- Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) từ vài năm nay đã thay khẩu hiệu truyền thống “Tiên học lễ, hậu học văn” theo tinh thần của Khổng Tử bằng các biển hiệu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” và "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình" - mục đích học tập mà UNESCO đề xướng.


Cô giáo Nguyễn Thị Thuận, hiệu trưởng Trường THCS Tô Hoàng (từ năm 2008), nói về quyết định đổi khẩu hiệu: Với học sinh, những từ ngữ khó quá các em không hiểu nên sẽ không quan tâm. Cách tốt hơn là cắt thành nhiều lớp, bày lên cho học sinh thấm dần. Tuy nhiên, quan trọng hơn, theo cô Thuận, “ở mình có những cái đã quá lâu, quá cũ, nhưng nhiều người vẫn ngại thay đổi khi đã cần phải thay đổi”.

  {keywords}
"Triết lý giáo dục" mới của Trường THCS Tô Hoàng.

Cái “biết” ở đây, theo chị Thuận, trước hết vẫn phải là biết về tri thức. đã nâng được chất lượng giáo dục của trường lên mức cao nhất 3/3 - kết quả của đợt kiểm định gần đây nhất của Sở GD-ĐT Hà Nội, nhưng điều mà cô Thuận muốn chia sẻ nhiều hơn là cách đưa cho học sinh những kiến thức về cuộc sống xung quanh mình, để “làm”, “chung sống” và “tự khẳng định mình”.

Học để làm công dân bình thường

Ngoài chuyện học, theo cô Thuận, “các kỹ năng, từ kỹ năng nghe điện thoại, trang phục hàng ngày… cho đến quan trọng như kỹ năng làm việc theo nhóm và tự học tự nghiên cứu, học sinh mình đều đang rất thiếu”.

“Nhà trường định hướng học sinh, cho vào khuôn chuẩn những cái gì thuộc về cơ bản. Bên cạnh đó, phụ huynh phải góp phần. Ở nước ngoài người ta dạy con từ bé tí đã biết cầm bình sữa tự ăn, cầm thìa tự xúc. Còn ở ta thì sao? Thiếu gì cảnh phụ huynh sáng sáng chở con đến trường rồi ngồi chờ con ăn từng muỗng một?”.

Theo cô Thuận, học sinh cần có kỹ năng sống trước hết để thành người công dân bình thường, cao hơn nữa là công dân toàn cầu.

Các buổi học thể thao, học nhảy, học ngoại ngữ thứ hai… là những nội dung mà nhà giáo này rất quan tâm.

“Tôi cho rằng điểm nổi bật nhất của học sinh Tô Hoàng bây giờ là các em tự tin hơn. Vài năm trước vẫn xảy ra những vụ như học sinh bị lừa chở đến chỗ nọ, chỗ kia rồi bị lấy mất xe đạp. Bây giờ không có chuyện học sinh của trường bị lừa nữa. Trường luôn kịp thời đưa ra những bài học cảnh báo cho học sinh, và ngay cả giáo viên, dạy các kỹ năng phòng vệ khi có dấu hiệu lừa đảo”.

Một cách chơi khác

Cho học sinh đi chơi cũng là để rèn kỹ năng. Trước đây các trường hay tổ chức cho học sinh đi thăm quan danh lam thắng cảnh. Nhưng không ít nơi trong số đó tiềm ẩn nhiều hiểm họa, cũng như đã có không ít tai nạn xảy ra cho học sinh khi đi thăm quan.

“Học sinh, nhất là học sinh thành phố, đơn giản là cần một chỗ để chơi”. Với quan điểm này, thời gian gần đây thay vì đưa học sinh đến thăm quan tại một khu du lịch nào đó, trường Tô Hoàng mượn một trang trại chỉ cách Hà Nội vài chục km làm địa điểm đến cho các em.

“Học sinh không cần mặc đồng phục, các lớp chuẩn bị tiết mục văn nghệ, đến nơi thi hát, thi nhảy, chơi kéo co, đá bóng. Trang trại có cả bể bơi, bể vầy.

