Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn triển khai dạy học ngoại ngữ tăng cường.

Trong khi học sinh trung học phổ thông chưa được học ngoại ngữ theo chương trình mới (chương trình học 10 năm, ban hành theo quy định của Đề án), hướng dẫn  khuyến khích sinh viên tham gia học ngoại ngữ tăng cường nhưng không bắt buộc.

{keywords}
  

Theo đó, nhà trường công bố công khai chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, lộ trình đạt chuẩn cũng như các loại chứng chỉ ngoại ngữ được chấp nhận cho miễn học/thi ngoại ngữ (nếu có) trên trang thông tin điện tử chính thức của trường trước mỗi khoá/ kỳ học để sinh viên có kế hoạch học tập và đạt chuẩn theo quy định.

Về việc triển khai dạy và học ngoại ngữ tăng cường, các trường tổ chức thi, kiểm tra khảo sát năng lực ngoại ngữ đầu vào của sinh viên để làm căn cứ xếp lớp học ngoại ngữ tăng cường theo năng lực thực tế của sinh viên.

Thời lượng tổ chức học do trường quyết định trên cơ sở điều kiện thực tế của trường, yêu cầu về chuẩn đầu ra ngoại ngữ của từng ngành, lĩnh vực đào tạo và đảm bảo quy định hiện hành về khối lượng kiến thức tối thiểu đối với mỗi trình độ đào tạo.

Hình thức tổ chức dạy học có thể là học trên lớp, dạy học trực tuyến, các hình thức ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng nước ngoài…, coi trọng việc hướng dẫn và tạo môi trường cho sinh viên tự học; phối hợp đồng bộ với các chương trình học ngoại ngữ chính khóa.

Nhà trường cũng cần thông báo kế hoạch tổ chức dạy học ngoại ngữ tăng cường trước từng khóa/ kỳ học để hỗ trợ những sinh viên có nhu cầu.

Về kinh phí, các trường chủ động xây dựng mức thu học phí ngoại ngữ tăng cường theo quy định Nghị định 74/2013/NĐ-CP theo nguyên tắc thỏa thuận với người học, đảm bảo bù đắp chi phí. Việc thu học phí dạy học ngoại ngữ tăng cường không tính cho nội dung chương trình đào tạo theo quy định bắt buộc.

Trước đó, từ ngày 30/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”. Đề án quy định sinh viên tốt nghiệp (đầu ra) đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3 đối với cao đẳng, đại học không chuyên ngữ, bậc 4 đối với cao đẳng chuyên ngữ và bậc 5 đối với đại học chuyên ngữ theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay năng lực ngoại ngữ của sinh viên khi nhập học (đầu vào) rất khác nhau và thường là chưa đạt chuẩn. Trước thực tế đó, Đề án yêu cầu các trường triển khai hình thức dạy học ngoại ngữ tăng cường để hỗ trợ chương trình đào tạo chính khoá nhằm bảo đảm năng lực ngoại ngữ của sinh viên khi tốt nghiệp.

Ngân Anh