- Có thể nhận thấy rằng những chuyển đổi gần đây của giáo dục Việt Nam là khá tích cực. Trong số đó, có thể nói đến việc chấp nhận nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) và loại bỏ sự độc quyền bấy lâu nay trong lĩnh vực này. Hai giải pháp của Bộ GD-ĐT đề xuất có một giải pháp là để các đơn vị tự làm và Bộ chỉ đóng vai trò kiểm duyệt, giải pháp còn lại là Bộ sẽ tự làm một bản và duyệt các bản khác. Vậy hai phương án này bản chất sẽ đi dẫn đến những kịch bản như thế nào?

Chuyện ở Anh, Singapore

Ở đa số các quốc gia thì thị trường phục vụ giáo dục và một thị trường cởi mở và cạnh tranh mang lại đến cho người dùng bao gồm cả nhà trường, thầy cô giáo nhiều lựa chọn khác nhau.

Tại Anh (England), Bộ Giáo dục kiểm soát chủ yếu hoạt động của các trường công lập bằng cách triển khai khung chương trình quốc gia (national curriculum) mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, chương trình này chỉ chứa đựng mục tiêu học sinh cần đạt cho từng lớp học, các môn học bắt buộc, khung nội dung (outline) với các kiến thức cơ bản (core knowledge) của các môn học. 

Bộ Giáo dục Anh khẳng định chương trình quốc gia chỉ là một phần của chương trình học tập của học sinh trong nhà trường vì các trường và giáo viên được tự do lựa chọn các nội dung, kỹ năng để dạy cho học sinh.

Chính vì thế, không tồn tại bộ sách giáo khoa phổ thông chung cho cả nước lẫn từng thành phố. Các trường có quyền lựa chọn sách, tài liệu cho giáo viên, học sinh từ các NXB uy tín. Tại mỗi lớp, giáo viên lại có quyền chọn các nội dung chi tiết, phương pháp dạy học và tài liệu cụ thể cho phù hợp với trình độ học sinh. 

{keywords}

Hay tại quốc gia với số dân nhỏ bé như Singapore thì việc xuất bản SGK đầu tiên được thực hiện bằng cách nhập khẩu hoàn toàn từ Vương quốc Anh vào những năm 70. Sau đó, Bộ Giáo dục Singapore thực hiện tự phát hành vào những năm 80. Nhưng từ giữa những năm 90, việc phát hành SGK hoàn toàn được chuyển giao cho các NXB tư nhân và Bộ giáo dục chỉ tập trung vào việc xây dựng các quy định về khung chương trình.

Có "tự chủ giả hiệu"?

Với thực tế của giáo dục hiện nay, Việt Nam đang có ba chương trình học trong đó hai chương trình đang được thực hiện và một chương trình mang tính đề xuất.

Chương trình thứ nhất do Bộ GD&ĐT tạo biên soạn sử dụng đại trà chiếm hầu hết trong tổng số 15 triệu học sinh phổ thông tại Việt Nam.

Chương trình thứ hai là chương trình Thực nghiệm gắn liền với tên tuổi GS. Hồ Ngọc Đại. Theo Vụ trưởng Vụ tiểu học Lê Tiến Thành công bố trên Vietnamnet năm 2012 thì có khoảng 55.000 - 58.000 học sinh tại 18 tỉnh thành đang theo học chương trình Thực nghiệm này (chiếm 0,38% số học sinh toàn quốc).

Chương trình học thứ ba của nhóm Cánh Buồm thực hiện một cách phi chính thống mặc dù đã được Bộ GD&ĐT lên tiếng ủng hộ. Hiện nay chương trình Cánh Buồm mới được một vài trường tư thục đưa vào như là chương trình bổ trợ. Trong ba chương trình này thì Thực nghiệm và Cánh Buồm công bố tuân theo phương pháp học tập kiến tạo (constructivism).

Thế nên nếu trong tương lai gần, Bộ GD&ĐT chỉ cho phép một “chương trình” học thì thực chất là một bước lùi. Vì khi đó hệ tư tưởng về khoa học sư phạm chỉ còn một hướng trong rất nhiều xu thế mới của giáo dục hiện đại. Sự đa dạng trong cách tiếp cận phương pháp luận giáo dục sẽ giúp khoa học về sư phạm giáo dục thực sự được phát triển tại Việt Nam.