Hay nhất là chủ trang trại mua mấy cân cá chạch chấu thả xuống bể vầy, trên bờ gõ trống, dưới bể các em thi xem ai bắt được nhiều nhất, vui nổ trời” – cô Thuận hào hứng kể.

Trước khi đi tổ chức cho học sinh đi chơi giáo viên phát phiếu kiểm tra, yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi như đến chỗ này cần kỹ năng gì? nên đến như thế nào? gặp bất trắc phải làm gì?

Sau các cuộc đi chơi các em viết báo cáo thu hoạch. “Chơi mà cũng là học, đây là một cách tích hợp liên môn, sử địa công dân, làm việc nhóm… đều thể hiện đủ trong mỗi bài viết của học sinh”.

Một vấn đề khác, mà chị Thuận “thú nhận” rằng “đây là vấn đề va đập hàng ngày mà mình chưa chú ý đến, đó là giáo dục dinh dưỡng cho học sinh”.

{keywords}
Hình ảnh trưng bày trong trường. Ảnh: Văn Chung

“Học sinh Việt Nam vẫn bị chê là còi cọc. Nhưng cứ thử nghĩ mà xem, các em học từ 7 giờ sáng đến 12 giờ trưa, chiều từ 1 rưỡi đến 5 giờ, ăn uống linh tinh, học còn không đủ sức thì sao mà không còi cọc?

Ở tiểu học phụ huynh, nhà trường còn quản lý được chuyện ăn uống của các em. Nhưng đến cấp 2, 3 là khó. Cho tiền ăn nhưng có khi trẻ dùng để đi chơi điện tử, cho tiền ăn phở có khi con ăn xôi, chỗ còn lại để dành.

Tôi đang suy nghĩ và nhờ người tính toán xem học cần lượng calo như thế nào đối với thời lượng học 5 tiết, 4 tiết, làm thế nào để tích hợp được đủ lượng dinh dưỡng trong ngày cho học sinh”.

Cho học sinh học nhạc sau này còn… tán gái

Một việc mà cô Thuận cũng đang ấp ủ làm phòng âm nhạc, với hy vọng sớm triển khai được.

Tha thiết với mục tiêu này xuất phát từ những kinh nghiệm rất riêng tư của chính cô Thuận. “Do trước đây không được học hành gì nên có những cuộc xã giao mọi người kéo nhau ra nhảy mình chỉ ngồi dúm một chỗ. Về thấy bực với bản thân lắm, nên sau này tôi phải đi học nhảy.

Mong muốn phổ cập âm nhạc cho học sinh cũng xuất phát từ ngày tôi và chồng… cưa nhau. Hình ảnh một người con trai ôm đàn guitar vừa đàn vừa hát bao giờ chả có sức hấp dẫn. Nên mình cứ nghĩ vui là, học sinh của mình biết chút ít đàn hát, sau này có đi “tán gái” cũng có ngón nghề dắt lưng”.

Tất nhiên, theo cô Thuận, đưa gì vào trường cũng phải tính toán kỹ. Bài học mà cô Thuận nhớ đời là chuyến nhà trường hào hứng lên phổ cập kỹ năng sống cho học sinh miền núi. “Trước đây đi công tác miền núi nhiều, tôi thấy trẻ con miền núi cả ngày chẳng đánh răng rửa mặt, rồi đi chân đất suốt. Vì thế mà mấy năm trước, tôi và ban giám hiệu nhà trường đã liên hệ với một trường học nằm ở khu vực biên giới của Hà Giang. Chúng tôi xin danh sách của học sinh toàn trường đó, về cho các em ở trường mình viết cho mỗi bạn một bức thư, ủng hộ các bạn cái bàn chải, cái khăn mặt, cháu nào có điều kiện có thể tặng bạn đôi dép. 150 phần quà cùng 150 bức thư được chúng tôi mang đến tận nơi. Tối hôm đó, chúng tôi tập hợp học sinh tặng quà, hướng dẫn các em cách đánh răng rửa mặt… Tuy nhiên, chỉ đến ngay buổi sáng hôm sau, “lớp học kỹ năng” đã phá sản, với lý do cực kỳ bất ngờ: Không có nước. Trường có một bể nước dùng chung rất to, nhưng chỉ thỉnh thoảng rỉ ra một giọt. Công việc chính hàng ngày của các thầy cô là giảng dạy, còn lao động chính hàng ngày là đi lấy nước về dùng chung trong nhà trường, với bảng phân công lấy nước tới từng người cụ thể. Vì thế mà nước ở trường được dùng cực kỳ tiết kiệm và hạn chế, với ưu tiên hàng đầu cho việc nấu nướng… Thầy hiệu trưởng áy náy, còn chúng tôi ra về mà buồn cười cho cái sự nhiệt tình ngô nghê của mình.

