- “Khi chúng ta tin xã hội đang tử tế là chính thì chúng ta sẽ sống tử tế hơn. Còn nếu như chúng ta nghĩ rằng xã hội không tử tế, chúng ta sẽ đặt câu hỏi tại sao phải sống tử tế và như vậy lại rơi vào vòng xoáy sống không tử tế” -ông Lê Quang Bình (Nhóm công tác vì sự tham gia của người dân (PPWG) chia sẻ.

Sáng 20/6, sát ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, một lễ phát động đơn giản nhưng đầy ý nghĩa một giải báo chí với chủ đề “Sống tử tế” đã được diễn ra tại Hà Nội. Giải do các tổ chức xã hội dân sự VN tổ chức.

{keywords}

Thảo trao trả cho ông Hòa chiếc iPhone 5 nhặt được.

(Ảnh: Trần Chánh Nghĩa)

Đại diện cho ban tổ chức, ông Lê Quang Bình (Nhóm công tác vì sự tham gia của người dân (PPWG) cho biết tại VN hiện có gần 1700 tổ chức phi chính phủ ngày đêm làm công việc cộng đồng ở cấp quốc gia và nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ chống ô nhiễm môi trường, ngăn bạo hành phụ nữ và trẻ em để mọi người sống bình đẳng, được an toàn, không sợ hãi, những nhóm vận động chính sách cho người thiệt thòi, người yếu thế,…đến những tổ chức vận động không xây đập trên sông Mê Kông.

Tất cả đều có chung mục đích là làm cho xã hội nhân văn, tử tế, tốt đẹp hơn.

Báo chí VN, theo ông Bình cũng không nằm ngoài dòng chảy đó nhằm tôn vinh những giá trị đạo đức tốt đẹp và giúp những giá trị tử tế được lan tỏa hơn.

Là một độc giả, ông Bình tâm sự: “Trên nhiều báo hay mạng xã hội hiện nay, dễ dàng thấy những tít bài được giật mạnh khiến chúng ta suy nghĩ dường trong xã hội các giá trị tốt đẹp đang bị đổ vỡ, nhìn đâu cũng thấy cái xấu. Mọi nơi từ trong nhà trường, công sở đến xã hôi đều có vấn đề. Sống trong xã hội đó ta dường như đang là nạn nhận của những hành vi phi đạo đức và những thứ không tử tế”.

“Tôi tin rằng đó một phần sự thật. Nhưng có phải bức tranh đại diện cho toàn bộ xã hội VN? Mỗi người sẽ có câu trả lời riêng. Nhưng tôi tin trong cuộc sống, xã hội có rất nhiều con người đang làm việc tử tế, việc tốt.

Việc cần làm là đưa những hành động, con người đó đến người nhiều hơn. Tôi tin rằng khi chúng ta tin xã hội đang tử tế là chính thì chúng ta sẽ sống tử tế hơn. Còn nếu như chúng ta nghĩ rằng xã hội không tử tế thì chúng ta sẽ đặt câu hỏi tại sao chúng ta phải sống tử tế. Và như vậy, mọi người lại rơi vào vòng xoáy sống không tử tế” – ông Bình giãi bày .

Nhớ lại ngày xưa khi sang Singapore, ông Bình thấy thành phố họ rất sạch, cầm rác trong tay không nỡ vứt ra. Ngoài chuyện bị phạt bản thân ông thấy mình cô đơn giữa xã hội mà ở đâu cũng sạch sẽ. Song khi đến vùng khu ô chuột thì chuyện này bình thường.

Đưa ra ví dụ ấy để thấy rằng chúng ta hay làm theo số đông. Nên việc thúc đẩy sự tử tế càng trở nên quan trọng. Ông Bình đưa ví dụ và phân tích. “Ta viết không chỉ về những điều tốt đẹp mà ngay cả khi viết về những hành động không tử tế cũng sẽ góp phần đánh thức mỗi con người VN phải sống tử tế hơn”.

Ông Bình nhớ lại: “Cách đây không lâu thông tin một người Đan Mạch bỏ công sức làm nhiều cây cầu cho người VN nhưng sau bị đối xử không tử tế. Câu chuyện được nêu lên đã gây ra làn sóng trong xã hội và trên mạng sự bất bình. Mọi người đã cùng nhau giúp đỡ cho ông và họ làm như để chứng minh sự tử tế còn rất nhiều trong xã hội”.

Tiếp lời ông Bình, ông Trần Việt Hưng, ủy viên Ban Biên tập báo Thanh niên xúc động chia sẻ quan điểm: “Nhìn xa trong lịch sử dân tộc, sống tử tế là mối bận tâm lớn nhất của người VN chúng ta. Người Hy Lạp, La Mã cổ đại,.. có những suy tư siêu hình về tổ chức nhà nước, đạo đức hay sự tự do cá nhân như người Mỹ chẳng hạn.

Tại VN ta cảm giác không có những nhà tư tưởng lớn để suy nghĩ về những vấn đề có tính chất căn bản như vậy. Nhưng người VN vốn tình nghĩa. Tất cả đều suy nghĩ làm sao sống tử tế, hài hòa với làng xóm bạn bè, gia đình. Cuộc thi đánh trúng vào mối bận tâm đó của người VN.

Ông hi vọng cuộc thi sẽ không dừng lại ở phạm vi những người làm báo mà trở thành cuộc vận động lớn, thức tỉnh sự tử tế trong mỗi con người VN.

“Tôi mong những bài viết trong cuộc thi sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người để sau khi đọc xong, đặt sang một bên mọi người sẽ suy nghĩ, sẽ thấy mình cần sống tốt hơn, ứng xử với nhau giàu tình người hơn” – ông Hưng tâm sự.

Bà Lê Nhung, Trưởng ban Tuần Việt Nam, báo VietNamNet, thành viên Ban giám khảo của cuộc thi mong mỏi nhận được nhiều bài viết của không chỉ các phóng viên mà tất cả các cộng tác viên, các cá nhân trong xã hội.

Đó có thể chỉ là những dòng nhỏ, câu chuyện đơn giản chia sẻ trên các trang mạng xã hội nhưng khi được đăng tải trên các cơ quan báo chí, sự tin cậy và sức lan tỏa của câu chuyện ấy sẽ mạnh mẽ và sâu sắc hơn.

Giải báo chí “Đồng hành cùng phát triển” năm 2014 đặt ra sứ mệnh khơi lại niềm tin vào sự tốt đẹp của cuộc sống, của tình người và cổ vũ những điều tử tế thông qua báo chí.

Loại hình báo chí: báo in và báo điện tử

Bài viết đăng tải bằng tiếng Việt trên một tờ báo đại chúng của Việt Nam

Thời gian đăng tải: từ ngày 15/9/2013 đến ngày 15/9/2014

Các tác phẩm báo chí có nội dung: phản ánh, phân tích, cổ vũ, giới thiệu những hành động đúng đắn, trách nhiệm của các cá nhân, hội nhóm, tổ chức, tạo ra lợi ích cho cộng đồng và cá nhân khác. Đó có thể là những việc làm đơn lẻ, hứa hẹn tác động tương lai, hoặc cũng có thể là những việc làm đã có tính lan tỏa, tạo thành phong trào xã hội rộng rãi. Không có bất cứ giới hạn nào cho hình thức, quy mô và lĩnh vực của những việc làm đó. Khuyến khích các tác phẩm báo chí có những luận giải sâu sắc về các giá trị tử tế, có khả năng truyền cảm hứng, tạo thành trào lưu báo chí mới và/hoặc tạo được sự hưởng ứng bằng hành động của các nhóm xã hội.

  • Văn Chung