Học phí tương đương nhưng phí “bản quyền” cho phía CIE cho chương trình tiếng Anh tích hợp không còn tồn tại, nghĩa là lợi nhuận còn cao hơn cả chương trình Cambridge.
Trong đề án “Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến” cũng như theo lời khẳng định của ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, tại buổi họp báo ngày 23-6 thì: “Phí xuất phát đầu (chương trình tích hợp - PV) sẽ gần như tương đương phí học chương trình Cambridge, còn lại có giảm được mức phí hay không thì lệ thuộc vào đội ngũ, tùy theo lộ trình”.
Học phí thu cao gấp 3-5 lần chi phí
Lợi nhuận của chương trình tiếng Anh Cambridge được triển khai trước đó như thế nào? Chỉ cần đưa ra một phép tính đơn giản là thấy ngay. Có khoảng 30 trường giảng dạy chương trình, mỗi trường tính trung bình khoảng 5 lớp, mỗi lớp khoảng 30 học sinh (HS) thì tổng số HS theo học chương trình là 4.500. Trong khi đó, học phí chương trình từ lớp 1-3: 150 USD, lớp 4-5: 200 USD/tháng.
EMG (EMG Education - đối tác của Sở GD-ĐT TP HCM trong việc triển khai chương trình Cambridge) đưa ra mức 180 USD/tháng và thông tin trên báo giới là 131.000 đồng/giờ. Nếu chỉ lấy mức công bố của EMG là 3.144.000 đồng/tháng (24 giờ/tháng) và tính 1 năm học trong 10 tháng, doanh thu hằng năm từ học phí của chương trình là hơn 141 tỉ đồng (khoảng 6,75 triệu USD).
Học sinh học chương trình Cambridge tại Trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5- TP HCM. Ảnh: Tấn Thạnh/Người lao động |
Trong khi đó, chi phí EMG bỏ ra chủ yếu chỉ gồm 15% chiết khấu cho trường (theo trả lời của ông Nguyễn Hoài Chương - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM - trên báo chí), phí “bản quyền” cho phía CIE (Hội đồng Khảo thí quốc tế ĐH Cambridge) và tiền trả cho giáo viên giảng dạy.
Theo một chuyên gia, bản thông báo phí của Cambridge chia ra làm hai phần: Phí trả một lần để trở thành trường thành viên của Cambridge khoảng 13.000 USD và phí trả thường niên là 11.000 USD/trường/năm (trả cho việc khảo sát, làm hồ sơ, huấn luyện giáo viên, bộ máy…). Phí trả thường niên tính theo trường và trả mỗi năm, bất kể số lượng HS là bao nhiêu. Ví dụ trường có 1.000 HS thì phân bổ 11 USD/HS/năm, tức khoảng 1,1 USD/HS/tháng (chỉ khoảng 23.000 đồng/tháng). Trường có 500 HS thì phí thường niên phân bổ trên mỗi HS sẽ tăng gấp đôi so với trường 1.000 HS nhưng cũng chỉ vào khoảng 2,2 USD/HS/tháng. Về phí trả thường niên, nếu trả một lần phân bổ ra 5 năm chẳng hạn thì 13.000 USD/60 tháng/1.000 HS - mỗi HS sẽ chỉ mất 0,2 USD/tháng.
Như vậy, tổng phí bản quyền của Cambridge chỉ là 1,1 USD + 0,2 USD = 1,3 USD/tháng (số liệu phân bổ giả định cho một trường có 1.000 HS theo học).
Hiện nay, lương giáo viên đạt chuẩn khoảng 25 USD/tiết. Mỗi tháng, mỗi lớp cung cấp cho HS 24 tiết học (6 tiết/tuần), tức mỗi lớp sẽ trả cho giáo viên khoảng 600 USD. Giả định có 35 HS/lớp thì lương giáo viên phân bổ cho mỗi HS tối đa là 20 USD/tháng.
Như vậy, bản chiết tính giá thành cho việc học Cambridge được tạm tính theo một tháng: phí bản quyền (1,3 USD) + lương giáo viên (20 USD) + phí quản lý (10 USD). Như vậy, tối đa học phí sẽ chỉ khoảng 35 USD - 50 USD/tháng.
