- Thời gian qua, trong giáo dục ĐH có một loạt vụ việc như trường ĐH Tôn Đức
Thắng kiện GS Nguyễn Đăng Hưng, thanh tra ĐH mở TP.HCM phát hiện hàng loạt sai
phạm, vụ GS Đàm Khải Hoàn “bằng Tiến sĩ Y khoa giá 200 triệu”, vụ mua điểm tại
ĐH Quy Nhơn, tranh chấp tại ĐH Hoa Sen, ĐH Công nghệ Sài Gòn...
Nhìn từ một góc độ thì có thể cho rằng giáo dục đại học đang có nhiều lộn xộn, ngổn ngang. Nhưng từ khía cạnh tích cực có thể thấy mọi việc trong giáo dục ĐH đang dần được minh bạch hóa, các sự việc được xử lý dựa trên các căn cứ luật pháp, không dựa trên nền văn hóa “duy tình” hay “chín bỏ làm mười” của người Việt.
Dưới đây là ghi nhận ý kiến của các giảng viên, chuyên gia giáo dục về “tín hiệu” này.
Ông Trần Đức Cảnh, nguyên thành viên Hội đồng liên trường, Trường ĐH vùng
Đông Bắc bang Massaschusetts (Hoa Kỳ): "Điều đáng mừng là hệ
thống giáo dục của ta đang đi theo hướng mở"
Ông Trần Đức Cảnh |
Ông bà ta có câu “cùng tắc biến, biến tắc thông”. Tôi không biết các vấn đề giáo dục mà xã hội đặc biệt quan tâm lâu nay, đã đụng đáy chưa! Điều đáng mừng là hệ thống giáo dục của ta đang đi theo hướng mở, Bộ GD-ĐT có dấu hiệu lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhiều luồng khác nhau.
Đấy là ta mới “mở” nhưng chưa “thông”, muốn thông thì nền giáo dục phải được xây dựng trên nền tảng triết lý và một định hướng phát triển lâu dài, kế hoạch sau đó sẽ là sự kết nối các phần với nhau cho đồng bộ, nếu không thì sẽ mãi trong vòng xoay đổi mới.
Tôi rất tâm đắc với triết lý giáo dục của cụ Phan Châu Trinh ở đầu thế kỷ trước, gói gọn trong 9 chữ “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, chưa bao giờ có giá trị lớn như trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Những tranh chấp, tiêu cực xảy ra trong giáo dục có liên quan đến trường, cá nhân là chuyện không thể tránh khỏi, đặc biệt là trong bối cảnh giáo dục và xã hội như hiện nay. Quan trọng là tính minh bạch ngày càng mở ra, phản ảnh sự búc xúc của dư luận xã hội về những vấn đề bất cập của giáo dục, xã hội, và đòi hỏi sự phán xét công bằng. Theo tôi, hiện nay xã hội đang có chiều hướng cởi mở và minh bạch hơn, nhưng cơ bản là vẫn chưa giải quyết cái gốc của vấn đề.
Tôi xin lập lại là hiện nay ta chỉ mới “mở”, nhưng chưa “thông”, nên cách xử lý các vấn đề quan tâm sẽ còn rất hạn chế.
Do đó, cần có một cơ chế vận hành và khung luật pháp bảo đảm tính minh bạch và công bằng thì mới mong giải quyết các vấn đề quan tâm, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục mà cho cả xã hội.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT): "Thế nào là "lợi nhuận" và "phi lợi nhuận" đặt ra càng gay gắt..."
Qua sự việc như câu chuyện đang diễn ra ở ĐH Hoa Sen, nếu chỉ căn cứ từ những
gì mà người trong cuộc đưa ra, dễ đi đến kết luận rằng... ai cũng đúng.
TS Lê Viết Khuyến |
Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam vừa qua đã soạn thảo Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Chúng tôi làm việc này chỉ với mong muốn những câu chuyện ồn ào về lợi nhuận chấm dứt, các trường phát triển bền vững với định hướng đặt ra ban đầu, không phải mượn danh “phi lợi nhuận” chỉ để làm đẹp cho nhà trường như hiện tượng đang xảy ra ở không ít trường hiện nay.
Cũng từ những lộn xộn đã nhắc tới ở trên, có thể thấy đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã rõ ràng, tuy nhiên khi xuống đến các Bộ thực thi lại thiếu đi tính hệ thống. Nếu có sự chỉ đạo logic, cả hệ thống giáo dục sẽ khởi sắc hơn theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29.
Giáo dục ĐH đang đi đúng đường, nhưng cần có một thiết kế chính xác. Bởi vì, việc hay gặp ở Việt Nam là khi thực hiện không được thì người ta lại thường nghi ngờ tính đúng đắn của đường lối.
Nếu Bộ GD-ĐT lắng nghe những ý kiến tâm huyết, lắng nghe với sự cầu thị, không hình thức, thì tôi tin chắc rằng giáo dục ĐH trong thời gian tới sẽ có những bước đi vững vàng.
TS Nguyễn Hữu Lam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Quản trị, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: "Trả lại quyền tự chủ cho ĐH..."
Tôi ủng hộ các vụ tranh chấp thông qua luật pháp và mong muốn có một nền luật
pháp công minh, chính trực vì lợi ích người dân và đất nước.
TS Nguyễn Hữu Lam |
Vẫn biết mong ước đó là phi thực tế hiện nay, nhưng tôi tin các tranh chấp hiện tại ở Hoa Sen, Tôn Đức Thắng... sẽ phơi bày nhiều sự thật và dẫn tới những chuẩn mực tốt đẹp hơn. Vẫn biết đường còn dài, và còn nhiều gian nan, vì thế phải làm cho nó ngắn hơn bằng cách làm bộc lộ hết sớm hơn.
Như vậy mọi người sẽ ít mệt hơn và con em ta biết đâu là nơi để hi vọng!
Bên cạnh đó, cần phải nói tới một quyết định đúng và quan trọng cho phát triển ĐH của chính phủ: Trả lại quyền tự chủ cho ĐH, chứ không phải cho phép hoặc giao quyền tự chủ cho ĐH.
Tuy nhiên, cần bảo đảm là tự chủ để thực hiện tốt hơn sứ mạng của ĐH và mang lại lợi ích mong muốn cho xã hội chứ không rơi vào lợi ích nhóm và lạm dụng.
Tự chủ cũng rất cần các điều kiện và năng lực cần thiết. Thiếu những năng lực để độc lập tự chủ sẽ dẫn đến suy sụp. Và rất cần cơ chế kiểm soát, cân bằng quyền lực, và sự minh bạch.
Chi Mai ghi