- Trong bối cảnh còn “tranh tối tranh sáng”, doanh nghiệp và ngân hàng vẫn chưa định vị được những chiến lược độc lập của mình; giới buôn bán nhỏ lẻ còn bị gò bó bởi quá nhiều luật, lệ và thói quen không đồng nhất; giới nghệ sĩ, báo chí vẫn còn nhiều việc phải làm để tự do sáng tạo, xuất bản, trình diễn; ngành giáo dục cũng không khác: vẫn cạnh tranh giữa trường công và tư về nhiều mặt.

Đặc biệt hơn cả là trong giới trường tư, có những trường tự xưng là “phi lợi nhuận” nhưng trong thực tế hành xử không khác gì một công ty vì lợi nhuận thông thường.

Hệ thống văn bản hiện hành cũng không giúp làm rõ hơn những khác biệt căn bản giữa “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” khi luật hiện hành dùng cụm từ “không vì lợi nhuận” và định nghĩa là “phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ”. (1)  

{keywords}
Đại hội cổ đông ĐH Hoa Sen diễn ra ngày 2/8. Ảnh: Dân Trí

Như vậy, có nghĩa là trường tư do các cá nhân hay nhóm góp tiền vốn để lập ra và sau đó được chia một phần lợi nhuận của trường, vẫn được tự xưng là “không vì lợi nhuận” hay thông thường hơn là “phi lợi nhuận.”

Tuy nhiên, lợi nhuận mới chỉ là phần nổi của tảng băng; quan trọng hơn, và kiểm soát được lợi nhuận là quyền sở hữu và quyền quản trị nhà trường. Về khoản này, luật ĐH của Việt Nam hiện nay lại khá rõ ràng: cổ đông là sở hữu chủ và hội đồng quản trị, do cổ đông bầu lên hay chỉ định, có toàn quyền điều hành nhà trường qua trung gian là hiệu trưởng và ban giám hiệu.

Nói khác đi, một ĐH tư hiện nay ở Việt Nam, hành xử như một “doanh nghiệp vì lợi nhuận”, dù ĐH đó có tự xưng là “phi lợi nhuận” và các giảng viên, nhân viên từ cấp hiệu trưởng trở xuống đều là nhân viên của doanh nghiệp, như bất cứ ở một doanh nghiệp nào khác.

Quá trình dẫn đến khái niệm trường “phi lợi nhuận”

Từ khi thống nhất đất nước năm 1975, toàn hệ thống giáo dục của Việt Nam rập theo khuôn mẫu giáo dục từ Liên Xô, nghĩa là chỉ có trường công. Về mặt kinh tế cũng vậy: không có sở hữu tư nhân.

Khi đất nước buộc phải “đổi mới” sau năm 1986, nhà nước nới lỏng các chính sách kinh tế trước, cho phép lập thương mại tư, gây vốn tư, tìm nguồn vốn từ nước ngoài... Mảng giáo dục đi chậm hơn: mãi đến năm 1993, Thủ tướng Chính phủ mới ban hành qui chế đầu tiên về đại học tư thục.

Qua hai quy chế tạm thời vào năm 1994, quy chế chính thức về đại học tư chỉ ra đời năm 2000, nhìn nhận “sở hữu tập thể” và một số yếu tố phi lợi nhuận như phải có quỹ dự trữ bắt buộc, phải đầu tư vào cơ sở vật chất; nhưng vẫn cho trả lãi, hoàn trả vốn góp…

Luật Giáo dục năm 2005 và sau đó Nghị Định số 75/2006 chính thức coi trường tư là một doanh nghiệp theo mẫu vì lợi nhuận: các nhà đầu tư sở hữu toàn bộ tài sản của trường; cổ tức phân chia theo tỷ lệ vốn góp; cổ đông có quyền chuyển nhượng hay rút vốn…

Năm 2012, Quốc hội mới thông qua Luật Giáo dục ĐH, như đã nói ở trên, và lần đầu tiên phân biệt “vì lợi nhuận” và “phi lợi nhuận”, mặc dù lằn ranh giữa hai chế độ còn rất mông lung, và cả hai vẫn còn dựa vào mẫu của các doanh nghiệp hoạt động kinh tế vì lợi nhuận. (2)

Vậy thế nào mới là “phi lợi nhuận”?

Thể chế “phi lợi nhuận” ở Mỹ

Khác với Việt Nam, các đại học tư ở Mỹ hình thành trước các trường công; thậm chí từ trước khi lập quốc. ĐH Harvard thành lập năm 1636, hay140 năm trước khi các nhà cách mạng tuyên ngôn độc lập với vương quốc Anh.

Các trường tiên phong này thường được lập ra để dạy thần học, đào tạo lớp giáo sĩ và một số giáo viên; đến những thế kỷ sau, do những phát minh khoa học và các thị trường mới, họ mới phát triển sang những lãnh vực nghiên cứu khoa học, nhân văn, kinh tế và xã hội.

Ngày nay, các trường ĐH tư của Mỹ chiếm khá nhiều giải Nobel về nhiều ngành, như ta đã thấy.

