- “Phương án 4” - đang được thảo luận khá sôi nổi trên một số báo và các trang mạng xã hội chính là đề xuất bỏ một trong 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc tuyển sinh ĐH, CĐ.
Ảnh Văn Chung |
Bỏ bớt 1 kỳ thi - Phương án 4?
Tuy nhiên, trong vài ngày trở lại đây, cuộc tranh cãi này đột nhiên lại bùng nổ, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội. Người “khởi xướng” cuộc tranh luận lần này là GS Ngô Bảo Châu, với cuộc trả lời phỏng vấn báo chí bên lề cuộc “Đối thoại giáo dục” diễn ra tuần qua.
Trên báo Tiền Phong (1), GS Ngô Bảo Châu cho biết ông từng bày tỏ ý kiến việc nên hay không duy trì việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Chúng ta đã tổ chức một kỳ thi mà tính trung thực không được đảm bảo, dù Bộ GD-ĐT nỗ lực trong nhiều năm để cải thiện tình hình thi cử và thực tế cho thấy họ đã không thành công như ý muốn”.
GS Châu cũng cho rằng với một kỳ thi quốc gia, việc Bộ GD-ĐT muốn tất cả mọi nơi đều đạt một ngưỡng tiêu chuẩn không có gì sai, nhưng thực tế không cho phép làm điều đó”. Và quan điểm của GS Châu là bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, giữ lại kỳ thi tuyển sinh ĐH.
Cùng quan điểm, nick name facebook “Tony Doan” bày tỏ “Thi tốt nghiệp PTTH toàn đỗ trên 99% thì thi làm gì? Trong khi ai cũng hiểu tiêu cực trong kỳ thi này rất phổ biến, nhất là những vùng quê, tỉnh lẻ… Bỏ là tốt, còn không thì vẫn phải tổ chức thi đại học như bây giờ”.
Nickname “Tuệ Tâm Quang” nghĩ rằng xã hội nên ủng hộ GS Châu, “sẽ không có ngọn cờ đầu khi không có lá cờ nào phất phới bay, vì đây không chỉ riêng quan điểm của ông mà là kinh nghiệm và những trao đổi cùng rất nhiều người khác. Mô hình cấp 3 nên đào tạo hướng nghiệp các kĩ năng cơ bản về 1 số nghề và đào tạo chuyên thì tốt hơn”...
Đã có hàng trăm ý kiến đồng tình với GS Ngô Bảo Châu, thống nhất ở điểm bỏ kỳ thi tốt nghiệp vì kỳ thi này còn tiêu cực, không nghiêm túc, không cần thiết. Ngược lại, kỳ thi đại học là kỳ thi chất lượng nhất, nên phải giữ lại.
Giữ thi tốt nghiệp giáo dục sẽ khá lên
Tuy nhiên, từ một góc nhìn khác, có những người không đồng tình với đề xuất bỏ thi tốt nghiệp.
Người “gây sóng gió” mạnh nhất trên trang mạng xã hội về vấn đề này là bà Vũ Thị Phương Anh, phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng giáo dục của Hiệp hội các trường Ngoài công lập. Trên trang blog chuyên môn riêng (2), bà Phương Anh đặt hàng loạt câu hỏi: Tại sao lại không tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc mà cứ nhất định phải bỏ thi tốt nghiệp? Tại sao cứ nhất định phải tiếp tục giữ kỳ thi đại học theo kiểu ba chung? Khi có một kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc thì những học sinh kém đã bị loại, vậy thì lo gì các trường vơ vét sinh viên kém chất lượng? Ngoài ra, cách thi chung như hiện nay có thực sự giúp các trường đại học tuyển được người tốt nhất hay không?...
Chính vì vậy, mặc dù cho rằng "có thể khác ý kiến của đa số", theo bà Phương Anh không có một nền giáo dục phổ thông tốt thì không thể có đầu vào tốt cho đại học, dù có thi nghiêm túc đến thế nào cũng thế. "Hãy mạnh dạn bỏ kỳ thi đại học 3 chung và thực hiện kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc, vừa sức và có chất lượng, rồi tình hình giáo dục sẽ khá lên, chắc chắn như thế".
Ông Bùi Việt Hà, Giám đốc công ty Schoolnet, khẳng định ngay “Nếu bỏ đi kỳ thi TNPT, giữ lại kỳ thi tuyển sinh ĐH thì điều chắc chắn sẽ xảy ra là học sinh từ cấp THPT sẽ học lệch hoàn toàn, và chất lượng học tập cấp THCS, THPT sẽ xuống dốc không phanh trong một thời gian ngắn. Do vậy mặc dù kỳ thi TNPT măc dù có thể có chất lượng chưa tốt nhưng nó đang là 1 cái phao khá tốt để giữ lại chất lượng cho giáo dục THCS, THPT. Mặt khác nếu thực hiện phương án này thì kỳ thi tuyển sinh ĐH sẽ không hề giảm bớt căng thẳng, tốn kém và ảnh hưởng của kỳ thi này đến xã hội sẽ không hề giảm bớt, tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn sẽ tràn lan như hiện nay”.
