- Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã đặt vấn đề như vậy tại diễn đàn "Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông: Thách thức và những giải pháp thực hiện" sáng ngày 6/11.
Cũng tại diễn đàn sáng nay, Hội khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng: Ngay lúc này không nên đặt ngang hàng việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK, vì viết lại SGK ngay và lại đòi hỏi viết mẫu, viết chuẩn sẽ có thể gây rối cho các trường, cho toàn ngành giáo dục và lại tốn ….
Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các nhà khoa học |
Cần nhất quán một chương trình chuẩn
Theo ông Thang Văn Phúc, trước hết cần có quan điểm nhất quán là phải có một chương trình chuẩn, vừa cập nhật kiến thức thời đại, vừa mang tính kế thừa. và phải có thẩm định quốc gia đối với chương trình này.
“Khi chưa có thẩm định quốc gia đối với chương trình chuẩn mà trình ra Quốc hội phê duyệt là bắt Quốc hội đồng hành với sự vô trách nhiệm” – ông Phúc thẳng thắn.
|
Ông Thang Văn Phúc (Ảnh: N.Anh) |
GS Nguyễn Lân Dũng thì bày tỏ sự ngạc nhiên khi dự thảo chương trình đã đưa chi tiết thời gian từng môn học. Theo ông, thời lượng dành cho các môn ngôn ngữ, đạo đức rất cao. Trong khi đó thời gian dành cho các môn Khoa học tự nhiên (tích hợp lý – hóa – sinh) chỉ hơn 700 tiết và Khoa học xã hội chỉ có 630 tiết – tương đương với 1 tiết/tuần là quá ít.
Theo GS Nguyễn Ngọc Phú, phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, điều quan trọng nhất hiện nay là Bộ nên tập trung công sức huy động các nhà khoa học làm rõ chương trình cho các lớp, các đối tượng. “Một khi chưa làm rõ chương trình thì đừng nói đến chuyện tổ chức biên soạn xuất bản SGK”.
GS Phạm Thị Trân Châu cũng đưa ra quan điểm phải xây dựng một chương trình thật tốt. “Cần lưu ý sự khác nhau về năng lực học sinh, điều kiện kinh tế xã hội các vùng miền, sự đầutư của gia đình… Và nên đặt câu hỏi trong chương trình có cần thể hiện sự sai khác đó? Từ đó thống nhất một chương trình căn bản mà học sinh cần phải đạt được sau khi tốt nghiệp phổ thông để học tiếp lên cao cũng như đi làm các công việc khác”.
Đề xuất Bộ GD-ĐT đứng ngoài việc soạn sách
Vấn đề một chương trình nhiều bộ SGK cũng là nội dung được bàn thảo nhiều trong hội thảo. Phải bình đẳng giữa những người viết sách là đề nghị của không chỉ một người.
Ông Nguyễn Khắc Phi, nguyên TBT NXB Giáo dục nêu ra 5 lý do để không đồng tình với việc Bộ GD-ĐT đứng ra chủ trì biên soạn một bộ SGK.
Cụ thể là nhân lực của Bộ GD-ĐT không đảm bảo, một số sách do Bộ thực hiện vẫn có sai sót. Việc Bộ đảm nhận biên soạn SGK dễ sa vào khuynh hướng không lành mạnh, công bằng, tình trạng phân biệt con đẻ - con nuôi, vừa đá bóng vừa thổi còi… Dẫn theo khuynh hướng không lành mạnh khác trong tất cả các khâu đấu thầu, in ấn, lựa chọn sử dụng. Và theo đó làm nhụt tinh thần hăng hái của các nhà khoa học, các giáo viên, đơn vị đang trông chờ cơ hội mới cho họ đóng góp tâm sức cho giáo dục. Đó là lý do chính “thủ tiêu” chủ trương mới: một chương trình nhiều bộ SGK.
“Nói như vậy không phải là tôi không chia sẻ lo lắng của lãnh đạo Bộ làm sao để có bộ sách chuẩn kịp thời. Một chủ trương sẽ có nhiều cách làm. Dù thế nào Bộ cũng không được thiên vị đặc biệt trong khâu thẩm định và đấu thầu” – ông Phi nhấn mạnh.
GS Nguyễn Minh Thuyết góp ý kiến tại diễn đàn (Ảnh: N.Anh) |
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng Bộ GD-ĐT không nên trực tiếp đứng ra biên soạn SGK.Theo ông Thuyết, Bộ GD-ĐT tốt nhất là giao việc biên soạn, xuất bản SGK cho NXB Giáo dục Việt Nam.
Ngân Anh