Để đủ tiền đưa con đi thi đại học, anh Hoàng Văn Tuyên ở Cao Bằng đã leo lên các vách đá núi để bắt chim sáo. Trời thương, anh bắt được 10 con chim sáo, đưa con và chim cùng về Hà Nội. Thấy anh ngồi rao bán chim, nhiều người hiểu hoàn cảnh mua giúp anh. Số tiền 3 triệu đồng vượt ngoài sự mong đợi của anh nông dân nghèo.

{keywords}

Thí sinh vào phòng thi làm thủ tục đăng kí thi sáng 3.7 tại ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: D.H

Trường hợp như anh Hoàng Văn Tuyên không phải là chuyện hy hữu. Cha mẹ đưa con đi thi đại học là chở theo một trời kỳ vọng. Không phải chỉ mong ước vào sự đỗ đạt của kỳ thi, mà một chân trời đầy hứa hẹn ở phía trước.

Có nhiều người nghèo đến mức về tới TPHCM là xin làm phụ hồ hay làm lao động thời vụ, để có tiền cầm cự trong mấy ngày con thi đại học.

Họ vui tươi và chịu đựng được mọi nhọc nhằn, vì trong lòng họ đang nuôi dưỡng niềm hy vọng.

Cùng với mùa thi chất chứa niềm hy vọng đó, báo chí đưa tin cả nước hiện có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Nhóm lao động trình độ cao tiếp tục khó khăn khi tìm việc làm, có hơn 160.000 người có trình độ từ đại học trở lên và có hơn 79.000 người có trình độ cao đẳng bị thất nghiệp.

Với tình trạng thị trường lao động như hiện nay, trong một vài năm tới, liệu có tạo thêm được việc làm hay không là điều rất không chắc chắn. Đào tạo cử nhân, thạc sĩ ào ạt, nhưng bán trà đá và làm lao động chân tay không phải là ít. Có những bạn trẻ tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ từ nước ngoài về, nhưng tìm không ra việc, hoặc có việc làm nhưng lương thấp, vô cùng thất vọng.

Vậy thì, những phụ huynh nghèo chắt mót từng đồng xu cắc bạc cho con vào đại học, rồi sẽ ra sao khi 4 năm sau con cái ra trường không có việc làm, hoặc không nuôi nổi bản thân. Lúc đó không phải là thất vọng, mà là tuyệt vọng. Cho nên, việc thiết kế một chương trình đào tạo tương thích với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội không phải là dễ dàng. Việc này cần sự dự báo chính xác và tầm nhìn chiến lược xuất sắc. Hô hào đào tạo đại học, sau đại học thật nhiều hoàn toàn vô nghĩa, thậm chí là lãng phí một khi nguồn lao động này không được sử dụng hiệu quả.

Trước khi trách trời trách đất, các bậc phụ huynh cần tỉnh táo xem xét lại điều kiện của gia đình, để đầu tư cho con cái. Không phải đại học là cánh cửa duy nhất để đi vào tương lai, mà còn nhiều cánh cửa khác. Ai cũng nghĩ phải là kỹ sư, cử nhân, nhưng ít ai chịu chọn trường nghề, công nhân kỹ thuật để làm một người thợ giỏi. Hiện nay, các doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển thêm “thầy”, mà chỉ cần có thợ giỏi, đó là điều mà các bậc phụ huynh nên suy nghĩ.

Ôm cái bằng cử nhân, thạc sĩ mà túi rỗng và buồn phiền. Còn công nhân kỹ thuật có việc làm, thu nhập ổn định, cuộc sống vui tươi thì chọn bên nào chắc đã quá rõ.

(Theo Lao Động)