Nếu bỏ đi kỳ thi tuyển sinh ĐH và không lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT cho tuyển sinh ĐH, thì phương án này trước mắt sẽ gây xáo trộn và khó khăn, nhưng tương lai thì có thể sẽ dần dần đi vào quĩ đạo tốt. Theo cách này sẽ bớt đi hẳn một kỳ thi quốc gia tốn kém, căng thẳng, nhưng chưa hình dung xã hội sẽ thay đổi như thế nào”.
Với lập luận như vậy, ông Hà cho rằng “rất khó bỏ đi hẳn 1, giữ lại 1. Do đó việc “gộp” lại tuy vẫn chưa phải tối ưu nhất nhưng là hợp lý nhất hiện nay”.
“Tarani Nguyen” – một facebooker – đưa ra hai điều kiện để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó là: (1) Bộ GD-ĐT cần huy động sức mạnh của toàn ngành, toàn xã hội để giữ gìn kỷ cương của kỳ thi; Bộ phải trực tiếp chỉ đạo, không khoán gọn cho địa phương. (2) Bộ cần chỉ đạo thật tốt khâu làm đề thi và xây dựng đáp án.
Facebooker “Lana Nguyễn” cũng đồng tình quan điểm bỏ kỳ thi đại học, duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi vì “nếu không thi tốt nghiệp học sinh sẽ không học, mà những kiến thức phổ thông là nền tảng. Đại học phải là một hướng mở, ai cũng có thể học, và có thể học bất kỳ thời gian nào trong đời”...
Có thể, cuộc tranh luận này sẽ không đi tới một kết quả cuối cùng, khi mà ngành giáo dục hiện nay đang tập trung bàn cách tổ chức phương án một kỳ thi quốc gia với cả hai mục đích, chứ không phải lựa chọn bỏ đi bất cứ kỳ thi nào. Tuy nhiên, những tranh luận này cho thấy, công việc cải tiến thi cử của Bộ GD-ĐT dù có thế nào cũng vẫn sẽ không thể hợp ý tất cả mọi người, từ những nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tiếng tăm nhất, đến những học sinh chỉ biết nói ra những ẩn ức của mình trên mạng xã hội.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: "Nên góp ý vào công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết trên báo Tin tức (ra ngày 5/8) rằng Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều ý kiến từ giáo viên khắp các vùng miền - những người trực tiếp chứng kiến thực tế của giáo dục phổ thông hiện hành. Dự kiến từ nay đến 15/8, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ các trường. Sau đó, nếu mọi việc thuận lợi, Bộ sẽ sớm chốt phương án cho kỳ thi quốc gia này, có thể vào đầu năm học mới (2014 - 2015) để kịp cho sự chuẩn bị của giáo viên, học sinh. Trên báo Tuổi Trẻ ra ngày 6/8, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, dự kiến sau khi thi xong, thí sinh nhận kết quả rồi mới đăng ký dự tuyển vào đại học là "một đổi mới căn bản, tạo sự tách biệt giữa thi và xét tuyển ĐH, CĐ". Về phương án "một kỳ thi quốc gia" đang được Bộ GD-ĐT tham khảo ý kiến dư luận, Thứ trưởng Ga cho hay, Bộ GD-ĐT hiểu rất rõ điều xã hội lo lắng và quan tâm nhất đối với kỳ thi quốc gia là sự trung thực, độ tin cậy, khách quan. "Do đó, theo tôi, việc góp ý kiến cho đề án kỳ thi quốc gia nên tập trung vào công tác tổ chức các điểm thi, coi thi, chấm thi... Trong những ngày qua, tôi thấy có nhiều ý kiến góp ý, tranh luận về thi theo môn thi hay theo bài thi, mà còn ít những bàn luận, phân tích về nhiệm vụ quan trọng là làm thế nào để tổ chức được kỳ thi nghiêm túc" - ông bày tỏ quan điểm.
|
Ngân Anh tổng hợp
****************
(1) http://www.tienphong.vn/giao-duc/gs-ngo-bao-chau-nen-giu-thi-dai-hoc-bo-thi-tot-nghiep-743268.tpo
(2) http://ncgdvn.blogspot.com/2014/07/tai-sao-chi-nen-giu-ky-thi-tot-nghiep.html