- "Không khống chế số lượng nguyện vọng vào ĐH, CĐ; Những trường có yêu cầu cao có thể tổ chức thêm kỳ kiểm tra để chọn thí sinh...." - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết tại cuộc họp báo công bố phương án thi quốc gia chiều ngày 9/9.
Ảnh Văn Chung |
Bộ GD-ĐT có quy định số lượng nguyện vọng mỗi thí sinh được đăng ký không? Nếu không quy định, liệu có gây ra tình trạng thí sinh ảo khi các em có thể đăng ký nhiều trường cùng lúc không, thưa ông?
- Một thí sinh có thể đăng ký bao nhiêu nguyện vọng phụ thuộc điều kiện do các trường quy định. Trước ngày 1/1/2015, các trường sẽ công bố điều kiện của mình. Căn cứ kết quả thi, các em phải lượng sức mà đăng ký.
Trước đây khi chưa có kết quả thi các em đã đăng ký nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều. Bây giờ tuyển theo yêu cầu của trường và kết quả thi của thí sinh, hy vọng tình trạng thí sinh ảo sẽ giảm bớt...
Thời gian tổ chức thi của các trường tuyển sinh riêng được quy định như thế nào?
- Các trường công bố thời gian dự kiến tổ chức thi trong đề án tuyển sinh riêng. Bộ GD-ĐT sẽ quy định cụ thể các đợt thi trong quy chế tuyển sinh.
Bộ GD-ĐT có khống chế số lượng trường tổ chức kiểm tra bổ sung để xét tuyển vào ĐH, CĐ không? Các ông nghĩ sao nếu sau khi kỳ thi quốc gia số lượng trường ĐH, CĐ tổ chức thi thêm sẽ ngày càng nhiều hơn?
- Mục đích là cung cấp căn cứ. Nhưng những trường có yêu cầu cao như trường tinh hoa, trường ưu tú có thể tổ chức thêm kỳ kiểm tra để chọn thí sinh phù hợp. Kể cả trường bình thường cũng có thể có những yêu cầu riêng. Luật Giáo dục cho phép điều này.
Việc sử dụng kết quả thi quốc gia có kèm theo các điều kiện khác hay không là tùy trường. Mỗi trường chọn phương án tối ưu nhất cho mình.
Bộ GD-ĐT không khống chế, nhưng mong muốn với kết quả thi quốc gia đáng tin cậy, các trường sẽ sử dụng như đã từng sử dụng kết quả thi “3 chung” để giảm tốn kém, phiền hà.
Các trường có nhất quyết phải xét tuyển 3 môn không? Trường có thể căn cứ vào kết quả thi của 2, hoặc 1 môn thi của kỳ thi quốc gia để xét tuyển không?Vấn đề này sẽ được đưa vào quy chế tuyển sinh mới. Cụ thể một trường xét 2 hay 3 môn sẽ làm rõ. Chủ trương của Bộ là không gây hoang mang, không thay đổi cách học của học sinh lớp 12. Những em đã học thi theo khối sẽ không bị bất ngờ.
Sẽ có khoảng bao nhiêu thí sinh thi tại một cụm để đảm bảo cụm thi không bị quá tải? Và khoảng cách di chuyển tối đa của một thí sinh đến cụm thi là bao nhiêu, thưa ông?
- Theo kinh nghiệm tổ chức những năm qua, một cụm thi khoảng 30 – 40 nghìn thí sinh là địa phương tổ chức tốt. Bộ sẽ bố trí các cụm thi theo khoảng cách địa lý, sao cho mỗi cụm đảm đương một lượng thí sinh từ 40 nghìn trở lại trở lại. Vấn đề này Bộ đã có tính toán sơ bộ.
Bộ sẽ sửa đổi quy chế tuyển sinh cho phù hợp với quy định mới. Ngay cả cụm thi như thế nào cũng sẽ đưa vào.
Tình trạng thừa thầy thiếu thợ đã và đang diễn ra. Nếu thi kiểu này cánh cửa vào có ĐH rộng hơn cho thí sinh? Bộ có lo ngại rằng con số cử nhân thất nghiệp sẽ không dừng lại ở 162 nghìn như đã công bố?
- Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường đó. Vì vậy, không có chuyện thi theo phương án mới các trường được tuyển sinh thoải mái hơn.
Mỗi thí sinh được thi tối đa tới 8 môn, Bộ quy định như vậy để các thí sinh có thể phát huy được hết khả năng cũng như cơ hội của mình. Nhưng dù thi kiểu gì cũng phải đảm bảo chất lượng đầu vào. Có thể với các trường có phương án tuyển sinh riêng sẽ quy định ngưỡng chất lượng tối thiểu ĐH điểm trung bình các môn thi từ 6 điểm trở lên, CĐ từ 5,5 điểm trở lên.
Về phía Bộ GD-ĐT, Bộ sẽ công khai ngưỡng tối thiểu của các môn để xét tuyển vào ĐH sau khi có kết quả thi quốc gia.
Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh giải đáp thắc mắc của VTV:
Ngân Anh - Xuân Quý (clip VTV)