- Sau 15 năm chỉ xét tuyển, đến năm học 2014-2015, Trường ĐH Lao động xã hội mới quyết tâm tổ chức thi đại học để “danh tiếng, hình ảnh trường phổ biến rộng rãi; nâng chất lượng sinh viên”.

Khi được hỏi đã bao nhiêu lâu trường không tổ chức thi đại học, ông Bùi Tôn Hiến – Hiệu phó Trường ĐH Lao động xã hội phải mất đôi chút thời gian suy nghĩ sau câu trả lời “đã từ lâu rồi”.

Đáp số cuối cùng được đưa ra là từ năm 1998. Đến năm 2005, trường từ cao đẳng được nâng cấp lên ĐH và vẫn tiếp tục hình thức xét tuyển thay vì thi tuyển như nhiều trường đại học công lập khác.

{keywords}
Sau 16 năm Trường ĐH Lao động xã hội mới tổ chức thi đại học (Ảnh: Văn Chung).

Lý giải cho việc chưa thi tuyển, ông Hiến cho biết thực tiễn nhà trường về cơ sở vật chất và đội ngũ con người chưa phù hợp, quá trình tổ chức lại nhiều tốn kém, vất vả. Nếu làm không tốt lại ảnh hưởng đến chất lượng cả kỳ thi chung quốc gia.

“Đến năm 2012 sau nhiều suy xét, nhà trường đã chủ trương thi 3 chung (chung đề, chung đợt, chung kết quả thi) vì dù chịu tốn kém nhưng đây là kỳ thi minh bạch, khách quan.

Dựa trên kết quả của thí sinh cũng là yếu tố để nâng danh tiếng, hình ảnh nhà trường được biết đến rộng rãi. Đặc biệt thi đầu vào sẽ giúp nâng chất lượng đào tạo để đầu ra sinh viên có thể dễ tìm việc làm hơn” – ông Hiến cho hay.

Tuy nhiên, một lần nữa việc này lại bị “khất lần” khi “chưa đủ quyết tâm thực hiện”.

Phải đến mùa thi năm 2014 khi như lời ông Hiến nói là “nhà trường đặt quyết tâm cao phải thi thay vì xét tuyển thì mọi việc mới thay đổi”.

Trước câu hỏi liệu việc này có xuất phát từ than thở của nhiều trường khi phải gánh khâu tổ chức cho thí sinh đăng ký vào Trường ĐH Lao động xã hội thi nhờ hay không, ông Hiến khẳng định:

“Đó không phải mục đích của nhà trường. Chúng tôi xác định tổ chức có tốn kém, vất vả nhưng kỳ thi đại học hiện nay đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Trường cũng mong muốn hình ảnh, thương hiệu được nâng lên với chất lượng đầu vào ngày càng tốt của sinh viên”.

Do là lần đầu tổ chức nên những lo lắng, bối rối của lãnh đạo nhà trường là dễ hiểu. Ông Hiến cho biết quá trình tổ chức, thực hiện một số công việc, vị trí sắp xếp còn bị trùng lặp.

Để đảm bảo an toàn phòng thi, giám thị của cả hai đợt gồm sinh viên và giảng viên của nhà trường đã được trải qua 6 lần tập huấn kĩ càng.

Trong đợt thi đầu tiên, ở môn thi đầu tiên thí sinh vẫn mang túi bóng và vật dụng không cần thiết vào phòng thi. Rất may là các giám thị đã kịp thời yêu cầu các em gửi đồ lại phía ngoài.

Những năm trước đây vì xét tuyển nên theo ông Hiến nhà trường phải xét tuyển làm nhiều đợt và đặt điểm nguyện vọng 1 ở mức thấp để có thể tuyển đủ chỉ tiêu.

Với 12700 thí sinh đăng ký dự thi ở cả hai đợt, tỉ lệ thí sinh đến dự thi đợt 1 vừa qua là 77,81% nên ông Hiến hi vọng điểm chuẩn đầu vào năm nay của trường sẽ cao hơn những năm trước.

  • Văn Chung (ghi)