Hơn nữa, chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” liệu có trở thành là “tự chủ giả hiệu”? Bởi vì nếu Bộ tiếp tục ban hành một chương trình giáo dục bắt buộc và chi tiết như hiện nay, chi tiết đến nội dung từng tuần cho giáo viên và học sinh kèm theo các quy định kiểm tra, đánh giá thì các trường sẽ “buộc phải” ủng hộ phương án 1 của việc biên soạn SGK tức Bộ chủ trì biên soạn để bảo đảm học sinh đạt kết quả cao trong các kì thi.

Trao quyền tự chủ SGK cho ai? 

Việc đa dạng hóa nếu không có tự chủ thì sẽ hoàn toàn vô nghĩa. Vấn đề nằm ở chỗ sẽ giao quyền tự chủ đến đâu và cho ai?

Thực chất thì việc cho phép giảng dạy chương trình Thực nghiệm cũng đã từng được giao đến cấp Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, khi mà quá ít đơn vị lựa chọn và sự hỗ trợ hạn chế từ Trung tâm công nghệ giáo dục là nơi chủ quản của bộ SGK đã khiến cho chương trình thiếu sức sống.

Và đặc biệt khi các Sở giáo dục lớn như Hà Nội và TP.HCM thiếu sự ủng hộ thì hiệu quả sẽ không cao. Chính vì vậy, việc lựa chọn chương trình học cần phải được thực hiện ở cấp trường để tăng tính đa dạng. Bên cạnh đó, các trường nên được chủ động thay đổi và phát triển trong phạm vi khoảng 30% chương trình học để phù hợp với địa phương và thực tiễn phát triển xã hội.

Thực tế tại nhiều quốc gia, sự trao quyền này còn được thực hiện đến cấp giáo viên.

Như đã đề cập ở trên về kinh nghiệm triển khai chương trình giáo dục của Anh, trường và giáo viên là người quyết định các nội dung chi tiết và tài liệu được sử dụng để giảng dạy cho học sinh nhưng phải đạt được mục tiêu dạy học chung của từng lớp học, cấp học. Cách quản lý chủ yếu dựa vào mục tiêu chung quốc gia khiến các trường vẫn có quyền tự chủ nhưng vẫn đảm bảo học sinh học ở bất cứ trường, lớp nào cũng có cơ hội đạt trình độ như nhau và không gặp khó khăn khi chuyển trường.

Ví dụ, khi dạy toán cho học sinh lớp 1 (key stage 1), mục tiêu là học sinh phải có khả năng cộng, trừ trong phạm vi 20, do đó, giáo viên dù dạy ở lớp nào, trường nào cũng phải đạt được mục tiêu này, còn dùng tài liệu, phương pháp nào để triển khai bài dạy là quyền lựa chọn của giáo viên.

Bộ GD-ĐT: Viết sách hay là không?

Việc chuyển đổi quan điểm từ việc Bộ GD&ĐT làm tất cả đến việc hãy để cho thị trường thực hiện không khác gì việc mở cửa Đổi mới trong lĩnh vực giáo dục.

Đã từ rất lâu, trong xã hội không có khái niệm về việc các đơn vị độc lập và kể cả tư nhân có thể tham gia vào việc xây dựng sách giáo khoa. Việc lo ngại những bộ sách giáo khoa đầu tiên của các đơn vị độc lập không đạt chất lượng hoặc gây xáo trộn nên việc đề xuất của Bộ GD&ĐT sẽ tự xây dựng một bộ sách song song là hoàn toàn có lý.

Nhưng hệ quả của việc Bộ GD&ĐT xây dựng một bộ sách đó sẽ khiến cho việc phát triển SGK trở nên không công bằng và nhanh chóng làm cho các ý tưởng tốt đẹp ban đầu chết yểu vì hai lý do.