Cũng từ việc này mà sau này, khi triển khai các chương trình, lớp học trong trường chúng tôi không còn lần nào gặp phải tình trạng dở khóc dở cười như vậy nữa. Lý thuyết sẵn sàng, sự ủng hộ có, nhưng luôn phải tính đến điều kiện thực tế.

Kết luận ở đây là làm gì cũng phải phù hợp với hoàn cảnh. Ở trường của mình, mình có thể kiểm soát được các điều kiện, nên khi muốn triển khai một việc nào đó cần phải cân nhắc rất kỹ”.

Có nhiều cách để dạy học sinh lòng yêu nước

Theo cô Thuận, đó là hãy để học sinh là một phần của sự kiện lịch sử.

Trường đã tổ chức cho giáo viên và những học sinh tiêu biểu đi viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khu tưởng niệm các chị thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc có 10 cây hoa lan và một hành lang đá, đó là từ sự đóng góp của học sinh nhà trường. “Mỗi em ủng hộ chỉ 10 nghìn, 20 nghìn, nhưng các em được bài học về lịch sử, khi nói đến Đồng Lộc, các cháu thấy có phần mình trong đó”.

{keywords}

Cô giáo Nguyễn Thị Thuận,

Học sinh của trường cũng tích cực tham gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 43, với giải đạt được cao nhất là giải nhì cho bức thư gửi bố là lính đảo Trường Sa.

Cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn trường cũng vận động học sinh tham gia. “Thông qua việc làm bài thi, học sinh tự xây dựng được cho mình phương pháp làm việc, tự học, tự tìm kiếm tư liệu lịch sử, địa lý, văn hoá về mảnh đất đó, các em cũng phải thể hiện kỹ năng hội hoạ, tin học, viết văn…” – cô Thuận cho biết.

Đặc biệt, cô Thuận nhấn mạnh huy động xã hội hoá không phải chỉ là thu tiền. “Chúng tôi coi huy động nhân lực, trí lực còn quan trọng hơn”. Nhà trường có hẳn một đội văn nghệ của phụ huynh học sinh. Có phụ huynh học sinh cũng đã “xung phong” giảng dạy thêm cho học sinh các môn lý, hoá bằng tiếng Anh. Có gia sư ở trung tâm tình nguyện dạy miễn phí cho một số học sinh kém của trường. Trường cũng dự kiến đưa giáo dục phòng chống ma tuý vào trường học theo một dự án miễn phí.

 

TS Giáp Văn Dương (Cổng giáo dục trực tuyến Giapschool): "Theo quan niệm giáo dục hiện đại, học để ứng xử chỉ chiếm một phần nhỏ. Vì vậy, không nên dùng cái phần rất nhỏ này để bao trùm lên mọi hoạt động giáo dục. Chưa kể, rất nhiều hành động có thể nhân danh chữ “lễ” này để bóp méo việc dạy và học, xâm phạm đến các quyền trẻ em.

Vì thế nếu khẩu hiệu “tiên học lễ hậu học văn” không còn chỗ đứng cũng là một điều bình thường. 

  • Ngân Anh – Văn Chung