- Hai phương án triển khai việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) mới được đưa ra tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, trong dự thảo Tờ trình về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

{keywords}
Học sinh lựa chọn sách giáo khoa. Ảnh: Văn Chung

Phương án 1: Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Phương án 2: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn những SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn.

Nghiêng về phương án 1

Ban soạn thảo nghiêng về phương án 1 vì có ưu điểm, Bộ GD-ĐT chủ động có SGK trong quá trình chỉ đạo triển khai áp dụng chương trình mới.

Đồng thời vẫn huy động được nhiều nhất trí tuệ của các nhà xuất bản, các tổ chức và cá nhân có năng lực tham gia biên soạn SGK; tạo ra nhiều nguồn thông tin đa dạng và phong phú, nhiều cách tiếp cận, nhiều cách thức tạo ra SGK; tạo cơ hội có nhiều SGK phù hợp với từng vùng miền, đặc điểm của từng địa phương; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng SGK. Tạo điều kiện nâng cao chất lượng SGK do tạo ra được sự cạnh tranh trong biên soạn, in ấn, phát hành, kinh doanh... tránh được hiện tượng độc quyền SGK.

Tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người sử dụng, chủ yếu là giáo viên và học sinh. Làm thay đổi nhận thức và nâng cao năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về lựa chọn, sử dụng phong phú các tài liệu dạy học, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo yêu cầu của chương trình.

Hạn chế của phương pháp này là có thể gây tâm lý e ngại cho các tổ chức, cá nhân muốn biên soạn SGK khác với SGK do Bộ GD-ĐT đã tổ chức biên soạn; do đó có thể sẽ không có nhiều các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia biên soạn SGK.

Đối với phương án 2, ban soạn thảo cho rằng cùng có các ưu điểm như phương án 1. Tuy nhiên, có khó khăn là Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện chủ trương một chương trình, nhiều SGK ở tất cả các khâu biên soạn, thẩm định, thử nghiệm, phát hành, lựa chọn và sử dụng SGK...; trình độ của lực lượng tham gia biên soạn SGK còn hạn chế so với yêu cầu đổi mới chương trình theo định hướng phát triển năng lực của học sinh....

Với những phân tích trên, ban soạn thảo nghiêng về phương án 1.

Tiến hành đồng thời 2 phương án triển khai đại trà?

Theo dự thảo tờ trình, việc thực nghiệm chương trình và SGK cũng có 2 phương án được đưa ra.

Phương án 1: Việc thực nghiệm chỉ tiến hành đối với các nội dung, phương thức dạy học mới so với chương trình hiện hành và được thực hiện ngay trong quá trình xây dựng chương trình, biên soạn SGK, do chính tác giả chương trình, SGK thực hiện. Thực nghiệm tại các cơ sở giáo dục đại diện cho các vùng miền để rút kinh nghiệm và và hoàn chỉnh chương trình, SGK trước khi triển khai đại trà.

Phương án 2: Thực nghiệm toàn bộ chương trình, SGK các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học theo phương thức cuốn chiếu theo cấp học, bắt đầu từ các lớp đầu của cả 3 cấp học; mẫu thực nghiệm gồm các trường phổ thông đại diện cho các vùng kinh tế - xã hội của cả nước; quá trình thực nghiệm cần có một bộ SGK thực nghiệm, sau thực nghiệm mới chỉnh sửa, ban hành chính thức chương trình và SGK mới.

Sau khi phân tích các ưu diểm, hạn chế, ban soạn thảo đề nghị thực hiện phương án 1.

Đối với phương thức triển khai đại trà chương trình, SGK mới, thậm chí còn được dự kiến tới 3 phương án.

Phương án 1: Triển khai áp dụng chương trình mới đồng thời từ lớp 1 đến lớp cuối THCS, cuốn chiếu theo lớp ở cấp THPT.

Phương án 2: Triển khai áp dụng chương trình mới đồng thời từ lớp 1 đến lớp 5; cuốn chiếu theo lớp ở cấp THCS và cấp THPT.

Phương án 3: Triển khai áp dụng chương trình mới cuốn chiếu theo lớp ở cả ba cấp học.

Trước những ưu, khuyết của 3 phương án, đề nghị ở đây là cho triển khai theo phương án 2 ở hầu khắp các địa phương. Tuy nhiên, nếu có điều kiện thuận lợi (ở các môn học cụ thể, các địa phương cụ thể) thì triển khai theo phương án 1.

Lộ trình thực hiện

Giai đoạn 1 (1/2015 – 6/2016): Chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình và SGK mới.

Giai đoạn 2 (7/2016 – 6/2017): Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các cơ sở giáo dục phổ thông để chuẩn bị cho triển khai áp dụng chương trình mới trên phạm vi cả nước; xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, SGK mới; tiếp tục biên soạn thêm SGK...

Giai đoạn 3 (7/2017 – 12/2020): Từ năm học 2017 – 2018, triển khai áp dụng đại trà đồng loạt chương trình mới từ lớp 1 đến lớp 5 và bắt đầu thực nghiệm cuốn chiếu đối với các lớp của cấp THCS và cấp THPT. Nếu có điều kiện thuận lợi (ở các môn học cụ thể, các địa phương cụ thể) thì triển khai khai áp dụng chương trình mới đồng thời từ lớp 1 đến lớp cuối cấp THCS, cuốn chiếu theo lớp ở cấp THPT...

  • Ngân Anh