- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết phương án 1 kỳ thi chung quốc gia sẽ sớm được công bố trong 1-2 tuần tới nhưng những tranh luận nảy lửa vẫn diễn ra trong cuộc hội thảo sáng 23/8 tại Viện Khoa học giáo dục VN..

Diễn ra trong gần 4 tiếng với 16 ý kiến nhưng tất cả vẫn chưa thể thống nhất một phương án nào. Thậm chí chiếm đa số trong các ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT đưa ra 3 phương án nhưng mục tiêu chưa rõ ràng, chưa dựa trên các nghiên cứu khoa học về đánh giá, chưa quan tâm tới đối tượng chịu tác động lớn nhất là học sinh.

{keywords}
Các đại biểu tại hội thảo sáng 23/8. (Ảnh: Văn Chung).

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí & Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho rằng thời điểm thay đổi, hướng đến 1 kỳ chung quốc gia phục vụ cho thi tốt nghiệp THPT và làm căn cứ xét tuyển ĐH-CĐ đã cho manh nha từ năm 2007 nhưng chưa chín muồi.

Nay với các Nghị quyết của trung ương cùng chuyển biến tích cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ 2014 là những cơ sở để khẳng định tiến hành 1 kỳ thi chung quốc gia thời điểm hiện nay là tốt nhất.

Bộ chưa tính đến người học

Phản biện ý kiến này, TS Nguyễn Thị Lan Phương-Viện Khoa học giáo dục VN cho rằng tại sao khi năm 2014 các kỳ thi được đánh giá là tốt, tích cực thì lại phải thay đổi.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Lan Phương và ông Phạm Tất Dong. (Ảnh: Văn Chung).

TS Nguyễn Thanh Sơn cũng cho rằng tổ chức 1 kỳ thi chung lúc này là không phù hợp vì hai kỳ thi có yêu cầu và mục đích khác nhau, gộp vào sẽ khiến mục đích và yêu cầu từng kỳ thi bị giảm hoặc bị thay đổi.

Ông Sơn đề xuất giữ 2 kỳ thi như hiện nay. Thi tốt nghiệp với 4 môn giao cho các địa phương, xóa bỏ áp lực tỷ lệ tốt nghiệp cho họ. Thi ĐH-CĐ cũng giao cho các trường. Bộ GD-ĐT chỉ đóng vai trò chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lí nếu có sai phạm.

GS. TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học VN cho rằng 3 phương án bộ đưa ra không dựa trên cơ sở tâm lí giáo dục, chưa có cơ sở khoa học về đánh giá,…

Theo ông Dong: Bộ không nên ôm cả 2 mục đích thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ trong một kỳ thi. Khó cho bộ, khổ cho dân nghèo. Học trò hoàn thành chương trình lớp 12 nên được cấp một “tấm hộ chiếu” để em nào muốn có thể đăng ký, thi vào trường đại học mình mong muốn.

Nhà giáo Hàn Liên Hải, Nguyên trưởng phòng giáo dục phổ thông, sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng phải thay đổi chương trình, SGK hướng tới phát triển năng lực học sinh rồi mới tính tới thi cử theo hướng này.

40 năm trước đã làm được, nay tại sao không được?

Trái lại, GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT lại ủng hộ phương án 2 vì khoa học và tiến bộ, cho phép đánh giá bao quát chương trình phổ thông và giúp các trường ĐH dễ dàng tuyển sinh.

{keywords}
GS Lâm Quang Thiệp phát biểu tại hội thảo sáng 23/8 (Ảnh: Văn Chung).

Ông Thiệp cho rằng chủ trương 1 kỳ thi chung không mới, đầu thập niên 90 khi GS Hạc (Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục) đề xuất khi thấy bất hợp lý của 2 kỳ thi diễn ra quá gần nhau. Có người nói 2 kỳ thi mục tiêu khác nhau, nhưng thực chất bản chất của 2 kỳ thi là 1 nên có thể dùng 1 kỳ thi cho 2 mục tiêu.

Đối với các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn thì phương án trắc nghiệm là tốt với ngân hàng đề thi được chuẩn bị kĩ lưỡng.

