- Câu nói “trò phát âm tiếng Anh chuẩn hơn cô” của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khiến các phụ huynh thành phố chẳng lấy gì làm ngạc nhiên, bất ngờ.

Không ai ngạc nhiên

{keywords}

Công nhận ví dụ Bộ trưởng Luận đưa ra “trò phát âm chuẩn hơn cô” là đúng, chị Thu Hà (Hà Nội) lấy ngay ví dụ trường hợp của con mình. Đưa con theo chồng sang Mỹ từ khi con còn nhỏ, đến lúc chồng bảo vệ xong luận án tiến sĩ cả nhà trở về Việt Nam, xin cho con vào học một trường công lập tiếng tăm ở quận Hoàn Kiếm. “Đến lớp nghe cô giáo nói tiếng Anh nó cười sằng sặc, bảo là cô phát âm không đúng. Hai vợ chồng nghe nói lại hoảng quá, phải dặn con không được cười như thế”.

Chị Ngọc Hoa thì không quên lần con gái bối rối về kể với mẹ về bài học trên lớp. Hôm đó cô giáo tiếng Anh của lớp con nghỉ, một cô khác dạy thay. Cô giáo dạy thay cho ôn bài cũ, thì xảy ra chuyện “câu hôm trước cô của con bảo là đúng nhưng hôm nay cô dạy thay lại bào là sai. Con có hỏi cô tại sao, cô giải thích, nhưng nếu thế thì cô của con sai thật ạ?”. Không thể tự trả lời câu hỏi của con vì cả hai vợ chồng đều đã… quên sạch vốn liếng ngoại ngữ được học từ thời cấp 2, cấp 3, chị Hoa cầu viện đến đứa cháu đang học khoa Tiếng Anh ở đại học Hà Nội giảng lại bài cho con. Và kết luận đáng buồn là “cô giáo tiếng Anh của cháu dạy sai thật”.

Không hề tỏ ra ngạc nhiên về đánh giá của người đứng đầu ngành giáo dục về việc dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông, chị Hà Thảo phân tích: Phụ huynh có điều kiện cho con đi học trường quốc tế hầu như không cho con đi học thêm ở trung tâm nữa, hoặc nếu có học là học những cơ sở lớn như Hội đồng Anh, Language Link, Apolo…

Còn đối với các phụ huynh có con đi học trường công lập, nói cho cùng, chính vì không yên tâm chất lượng dạy ngoại ngữ của trường công nên các phụ huynh mới phải cho con đi học thêm ở trung tâm. Nhưng những phụ huynh này thường không đủ điều kiện tài chính cho con học trung tâm “xịn”, nên chỉ lựa chọn được những trung tâm học phí vừa tầm có điều kiện cơ sở vật chất ổn, giáo viên cả người bản ngữ cả người Việt Nam…

Có hành trình 3 năm đưa con đi học ở vài ba trung tâm tiếng Anh dạng này, chị Hà Thảo nhận xét “Giáo trình ở các trung tâm không khác với ở trường là mấy, vốn từ như nhau, cái khác ở đây là phương pháp dạy và giáo viên. Học trung tâm có nhiều trò chơi lôi cuốn hơn, còn giờ học ngoại ngữ ở trường khá nhợt nhạt. Vấn đề nữa là ở chất lượng giáo viên. Bảo rằng các thầy cô không đạt chuẩn là đúng. Nhất là với người học ngoại ngữ, xoàng xoàng mới đi sư phạm. Rồi kể cả đến khi học đại học xong, không cứ tiểu học mà cả các cấp học cao hơn, người thật sự giỏi tiếng Anh ít làm giáo viên vì họ có cơ hội tìm việc với thu nhập hấp dẫn hơn nhiều”.

Giáo viên: Sóng ở trong lòng

Một cô giáo tiếng Anh tiểu học tại một địa phương miền núi phía Bắc chia sẻ: “Các thầy cô tiếng Anh đều học từ trường ĐH, CĐ công lập ra, các thầy cô dạy theo giáo trình, hướng dẫn của Bộ.

Chỉ riêng chuyện phát âm, chuẩn hay không chuẩn, một phần là do… lịch sử để lại. Ví dụ như trước đây đi học phổ thông, rồi cả khi học cao đẳng sư phạm, “cái bút chì” – pencil tôi được dạy phát âm một kiểu, nhưng mới đây đi học chuẩn hoá lại được dạy phát âm kiểu khác.

Vài năm trở lại đây các phương tiện hỗ trợ giảng dạy ngoại ngữ như băng đĩa, phòng máy… tốt hơn nhiều rồi. Trước những yêu cầu chuẩn hoá, giáo viên tiếng Anh như tôi và các đồng nghiệp đều rất nỗ lực. Mọi người đều đang trên đường chuẩn dần, đẩy dần mình lên.

Nhưng so sánh môi trường lớp học trường công với các trung tâm mà xem, một bên 4, 5 chục học sinh, một bên chỉ bằng một nửa, thời lượng một buổi học cũng khác nhau, thì phương pháp hiện đại, rồi học mà chơi, chơi mà học áp dụng kiểu gì?

Các thầy cô dạy ở trung tâm, ở thành phố có khi còn có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với người bản ngữ. Băng đĩa chỉ là một phần, giáo viên chúng tôi không có môi trường, không tiếp xúc với người nước ngoài, đặc biệt với các thầy cô ở vùng sâu vùng xa. Có những giáo viên cả đời dạy tiếng Anh mà chưa một lần nói chuyện với “Tây”.

Mong muốn học sinh nghe nói tốt, nhưng các bài kiểm tra lại tập trung tới phần viết, ngữ pháp và đọc hiểu, thì giáo viên đương nhiên chạy theo yêu cầu này.

Giáo viên từ năm 90 khác với lứa giáo viên 9x bây giờ. Nhưng có thể lý giải thế nào về việc có giáo viên “già” không vượt qua kỳ kiểm tra chuẩn hoá của Bộ, nhưng từ lâu nay năm nào cũng có học sinh giỏi môn tiếng Anh?

Tâm nguyện của giáo viên chúng tôi luôn mong dạy học sinh sao cho khi gặp người nước ngoài nói người ta hiểu. Nhưng muốn đáp ứng yêu cầu của Bộ cần phải có thời gian chuẩn bị và thay đổi, từ cách tiếp cận sao cho tiếng Anh phải được xem là môn kỹ năng, thực hành giao tiếp nhiều đến cách thức ra đề, thi cử. Và cần một môi trường học tập ở đó tiếng Anh được sử dụng rộng rãi hơn, chứ không chỉ gói gọn trong 45 phút/ tiết học, một tuần 3, 4 tiết”.

Kết quả lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT vừa qua là một trong những minh chứng cho hiện trạng dạy và học ngoại ngữ hiện nay. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ngoại ngữ đứng ở vị trí ngay sát môn Lịch sử về tỉ lệ học sinh chọn thi tốt nghiệp với 15,85%.

Ở miền núi có những địa phương chỉ có vài học sinh chọn tiếng Anh. Ví dụ như cả tỉnh Bắc Kạn có vỏn vẹn 140 thí sinh/ 3183 thí sinh đăng ký thi môn Tiếng Anh, Cao Bằng có 170 thí sinh/ 5143 thí sinh, Điện Biên 128/ 6059 thí sinh thí sinh.

Có số lượng thí sinh thi tiếng Anh thấp nhất cả nước là Lai Châu 19 thí sinh/ 2645 thí sinh, Hà Giang 52 thí sinh (trên tổng số 6621 thí sinh toàn tỉnh).


Ngân Anh