- Con số 73.000 cử nhân thất nghiệp năm 2013 do ngành Lao động báo cáo đang được dư luận quan tâm. Có ý kiến cho rằng, Bộ GD-ĐT là nguyên nhân gây ra thất nghiệp của các cử nhân?

LTS: Nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho hiện trạng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở sinh viên mới ra trường: chọn nhầm sân, đào tạo chưa “khớp” với nhu cầu, thừa thầy thiếu thợ… Từ đó, dẫn đến thực trạng cử nhân thất nghiệp đổ xô học thạc sĩ, thậm chí lao vào học trung cấp, học nghề để công cuộc xin việc làm dễ dàng hơn. Trong khi thị trường lao động thừa người thì doanh nghiệp vẫn kêu thiếu nhân sự làm được việc.

VietNamNet xin giới thiệu bài viết của tác giả Minh Tuấn - thêm góc nhìn giúp các nhà hoạch định chính sách gỡ rối.

Bỏ qua khái niệm thế nào là một lao động được coi là thất nghiệp cũng như cách thu thập số liệu, nhưng dư luận đều tin rằng thất nghiệp đang là nỗi lo và đầy thách thức đối với các nhà làm chính sách giáo dục và chính sách việc làm?

{keywords}
Ảnh có tính chất minh họa

Có ý kiến quy lỗi cho lãnh đạo ngành Giáo dục vì để cho GDĐH phát triển quá nóng - nhiều trường ĐH, CĐ mở ra nên các trường nghề khó tuyển sinh và Bộ GD là nguyên nhân hàng đầu gây ra thất nghiệp của các cử nhân.

Nhiều người vô tình hay hữu ý quên đi điều kiện kinh tế mới là cái quyết định tăng trưởng việc làm. Đất nước trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, cộng với suy thoái kinh tế của đất nước và thế giới đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường việc làm. Nhiều trường ĐH, CĐ và ngay cả trường nghề rất chật vật trong tuyển sinh...do đầu ra với một tương lai việc làm chưa rõ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội không thể từ chối trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho Thủ tướng về quy hoạch phát triển hệ thống đào tạo đảm bảo sự hài hoà, cân đối các trình độ giáo dục phổ thông, dạy nghề và giáo dục đại học.

Sự quản lý nhà nước chia sẻ ra nhiều đầu mối khiến cho sự mất cân đối do thừa thầy thiếu thợ không thể quy trách nhiệm cho một Bộ trưởng nào?

Không thể quy cho Bộ trưởng Giáo dục hay Bộ trưởng Lao động khi mà cả hai bộ ra sức chạy đua phát triển bậc học do mình phụ trách, khiến cho nơi thừa nơi thiếu...

Chuyện cứ như đùa khi các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng GD mà lại quên đi chính mình cũng là người trong cuộc. Khi mà các trường ĐH ở địa phương mọc lên như nấm thì không thấy chất vấn các nhà lãnh đạo địa phương?. Vì một trường ĐH được thành lập phải trên cơ sở thuyết minh có nhu cầu nhân lực tại địa phương.

Vậy thì có lẽ hơi oan cho Bộ trưởng Giáo dục nếu chỉ quy trách nhiệm cho một mình ngành giáo dục....

Ai để cho các cử nhân thất nghiệp?

Câu hỏi dành cho chính người học và người dạy trong các trường ĐH. Khi người học còn lười tư duy, thụ động chiếm lĩnh tri thức - học để thi không phải học để làm, học không phải vì sự khai phóng của bản thân thì cơ hội việc làm sẽ xa vời vợi - trừ những sinh viên diện con ông cháu cha hoặc chấp nhận làm trái ngành với đồng lương không tương xứng.

Một văn bằng theo “văn hoá bằng cấp” của nhiều người Việt có thể đem đến cơ hội việc làm trong một thị trường lao động thiếu minh bạch, nhưng không phản ánh giá trị năng lực kết tinh trong văn bằng đó.

Nguy cơ cử nhân thất nghiệp sẽ vẫn còn và có thể còn tăng thêm nếu tình hình tăng trưởng kinh tế không được cải thiện và người học khong chịu học tập, rèn luyện hoặc thiếu động lực học tập vì cuộc sống và việc làm cho bản thân trước hết.

Lại nói người thầy trong GDĐH, họ chính là một trong các tác giả của sản phẩm bị từ chối ngoài thị trường lao động. Không gì đau khổ hơn của một người thầy khi một khoá học sinh của mình với tỷ lệ tốt nghiệp và thất nghiệp cao như nhau. Nội dung sáo mòn không đổi mới, phương pháp dạy học không góp phần đào tạo con người tự do, khai phóng, tư duy đến tận cùng, thấu đáo của từng vấn đề...người học khi ra trường sẽ lúng túng, xa lạ với thực tiễn.

Nếu họ đã tự lừa dối mình bằng cái vẻ hào nhoáng bằng cấp của bản thân thì chắc chắn những học trò của họ sẽ là sản phẩm của sự lừa dối đó biết bao giờ học trò có giá trị chuyên môn đích thực và có việc làm tử tế.

GDĐH cần có một cuộc cách mạng thực sự đối với người thầy dạy ĐH về tư duy, tư tưởng, triết lý GDĐH sau đó là phương pháp, kỹ năng dạy học, nghiên cứu và phải là con người tử tế. Đừng để cho câu "không việc mặc bay -tiền thày bỏ túi" trở thành cửa miệng của người đời.

Có thể nói, câu chuyện thất nghiệp của các cử nhân hay của người lao động nói chung xét cho cùng có nguồn gốc từ tăng trưởng kinh tế và chính sách phát triển nguồn nhân lực của đất nước.

Ngoài những nguyên nhân về kinh tế, cũng cần phải xét đến nguyên nhân quan trọng trong quy hoạch phát triển nhân lực, cơ chế phân cấp và điều phối trong quản lý, chất lượng đào tạo nhân lực...Trong khi đó chất lượng đào tạo nhân lực lại là một hàm số chi phối bởi nhiều biến số về nguồn lực tài chinh, sinh viên, giảng viên, cán bộ quản lý, chương trình đào tạo và phương pháp, quan hệ với doanh nghiệp...và sự minh bạch trong tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ trả lương.

Tuy nhiên, cái biến số không kém quan trọng vẫn là chính sách và cơ chế phát triển nhân lực của đất nước…

TIN BÀI LIÊN QUAN:
  • Minh Tuấn