Ông Thiệp tin kỳ thi chung hoàn toàn có thể làm được nếu bộ huy động moi lực lượng có khả năng cùng góp sức.

“Cách đây đúng 40 năm, vào năm 1974 chính quyền Sài Gòn đã tổ chức kỳ thi tú tài bằng trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa đầu tiên ở miền Nam. Kỳ thi đó chỉ có 135.000 thí sinh dự thi, nhưng phải sử dụng máy tính IBM 360/50 đồ sộ để xử lí và phân tích kết quả theo lý thuyết trắc nghiệm cổ điển. Do làm nghiêm túc nên kỳ thi đã thành công tốt đẹp. Vậy thì ngày nay, với nhiều điều kiện thuận lợi hơn, không có lý do gì để chúng ta không tổ chức tốt kỳ thi hợp nhất đang bàn” – ông Thiệp nêu quan điểm.

Phó GĐ Sở GD-ĐT Nghệ An Thái Huy Vinh nêu 7 cái được khi tiến hành 1 kỳ thi chung quốc gia: Gộp 2 kỳ thi vào làm 1 sẽ giảm tốn kém ngân sách, đỡ khổ học sinh, nhân dân, giảm tải công việc và giúp các trường tuyển sinh linh hoạt hơn; học sinh thi chắc chắn nghiêm túc hơn; gia đình định hướng tốt cho con, giảm tính may rùi thi cao không đỗ khi được thi xong rồi chọn trường sau; Các trường đánh giá được chất lượng dạy học thực sự.

{keywords}
Ông Thái Huy Vinh và ông Nguyễn Đức Minh tại hội thảo (Ảnh: Văn Chung)

Trước mắt theo ông Vinh có thể sử dụng phương án 1 là khả quan vì năm ngoái thi vẫn êm ái.

Ở phương án 4, ông Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học giáo dục VN đề xuất và nghiêng về phương án sở GD-ĐT tổ chức thi hết lớp 12 cho học sinh (có thể sử dụng ngân hàng đề của Bộ GD-ĐT). Hàng năm bộ tổ chức kỳ thi quốc gia 2 lần với khoảng cách 6 tháng. Lần thứ nhất sau khi học sinh thi hết lớp 12 (tháng Bảy), lần 2 vào khoảng tháng Một với các môn: văn, toán, lí, hóa sinh, sử, địa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Đức.

Đây là kỳ thi không bắt buộc. Các em trượt tốt nghiệp cũng có thể tham dự. Các trường căn cứ vào từng chuyên ngành đào tạo có thể xét hồ sơ của thí sinh thông qua các môn thi này hoặc tiến hành thi riêng.

Ngoài việc lấy kết quả thi quốc gia để cấp bằng tốt nghiệp, điểm thi quốc gia sẽ có giá trị trong 2 năm dành cho xét tuyển ĐH-CĐ.

Bộ GD-ĐT cần quyết định sớm

PGS Trần Kiều cho rằng Bộ GD-ĐT phải có 1 đề án hoặc kế hoạch dài hơi với các cơ sở khoa học thực tiễn và lý luận để xã hội có thể hiểu và được thuyết phục. Bộ cũng phải xem xét đối tượng chịu tác động là bố mẹ, là học trò.

Ông mong mỏi xã hội đừng nghiêm trọng hóa các kỳ thi. Hãy đưa nó trở về mục đích rất cụ thể, bản chất vốn có của nó. Xã hội ta có cái xấu “truyền thống” là nghiêm trọng hóa các kỳ thi ngay từ lớp 1, thi học kỳ cuối năm, thậm chí thi thử vào lớp 1.

Chúng ta có một nỗi sợ, sợ đưa về địa phương chắc chắn không tránh được bệnh thành tích. Vậy thì mấu chốt vấn đề là phải làm sao đề 2 hay 1 kỳ thi đi nữa vẫn phải đảm bảo trung thực, khách quan, chính xác, tin cậy

Nhưng theo ông Kiều bộ không nên quá cầu toàn, để lâu thì “đêm dài lắm mộng” dù rằng đây sẽ là một trong những quyết định khó khăn nhất cho bộ trưởng giáo dục khi quyết định này sẽ ảnh hưởng chục triệu con người, gia đình và các học sinh.

  • Văn Chung (ghi)