- Trong phiên khai mạc Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đọc tờ trình về chương trình, sách giáo khoa mới. Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT vẫn sẽ giữ cơ cấu giáo dục cơ bản 9 năm, và thực hiện "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa".


{keywords}
Học sinh tự nghiên cứu tài liệu hướng dẫn học tập theo "chương trình giáo dục mới" - một chương trình đang thí điểm ở hơn 1.000 trường học của Việt Nam. Ảnh: Hạ Anh

 3 giai đoạn thực hiện

Nguyên tắc xây dựng dự toán của Chính phủ để thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa. Bộ GD-ĐT tổ chức xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình và tổ chức biên soạn một bộ SGK; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc một số cuốn sách giáo khoa. Tất cả SGK phải được Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định.

Sau khi bộ SGK do Bộ GD-ĐT tạo tổ chức biên soạn được Hội đồng quốc gia thẩm định đủ điều kiện sử dụng, sẽ tổ chức bán đấu giá bản quyền cho các nhà xuất bản để phát hành bộ sách giáo khoa này, kinh phí thu được từ bán bản quyền sẽ nộp ngân sách nhà nước.

Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa mới nhằm giảm giá thành SGK

Kinh phí bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và đổi mới đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK được bố trí ở các đề án khác theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29.

Tổng kinh phí dự kiến: 462 tỷ đồng để thực hiện các nhiệm vụ: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, SGK (bao gồm cả lực lượng biên soạn SGK của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn SGK); xây dựng, thẩm định chương trình; biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; thẩm định SGK (dự kiến 04 bộ); nghiên cứu mô hình SGK điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện; biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, SGK mới; đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình; tập huấn cho đội ngũ cốt cán về quy trình, kĩ thuật tổ chức tập huấn qua Internet cho giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức biên soạn một bộ SGK.

Một chương trình, nhiều SGK

Tờ trình Quốc hội nêu rõ, Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông để sử dụng thống nhất trong toàn quốc.

Dựa trên chương trình thống nhất toàn quốc, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn nhiều bộ/cuốn SGK khác nhau. Bộ GD-ĐT ban hành các quy định về cấu trúc và tiêu chí đánh giá SGK, biên soạn, thẩm định SGK; thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định SGK...

Điều kiện để xây dựng chương trình, biên soạn SGK: Tiếp tục việc tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm của Việt Nam về xây dựng, phát triển chương trình, biên soạn SGK; tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình, biên soạn SGK; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo cách tiếp cận năng lực. Pháp chế hoá các hoạt động tổ chức, chỉ đạo và giám sát, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK. Phát triển đội ngũ tác giả biên soạn chương trình và SGK mới; tăng cường lực lượng nghiên cứu, thẩm định, đánh giá và hoàn thiện chương trình, SGK.

Đồng thời, triển khai các công việc đã làm trong những năm gần đây nhằm chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 như: Nghiên cứu chương trình và mô hình SGK của một số nước có nền giáo dục phát triển; tổ chức cho cán bộ các vụ, viện, giảng viên các Trường ĐH Sư phạm đi học tập, trao đổi về xây dựng chương trình, biên soạn SGK; mời các chuyên gia nước ngoài tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi về chương trình và SGK...

20% chương trình do địa phương quyết

Chương trình phải đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với yêu cầu và sự phát triển năng lực của đội ngũ giáo viên; chuẩn hoá dần cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của trường phổ thông.

Nội dung giáo dục phải phù hợp với đối tượng học sinh và thời lượng dạy học: ở cấp tiểu học, học cả ngày ở trường nhưng có hướng dẫn vận dụng cho những cơ sở giáo dục chỉ có điều kiện dạy học một buổi trong ngày; ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, học một buổi trong ngày nhưng có hướng dẫn vận dụng cho những cơ sở giáo dục có điều kiện dạy học hai buổi trong ngày.

Dựa trên mục tiêu, chuẩn và nội dung chương trình thống nhất toàn quốc, đảm bảo quyền linh hoạt của các địa phương và nhà trường. Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng chương trình giáo dục phổ thông trong đó có quy định chuẩn đầu ra, những nội dung cốt lõi và yêu cầu bắt buộc (phần cứng) đồng thời dành thời lượng (khoảng 20%) để các địa phương (sở GD-ĐT) bổ sung những nội dung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương, các nhà trường được xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình.

Nhà trường tổ chức cho giáo viên, đại diện phụ huynh học sinh và học sinh tìm hiểu các sách giáo khoa đã được Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt cho sử dụng; Các tổ, nhóm giáo viên bộ môn thảo luận và đề nghị lựa chọn bộ SGK chính thức dùng trong nhà trường (cho cả giáo viên và học sinh);

Nhà trường quyết định lựa chọn bộ SGK chính thức của mỗi môn học dựa trên đề nghị của giáo viên tổ, nhóm chuyên môn, tham khảo thêm ý kiến của đại diện phụ huynh học sinh và học sinh...

Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới. Khuyến khích ngành giáo dục ở các địa phương xây dựng tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ dạy và học đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương.

 

Cân nhắc việc triển khai đại trà

Cũng trong sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đã có báo cáo Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Theo đó, về cơ cấu giáo dục phổ thông được ông Thi khái quát: Dư luận chung trong giới giáo dục và khoa học nhất trí giáo dục phổ thông kéo dài 12 năm và chia thành hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) là giai đoạn giáo dục phổ cập, bắt buộc nhằm bảo đảm trang bị cho học sinh kiến thức phổ thông nền tảng và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông) chuẩn bị cho học sinh tham gia thị trường lao động hoặc học lên cao đẳng, đại học và sau đại học. Tuy nhiên, về vấn đề giai đoạn giáo dục cơ bản kéo dài mấy năm thì hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giáo dục cơ bản trong 9 năm (5 năm tiểu học và 4 năm trung học cơ sở). Loại ý kiến thứ hai lại cho rằng giáo dục cơ bản cần 10 năm (5 năm tiểu học và 5 năm trung học cơ sở hoặc 6 năm tiểu học và 4 năm trung học cơ sở).

Về lộ trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông, ông Thi cho biết: Ủy ban nhất trí về cơ bản các bước tiến hành nêu trong lộ trình thực hiện như Tờ trình của Chính phủ đề xuất nhưng đề nghị cân nhắc dành thời gian thích đáng cho việc thực nghiệm chương trình mới.

"Việc triển khai đại trà chương trình, SGK mới cũng cần cân nhắc hợp lý. Đối với cấp tiểu học có thể thực hiện đồng thời ở tất cả các lớp, nhưng đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì cần theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học." - ông Thi nói. 

Nguyễn Hiền