Mãi đến năm 1862, đang giữa cuộc nội chiến, tổng thống Lincoln mới ký đạo luật Morrill, phát cho mỗi tiểu bang 30,000 mẫu đất (khoảng 125 triệu mét vuông) để dựng đại học dạy các ngành nông nghiệp, công nghệ, các môn học cổ điển và cả binh pháp nữa. Những trường này đã trở thành những ĐH cột trụ của các bang; ví dụ như ĐH California ở Berkeley ngày nay.

Sang nửa cuối thế kỷ 20, phần vì chính quyền liên bang trợ cấp cho cựu chiến binh Thế chiến thứ II đi học, rồi đến thế hệ các con họ --thường gọi là Baby Boom, hay quả bom dân số - con số các trường công đã tăng lên gần gấp đôi, từ 367 trường năm 1960 thành 643 trường năm 2007.

Các trường công ở Mỹ được chính quyền tiểu bang trợ cấp ngân khoản hoạt động, với mục đích là đào tạo ưu tiên cho công dân trong bang, do đó học phí thường có 3 hạng: thấp nhất dành cho sinh viên của bang; cao hơn là sinh viên Mỹ từ các bang khác; rồi cao nhất là sinh viên ngoại quốc. Chính phủ liên bang cũng trợ cấp gián tiếp băng hai cách chính: học bổng hoặc vay nhẹ lãi cho sinh viên nghèo, và hỗ trợ nghiên cứu với các khoản tiền từ liên bang.

Vì ngân sách của mỗi bang trồi sụt theo kinh tế thị trường, nên hỗ trợ của chính quyền bang cũng giảm khá nhiều trong những thập niên qua. Ngân sách của ĐH California ở Berkeley, chẳng hạn, trước đây 25 năm được tiểu bang tài trợ tới gần nửa (49%) đến năm 2008 chỉ còn 27%. Ở ĐH Texas còn xuống hơn nữa: từ 39% còn 14%.

Các trường này đều phải tăng học phí (trung bình khoảng 5-8% mỗi năm từ vài chục năm nay), tìm thêm tài trợ từ liên bang, và thu hút thêm những hiến tặng (donations) từ cựu sinh viên hay các Quỹ từ thiện, giáo dục … để tiếp tục hoạt động và phát triển. Một hiện tượng khá mới nữa là một số trường có những nghiên cứu khoa học thành công đã nhượng bản quyền, hoặc cộng tác, với các doanh nghiệp để tăng lợi nhuận. Mặc dù họ vẫn là “phi lợi nhuận.”

Các trường tư tồn tại bằng phương thức hơi khác: vì không có tài trợ trực tiếp từ chính quyền, các trường này tính học phí cao hơn trường công, và đồng thời phát triển mạnh hơn các nguồn hiến tặng của cựu sinh viên, của các quỹ hỗ trợ, của các đại gia, và của chính người dân có cảm tình với nhà trường.

Phải nói ngay là các trường tư phát triển mạnh mẽ được cho tới nay là nhờ một chính sách thuế khóa rất chiến lược của Mỹ: khuyến khích những người khá giả hiến tặng cho các công trình nhân đạo, phi lợi nhuận, trong đó có các trường… bằng cách giảm hay miễn thuế trên thu nhập hay trên lợi nhuận của họ. Một công hai việc: thay vì trả thuế cao cho chính phủ, họ được quyền chọn lựa đổ tiền vào cơ sở hay dự án họ thích, và còn được tôn vinh mãi mãi. Đại học Stanford sẽ mãi mãi ghi ơn ông Leland Stanford, người đã hiến tặng đất và tiền để mở trường này vào năm 1891, chẳng hạn.

{keywords}

ĐH Stanford

Nhưng gia đình ông Stanford, và các hậu duệ, có làm chủ, hay dính líu gì đến ĐH này không? Hoàn toàn không.

Vậy ai là “chủ” ĐH này? Không có ai, và mọi người trong cộng đồng. Nghe hơi “nghịch nhĩ”, đúng không? Nhưng rất logic.

Một điều khoản rất quan trọng trong bộ luật thuế của Mỹ --một bộ luật phải nói là đã xào đi nấu lại trong nhiều thập niên, do nhiều nhóm lợi ích xía vào để dành phần lợi cho mình, nên ngày nay nó đã thành một cánh rừng âm u, râm rạp, dây mơ rễ má khắp nơi… đến nỗi hàng trăm ngàn luật sư và kế toán viên sống mạnh giỏi quanh năm để cố vấn và “bảo vệ” quyền lợi chính đáng của cá nhân hay doanh nghiệp muốn đóng thuế càng ít càng tốt—là điều 501(c) (3): miễn thuế thu nhập cho các công ty “phi lợi nhuận” hay còn gọi là “bất vụ lợi” (not-for-profit corporations.)

GS Vũ Đức Vượng (nguyên là giám đốc Chương trình giáo dục tổng quát tại Trường ĐH Hoa Sen)

*********************

Chú thích :

(1)Luật GDĐH do Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực từ 1/1/2013.

(2)Người viết cám ơn TS Phạm Thị Ly về tư liệu để viết đoạn trên.

“Khoảng trống về chính sách nhìn từ vụ việc Đại học Hùng Vương”

http://lypham.net/joomla/index.php?option=com_content&task=view&id=320&Itemid=2

(3) Bạn đọc hay đồng nhiệp nào giúp dịch được từ “endowment” gồm cả hai nghĩa hiến tặng và đầu tư lâu dài, xin phản hồi.