Một phần chi phí rất lớn là phòng học, cơ sở vật chất và tuyển sinh thì EMG đã được Sở GD-ĐT TP HCM “ưu ái” sẵn từ các trường công lập. Thậm chí, các phương tiện được trang bị trong phòng như máy chiếu, bảng điện tử... đều do phụ huynh đóng góp để mua từ trước đó.
Như vậy, lợi nhuận thu về cho đơn vị thực hiện chương trình tiếng Anh Cambridge là rất lớn. Trong khi đó, với chương trình tiếng Anh tích hợp mà Sở GD-ĐT TP HCM thay thế chương trình Cambridge, phí “bản quyền” cho phía CIE không còn tồn tại, nghĩa là lợi nhuận còn cao hơn cả chương trình tiếng Anh Cambridge!
Tại sao luôn có trung gian?
Câu hỏi luôn được dư luận đặt ra từ chương trình tiếng Anh Cambridge đến chương trình tiếng Anh tích hợp hiện nay là đã có trong tay các cơ sở trường công lập để triển khai chương trình, tại sao Sở GD-ĐT TP HCM không tự đứng ra làm mà phải chọn EMG làm trung gian? Khó hiểu hơn, khi không triển khai chương trình tiếng Anh Cambridge nữa, nghĩa là không phải tự làm việc với CIE, sở cũng tiếp tục chỉ định EMG làm đơn vị thực hiện chương trình này.
Tại buổi họp báo ngày 23-6, ông Lê Hồng Sơn giải thích: “Tại sao lại là EMG thực hiện chương trình này? Bất kỳ đối tác nào triển khai chương trình tốt, uy tín, sở đều mở cửa rất rộng để triển khai. Liên quan đến chương trình, sở chọn phương án tốt nhất, đối tác tốt nhất, giải pháp tốt nhất. Tại sao phải thông qua đối tác, trung gian? Ở đây chúng ta phải có đối tác để giúp về chuyên môn, đội ngũ thực hiện ngay chương trình tiên tiến. Muốn mở rộng các chương trình tiên tiến khác trong khi cơ chế mình chưa đáp ứng thì phải có đối tác để thực hiện”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, với chương trình tiếng Anh Cambridge trên thế giới, thông thường một trường sẽ bày tỏ ý muốn hợp tác và CIE sẽ tìm hiểu mọi mặt về trường này, sau đó hai bên ký hợp đồng hợp tác. Hợp tác chủ yếu bao gồm: CIE cung cấp chương trình chuẩn, giáo án, giúp đào tạo giáo viên, tổ chức các kỳ thi cuối khóa... Hợp tác như thế thì phí sẽ không ở mức cao ngất như EMG đang tính. Vì thế, 9.000 trường trên thế giới đi theo con đường này, áp dụng chung cho toàn bộ HS trong trường, không có sự phân biệt như ở Việt Nam.
Còn ở chương trình tích hợp, theo các chuyên gia, chỉ đơn giản là đi lấy một chương trình có sẵn của nước ngoài (trong trường hợp này là của Anh), rồi về áp dụng tại Việt Nam, không có ai hỗ trợ, kiểm soát chất lượng hoặc cấp giấy chứng nhận gì cả… Nếu muốn, Sở GD-ĐT TP HCM có thể chuẩn bị đội ngũ giáo viên giảng dạy từ nhiều nguồn khác mà không nhất thiết phải dựa vào EMG.
Cầm đèn chạy trước ô tô?
Liên quan đến chương trình tiếng Anh tích hợp, chiều 2-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết bộ đã có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT TP báo cáo gấp. Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT - cho biết đề án “Đổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến” do Sở GD-ĐT TP HCM xây dựng và xin Bộ GD-ĐT cho triển khai thí điểm. Sau khi xem xét đề án, Bộ GD-ĐT đồng ý về chủ trương. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu đề án cần phải rõ đối tượng và quy mô thí điểm, thời lượng cho mỗi môn học, đội ngũ giáo viên, dự kiến mức học phí... Sau khi đã thực hiện các yêu cầu này, Sở GD-ĐT có trách nhiệm trình UBND TP HCM phê duyệt để được triển khai thực hiện đề án... Tuy nhiên, thực tế Sở GD-ĐT TP HCM đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình này từ ngày 14-6. Ngày 25-6, sở gửi công văn hướng dẫn thực hiện đề án đến phòng GD-ĐT các quận - huyện có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện chương trình này cho năm học 2014-2015. |
Theo Người lao động