chỉ là một khâu rất nhỏ trong quá trình đổi mới giáo dục, mà phải đổi mới cốt lõi là con người: lương giáo viên không đủ sống sinh ra tiêu cực, không thu hút được người tài. Vị phụ huynh này kể: tôi có đứa con học một trường đại học có tiếng về kỹ thuật, nó bảo thầy dạy chán lắm, hỏi gì thầy cũng không biết, bảo sinh viên về đọc sách. Một buổi dạy thầy đi mấy chương liền, sinh viên không hiểu thì thôi. Trường con tôi như vậy không biết các trường khác thì sao?”

Đồng tình với ý kiến này, chị Thu Mai cũng cho rằng Bộ chi vào việc tăng lương cho giáo viên là lựa chọn đầu tiên, “còn các thứ khác đã loay hoay cải cách cả thập kỷ nay rồi”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Bình lại lo ngại về vấn đề các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa liệu có theo kịp chương trình đổi mới, có đáp ứng được những yêu cầu về cơ sở vật chất hay không, khi mà miền xuôi cũng còn đang chật vật.

Một ý kiến khác đáng lưu ý của anh Lê Văn Dũng: “Dù có đổi mới đến đâu nhưng vẫn tư duy lỗi thời, lấy chỉ tiêu làm đầu thì chất lượng giáo dục Việt Nam khó lòng thay đổi. Bản thân Bộ GD-ĐT đang say sưa chạy theo thành tích khi khống chế số lượng học sinh yếu kém ở các trường chuẩn quốc gia là không quá 5% và còn biết bao chỉ tiêu nữa. Đổi mới căn bản và toàn diện, đầu tiên phải đổi mới cái đầu của từng con người đang làm trong ngành giáo dục trước đã, sau đó mới bàn đến những vấn đề khác”.

Nhìn ở góc độ xa hơn, anh Lê Văn Viện đề xuất: “Bộ quản lý ngành chỉ nên quy định những chuẩn mực mà học sinh cần đạt được theo mục tiêu định sẵn. Ví dụ: Đối với học sinh học hết lớp 1 phải biết đọc, viết; biết cộng trừ trong phạm vi...; nhân chia 2 chữ số; ... học sinh lớp 6 phải biết lập và giải phương trình bậc nhất...đến lớp 12 phải biết... Khi tốt nghiệp THPT phải biết trình bày nội dung mình muốn diễn đạt, biết đọc, hiểu đúng văn bản, biết tự tính toán những con số (xảy ra trong đời sống thường ngày liên quan đến mình)... Nghĩa là Bộ quy định khung bắt buộc đối với giáo dục ở từng cấp, lớp học để cho nhà trường, giáo viên đào tạo học sinh theo cách của họ, không tốn kém, gây áp lực mà đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của xã hội, đáp ứng được nhu cầu bước vào cuộc sống tự lập của mỗi con người”.

Thiếu người hoạch định chiến lược  

{keywords}
Nhiều ý kiến cho rằng đổi mới giáo dục cần tập trung vào con người. Ảnh: Người Đưa Tin

Một số ý kiến đề nghị Quốc hội cần cân nhắc kỹ trước khi thông qua đề án này. “Theo tôi, nước ta đang thiếu những người đủ năng lực để hoạch định chiến lược phát triển giáo dục nước nhà. Hầu hết chúng ta chỉ học ở nước này một chút, nước kia một chút, sau đó về hòa trộn với của ta. Ngay mấy năm trước ồ ạt sắm trang thiết bị dạy học ở tất cả các khối nhưng đến giờ xếp xó hoặc hỏng hóc”.

“Quan trọng nhất là đổi mới con người. Chỉ khi nào giáo dục huy động được đội ngũ ưu tú về tài đức thì mới thay đổi được căn bản, toàn diện. Con số này các bác đầu tư xây trường, thêm lương cho giáo viên để các cháu được học trường công và tránh tình trạng học thêm dạy thêm như hiện nay. Xin Quốc hội hãy thật sáng suốt khi duyệt đề án. Hãy lắng nghe các bậc trưởng lão” – chị Bích Hà đề xuất.

Độc giả Minh Nguyễn đưa quan điểm, nếu Bộ chọn đúng người thì việc viết sách không đắt. Đất nước còn nghèo mà ông giáo dục chi tiêu hoang phí quá, trong khi hiệu quả thì chưa biết thế nào. Có lẽ Quốc hội nên giao việc biên soạn sách cho một số giáo sư đầu ngành có tâm huyết chủ trì thay vì giao cho Bộ GD-ĐT. Bộ đang mất phương hướng vì những người ở đây thiếu tâm và thiếu tầm nên những đổi mới giống như con kiến leo cành đa vậy.

Còn độc giả Nguyễn Phước Thọ tỏ ra bi quan:  "Người dân bình thường như tôi đây đến giờ không còn một chút niềm tin vào đổi mới giáo dục. Vì lợi ích nhóm mà những người làm giáo dục không cần biết nền giáo dục của nước ta rồi sẽ đi về đâu, con cháu chúng ta sau này sẽ như thế nào. Một nền giáo dục không có căn cơ, nay thế này mai thế khác - thay đổi đến chóng mặt.

Ý kiến của độc giả tên Dương thì cho rằng, với 34 ngàn tỷ nên đầu tư xây trường, thêm lương cho giáo viên để các cháu được học trường công và tránh tình trạng học thêm dạy thêm, như hiện nay?

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)