Thứ nhất, Bộ biên soạn và cũng chính là người phê duyệt nên dễ thấy Bộ sẽ khắt khe hơn với các sách không do Bộ biên soạn vì yên tâm là học sinh chắc chắn vẫn có SGK để sử dụng. Từ đó sẽ dẫn tới việc khó khăn trong việc có nhiều bộ sách.

Thứ hai, động lực làm SGK của các đơn vị độc lập sẽ giảm rất mạnh khi phải cạnh tranh với SGK của Bộ được ngân sách nhà nước và uy tín của Bộ GD&ĐT bảo trợ. Bản chất đặc thù của giáo dục là bảo thủ nên phụ huynh nói chung không muốn mạo hiểm với tương lai con em mình dẫn tới việc sẽ lựa chọn chủ yếu theo SGK của Bộ. Như vậy tính đa dạng của SGK sẽ bị chết yểu ngay khi mới bắt đầu. Nếu như việc thứ nhất có thể giải quyết bằng việc Bộ GD&ĐT bắt buộc phải chọn ít nhất ba bộ SGK và có trách nhiệm hỗ trợ để các bộ SGK này đạt chuẩn. Nhưng vấn đề thứ hai thì khó giải quyết hơn nhiều, nếu các đơn vị độc lập thực sự không có được động lực để phát triển thì thị trường SGK lại nhanh chóng rơi vào thế độc quyền.

Chính vì vậy, phương án Bộ GD&ĐT viết sách có thể đem lại sự ổn định trước mắt trong ngắn hạn nhưng lại xóa bỏ động lực phát triển trong trung và dài hạn. Sự ổn định ngắn hạn là sẽ vẫn có một bộ SGK cho học sinh đảm bảo việc học tập nhưng do không có động lực dài hạn nên sẽ vẫn chỉ có duy nhất bộ SGK do không ai muốn đầu tư cạnh tranh một cách thiếu công bằng. Các trường cùng phụ huynh cũng sẽ ưu tiên lựa chọn một bộ sách của Bộ mang tính chính thống hơn một bộ sách của một đơn vị độc lập. 

Về phương án 2, quyền tự chủ biên soạn sách giáo khoa được mở rộng hơn. Tuy nhiên, nếu giao hoàn toàn việc xây dựng SGK cho các đơn vị độc lập thì đòi hỏi Bộ phải ban hành các tiêu chuẩn biên soạn và xuất bản sách giáo khoa để đảm bảo sự cạnh tranh công bằng cho các đơn vị khi xét duyệt. Khi một bộ sách được một đơn vị độc lập công bố, công luận và các chuyên gia ngoài có thể đối chiếu với các tiêu chuẩn để xem xét khả năng được phê duyệt của bộ sách. Đó cũng là căn cứ công khai để các trường lựa chọn bộ sách được sử dụng cho trường mình.

Phương án này có thể sẽ dẫn tới việc có sự thay đổi lớn trong xã hội về việc thay đổi hàng loạt chương trình học tập. Sự thay đổi đó sẽ dẫn tới phản ứng trong xã hội mang kiểu phản vệ. Phản ứng kiểu phản vệ đó là cần thiết để xã hội thích nghi với việc mọi người có quyền lựa chọn sản phẩm tốt cho mình thay vì chỉ có duy nhất một sản phẩm. Nhưng để phản ứng phản vệ không mang màu sắc tiêu cực thì trong kế hoạch, Bộ GD&ĐT cần xây dựng lộ trình ứng phó và hỗ trợ thị trường khi cần thiết.

Tổng kết lại, nếu coi cải cách giáo dục Việt Nam là một cuộc cải cách có chiều sâu và dài hạn thì việc xây dựng động lực cho phát triển dài hạn rõ ràng là quan trọng hơn là việc duy trì trạng thái ổn định ở mức thấp. Bộ GD&ĐT nên chuẩn bị các kịch bản ứng phó với các phản ứng xã hội mang tính phản vệ khi thích nghi với một môi trường mới và hỗ trợ các đơn vị xây dựng các bộ SGK khác nhau hơn là tự tay mình thực hiện.

  • TS. Đàm Quang Minh (ĐH FPT)
  • NCS. Nguyễn Thị Thu Huyền (Giảng viên ĐH Sư phạm TP. HCM)