Đặng Minh Tuấn một giáo viên hợp đồng của Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam ngồi xem lại tập ảnh vừa chụp được tại kỳ thi quốc tế về Toán học bằng Tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông tại Hàn Quốc.
Cuộc thi này đội Việt Nam dành được 4 huy chương vàng, 4 HC bạc và 8 HC Đồng. Và đây không phải lần đầu tiên Tuấn thành công với học sinh của mình, năm trước tại cuộc thi tương tự nhưng về Khoa học, các học sinh của Tuấn 1 HC Vàng và 5 HC Bạc.
Nhưng vừa xong, Tuấn được nhắc đến một cách không mong muốn. Anh thi trượt để có thể chính thức trở thành giáo viên cơ hữu của trường. Có lẽ thất bại này là thất bại của Trường Ams nhiều hơn là của chính bản thân Tuấn.
Thầy Đặng Minh Tuấn (bìa phải) cùng các học sinh Việt Nam tại thi quốc tế |
Từng là học sinh giỏi đạt giải nhì quốc gia môn Vật Lý, là sinh viên của Khối Cử nhân Khoa học Tài năng khóa 3 của ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, nhận học bổng Odon Vallet, Đại học ĐH Paris 11 và Thạc sĩ tại ĐH Lyon 1 và thực tập tại Trung tâm năng lượng nguyên tử Châu Âu, đáng lẽ Tuấn có thể chọn ở lại hoặc làm việc tại các cơ quan nghiên cứu nhưng cuối cùng Tuấn chọn nghề làm giáo viên phổ thông. Điều thú vị là Tuấn đã thành một giáo viên phổ thông xuất sắc, đặc biệt trong việc dẫn dắt các học sinh giỏi của Hà Nội.
Những ai thích làm người nhà nước?
Câu chuyện như Tuấn có lẽ là không hiếm mà điển hình nhất chính là GS. Ngô Bảo Châu. Mức lương của GS. Châu được tiết lộ tại Hội thảo Đối thoại giáo dục 2014 là khoảng 10 triệu VNĐ. Nếu xét về quyền lợi, chắc một người như GS. Ngô Bảo Châu không về nước để nhận mức lương đó. Những người như GS. Ngô Bảo Châu hay như Tuấn là những người thích làm người nhà nước có lẽ bởi vì họ muốn đóng góp cho Việt Nam.
Hình ảnh công chức xếp hàng, đội mưa để nộp hồ sơ liên tiếp trong 3 ngày tại Sở Thuế Hà Nội cho thấy vẫn rất nhiều người mong muốn có được một công việc nhà nước. Đây là những người thích làm nhà nước đơn giản vì đó cũng là một công việc như bao việc khác.
Mặc dù ai cũng biết những kỳ thi như vậy sẽ kèm theo nhiều tiêu cực. Như báo VietNamNet đưa tin, ngày 22/8/2014 là Bộ Công an phải vào cuộc vì việc Bộ Công thương tuyển viên chức nhưng lại có quá nhiều con em trong ngành trúng tuyển.
Một cách trung thực hơn, ngành công an hay quân đội năm nào cũng có lượng thí sinh đông đảo. Hạn chế bằng nhiều tiêu chí như chiều cao, cân nặng, sức khỏe và kể cả là không có hình xăm nhưng lượng thí sinh thi vào ngành công an vẫn tăng đều qua các năm 2012, 2013 lần lượt là 45.085, 62.510 thí sinh. Điểm chuẩn ngành này cũng thuộc hàng cao nhất khi điểm chuẩn cho nam là 25 điểm và nữ là 27.5 điểm.
Cái kết mở
Nhiều người khác nhau và mong muốn vào nhà nước cũng khác nhau. Và chính ở những vai trò không giống nhau đó cái cách mà người ta đóng góp cũng khác. Những người như GS. Ngô Bảo Châu hay Đặng Minh Tuấn không bao giờ chịu “chạy” để có suất biên chế. Và có lẽ vì thế mà Tuấn đã trượt trong khi rất nhiều người tầm thường hơn lại dễ dàng vượt qua. Việc Tuấn thi trượt có lẽ là thất bại của trường Ams nói riêng hay giáo dục Hà Nội hơn là cho bản thân Tuấn.
Hồ sơ Đặng Minh Tuấn Học bổng và khen thưởng 2013 – 2014 The ExcellenceSupervisor of 3rd Place at Intel ISEF in Energy and Transportation 2012 – 2013 The ExcellenceSupervisor of 2nd Place at Intel ISEF in Energy and Transportation 2007 – 2008 Học bổng cuả Quỹ “Rencontres du Vietnam” 2004 – 2005 Học bổng của Quỹ Odon Vallet 2003 – 2004 Học bổng toàn phần tại Đại học Paris-Sud 2002 – 2003 Học bổng của Quỹ Odon Vallet 2000 – 2002 Học bổng của Quỹ “Rencontres du Vietnam” 1999 – 2002 Học bổng chương trình Cứ nhân tài năng |
Ghi chú: Báo Thanh Niên đưa tin Tiến sĩ vừa thi trượt kỳ thi công chức tên là Đinh Trần Phương. Thực tế là TS.Phương học ĐH và ThS tại Pháp và có bằng Tiến sĩ Vật lý tại Nhật Bản. TS. Phương là giáo viên giỏi đã thi đậu công chức năm 2013. Trong kỳ thi năm nay, ứng viên được Hiệu trưởng Lê Thị Oanh nhắc đến có lẽ là NCS Đặng Minh Tuấn. Anh Tuấn có bằng Thạc sĩ tại Pháp ngành Vật lý và là giáo viên quan trọng của Trường Hà Nội - Amsterdam. |
(Theo Đa Diện)