- Diễn văn của hiệu trưởng ngắn gọn, gần như không có những con số kể về thành tích; học trò-phụ huynh được mời lên phát biểu một cách ngẫu nhiên, không được chuẩn bị trước,…là những điều vẫn diễn ra trong dịp khai giảng năm học mới tại Trường THCS Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội).

Trường THCS Xã Đàn là ngôi trường chuyên biệt đầu tiên của TP Hà Nội. Không lớn về quy mô, nhiều khó khăn về tài chính nhưng trường luôn là địa chỉ tin cậy của phụ huynh có con khiếm thính, nhiều thiệt thòi.

{keywords}
Phần chào cờ, hát quốc ca bằng tay của học trò và thầy Trường THCS Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội (Ảnh: Tổ quốc)

Tới dự lễ khai giảng hàng năm, phụ huynh đều xúc động bởi lễ chào cờ, hát quốc ca bằng tay của những học sinh khiếm thính, diễn văn giản dị của hiệu trưởng và phần hỏi thăm động viên ân cần.

Nói về câu chuyện khai giảng sáo rỗng, hiệu trưởng Đinh Văn Đoàn-cũng là một chuyên gia tâm lí chia sẻ: “Ngày xưa khi có 3 tháng nghỉ hè thật sự thì mới có những áng thơ ca hay đến thế. Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/90 ngày qua chứa chan tình thương...."

Nay ở thành phố và nhiều nơi, dù ít hay nhiều mấy tháng hè các em vẫn đi học ở hình thức này hay hình thức khác. Sau đó mới là khai giảng. Sự háo hức cũng bớt đi. Nhưng không phải vì vậy khai giảng không được đón chào”.

Ông phân tích: Lễ khai giảng cần hiểu đối tượng cần nhắm tới chính là học sinh, sau là thầy cô. Và những điều người ta biết rồi thì không mong nghe lại chuyện kể lể thành tích, hô hào quyết tâm. Đã gọi là diễn văn thì không thể như báo cáo. Buổi khai giảng phải là nơi để kêu gọi, thổi hồn cho thầy và trò có tâm thế vui tươi trước năm học mới”.

{keywords}
Hiệu trưởng Đinh Văn Đoàn chia sẻ về những lễ khai giảng năm học mới ý nghĩa của Trường THCS Xã Đàn (Ảnh: Văn Chung)

Nói về chuyện tập dượt trước lễ khai giảng, thầy Đinh Đoàn cho rằng: “Buổi khai giảng giống như lễ hội, có phần lễ (khai mạc) và phần hội là giao lưu thầy trò, biểu diễn văn nghệ. Việc luyện tập văn nghệ nhiều có khi còn khiến thầy trò háo hức hơn là chỉ biểu diễn 10 phút trên sân khấu rồi xong. Chuyện cũng không có gì căng thẳng”.

Nhà trường cũng xác định làm sao phần lễ rất ngắn gọn, phần hội tạo không khí vui tươi. Nhiều trường văn nghệ dài dằng dặc, thậm chí thuê đạo diễn, diễn viên nơi này nơi kia về biểu diễn. Thầy Đinh Đoàn thì cười tươi: “Ở đây chỉ có các tiết mục cây nhà lá vườn phục vụ cho nhau nghe thôi. Vui mà ý nghĩa”.

Giao lưu không báo trước

Đặc biệt hơn cả có lẽ phải kể đến phần giao lưu, trò chuyện của hiệu trưởng với học sinh và cha mẹ các em.

“Tôi không cho các em phải chuẩn bị trước. Vì nếu thế thì cô sẽ viết cho các em. Trò lên đọc nuột nà và khô khan, sáo rỗng...” – hiệu trưởng Đinh Đoàn cho hay.

Không ít lần vì học trò cùng mặc đồng phục, đứng xếp hàng ngay ngắn nên không phân biệt được trò nào khuyết tật, trò nào không, thầy Đoàn cứ mạnh dạn gọi các em lên phát biểu.

Giáo viên thấy thầy gọi trúng em khiếm thị hay khiếm thính mới lên tiếng. Thầy nói không sao, em không nói bằng lời thì nói bằng kí hiệu. Vậy là thầy cô dẫn trò lên, trò nói gì sẽ được phiên dịch ra cho các bạn cùng hiểu và thông cảm.

Tương tự, với phụ huynh nhiều khi mọi người cũng hỏi em có cần chuẩn bị gì thầy Đinh Đoàn đều cười nói anh chị nghĩ như thế nào cứ nói như vậy.

Kể về kỉ niệm ngày khai giảng, hiệu trưởng Đinh Đoàn chia sẻ: “Có lần một phụ huynh đứng mãi ngoài cổng trường khi được gọi vào phát biểu chị rất xúc động. Chị nói nhà có 2 cháu, cháu lớn đang học ở đây. Đi dự lễ khai giảng nhiều rồi, chị thấy các con khổ quá nhưng đến đây lại thấy rưng rưng xúc động.

Mới năm kia, một phụ huynh nhà có 2 con khuyết tật. Cháu lớn không có cơ hội đi học. Cháu sau khi gia đình có điều kiện hơn mới gửi con đến trường chúng tôi. Vừa nói được mấy câu thì chị khóc. Chị tiếc vì con 8 tuổi mới biết đến Trường THCS Xã Đàn. Nếu biết sớm đã cho con đi học từ khi 3 tuổi tại đây thì bây giờ cháu đã khá hơn rất nhiều rồi”.

Sau phần khai giảng ngắn, giáo viên chủ nhiệm cho học sinh các lớp về sinh hoạt tiếp. Ngoài kẹo bánh nếu phụ huynh có chuẩn bị được, trên bảng cô sẽ viết lời chào năm mới. Học trò sẽ đón năm học mới cùng cô và các bạn bằng những tiết mục văn nghệ đã được “bí mật” chuẩn bị từ trước.

Trong một phần diễn văn cho lễ khai giảng năm học 2014-2015 vào ngày 5/9 sắp tới của hiệu trưởng Đinh Văn Đoàn có đoạn: “Không khoa trương hình thức, không chạy theo bệnh thành tích, cần mẫn, âm thầm hàng ngày làm tốt công việc của mình, không tính toán thiệt hơn,…là những nét đẹp phẩm chất của các thầy cô giáo Xã Đàn mà không phải nhà trường nào cũng có được...”.

  • Văn Chung (ghi)