- Nhiều ý kiến đáng lưu tâm của lãnh đạo 63 sở GD-ĐT tại hội nghị sơ kết thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 (TT30) vừa diễn ra vào sáng 15/3 tại Hà Nội.

Hơn 16 ý kiến trong gần 3 tiếng đồ hồ của các đại biểu về cơ bản cho rằng TT30 sau một năm học thực hiện đã nhận được đồng thuận từ GV, học sinh, phụ huynh và xã hội dù bước đầu còn những khó khăn.

Sở GD-ĐT Quảng Bình cho biết sở đã thành lập đội hỗ trợ kinh nghiệm đi đến 50% cơ sở trong toàn tỉnh, tổ chức sinh hoạt chuyên môn bằng đối thoại trực tiếp với các thầy cô, nhà trường.

Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học TP Hải Phòng Đặng Minh Hằng chia sẻ: “Sở đã tổ chức cho GV dạy mẫu ở các tiết môn Toán, tiếng Việt, Âm nhạc trực tuyến để tất cả thầy cô xem xét, rút kinh nghiệm”.

Sở này cũng chỉ đạo không đánh giá, phê bình khiển trách GV mà chỉ nhắc nhở. “Có thầy cô mẫn cán, ghi nhiều, ghi thừa nhưng chỉ cần rút kinh nghiệm cho tháng sau thực hiện cho đúng, không phải làm lại, chép lại, sửa lại để tạo tâm lý thoải mái cho GV” – lời bà Hằng.

{keywords}
Không gian hội nghị sáng 15/3. (Ảnh: Văn Chung)

Phải nghĩ đến tiếng kêu của thầy cô

Tại hội nghị, Phó GĐ sở GD-ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến chia sẻ: TT30 ra đời, chuyện GV nghĩ ra dùng con dấu thay cho nhận xét là đúng khi mỗi lớp tiểu học ở thủ đô có tới từ 60-65 em. Tuy nhiên nhận xét có thể là vết tích, dấu đúng hoặc sai và không chỉ một mình GV nhận xét. Cô giáo đánh giá, học sinh tự đánh giá, phụ huynh cũng tham gia.

Theo ông Tiến: “Việc ghi ở sổ theo dõi đánh giá học sinh rồi học bạ nhiều khiến, khối lượng công việc lớn như vậy nên GV kêu là đúng”.

Vị PGĐ cho biết: “Có ý kiến cho rằng sổ theo dõi đánh giá học sinh ghi hay không cũng được. Nhưng tôi nói với GV đây là nhật ký, không ghi sao nhớ được. Nhưng ghi thế nào. “Tôi vẽ ra cách GV có thể ghi tắt bằng ký hiệu miễn sao cô nắm được. Hiệu trưởng cũng phải xem xét GV chủ nhiệm quan tâm, quán xuyến lớp thế nào. Chỉ cần cô giáo giải thích được cho hiệu trưởng những điều mình ghi là được”.

Ông Tiến mong Bộ GD-ĐT nghiên cứu thay vì ghi chép nhiều ở các môn thì GV có thể thay bằng các chứng cứ, dấu tích khi cần thiết. Việc đánh giá phẩm chất năng lực kiến thức theo môn cũng nên làm như vậy. GV sẽ không phải viết nhiều. Ở các mục sẽ có dòng trống để nếu cần GV viết, ghi nhận xét vào.

Như vậy thầy cô mới hoàn thành công việc được. Nếu không như GV thể dục 20 lớp không thể ghi hết được.

{keywords}
Trong một tiết học của cô trò tiểu học. (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung).

Việc bàn giao sổ học bạ, theo ông Tiến cuối năm nên chuyển lên lớp trên, không cần bàn giao cho học sinh và việc ghi chép cũng chỉ cần làm vào cuối năm như trước đây.

Vụ trưởng Phạm Ngọc Định cho rằng sổ theo dõi, đánh giá chất lượng có thể coi như sổ ghi nhật ký của riêng GV. Bộ chỉ gợi ý. Cơ sở có thể thiết kế cho phù hợp với từng GV hay dùng chung.

Việc dùng các chứng cứ, dấu tích đã có kinh nghiệm từ thực hiện TT32 là “hầu như các nơi không làm thật. Cuối năm GV chỉ tích vào cho xong”. Một việc làm vừa mất cường độ lao động vừa không ý nghĩa thì bỏ. Cái cần là GV làm đến đâu một cách thực chất thì ghi và cần tập trung vào đối tượng cần quan tâm giúp đỡ. Sau đó xem các em tiếp thu, tiến bộ như thế nào”.

Về sổ học bạ, ông Định cho rằng cần thiết chuyển chọ phụ huynh và đưa riêng không công bố trước lớp đọc, để thầy cô trao đổi với từng phụ huynh. Đây là cách làm nhân văn.  

Giám đốc sở GD-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thanh Giang cho rằng muốn thực hiện TT30 tốt phải nghĩ tới “tiếng kêu”, quyền lợi của thầy cô. Việc xem xét định mức biên chế GV/lớp, quy định chế độ làm việc cần điều chỉnh để thầy cô yên tâm công tác.

Tại buổi hội nghị, Phó GĐ sở GD-ĐT Nghệ An Thái Huy Vinh hi vọng Bộ sẽ có thêm các cuộc hội thảo tập huấn cho các địa phương. Thực hiện TT30, Bộ cũng cần điều chỉnh một số văn như đánh giá quy chuẩn trường quốc gia, chuẩn nghề nghiệp GV, thi GV dạy giỏi cấp tỉnh.

Bậc THCS lâu nay quy định của Bộ là không thi nhưng ở dưới tỉnh thành có hệ thống trường trọng điểm, tuyển sinh trên địa bàn toàn huyện hoặc tỉnh. Cơ sở rất mong hướng dẫn của Bộ.

Một khó khăn lớn khác cũng được chia sẻ tại hội nghị đó là việc GV hiện nay còn lúng túng khi phải đưa lời nhận xét vào vở, vào sổ cho trò. Nhiều cô thầy còn e dè, chưa đủ tự tin. Áp lực sổ sách nhiều, với trò tiểu học lại phải viết thật đẹp nên xảy ra tình trạng bê nguyên nhận xét khi họ không có đủ vốn từ.

Điều sợ nhất đã không xảy ra

Tiếp tục giải đáp các thắc mắc, Vụ trưởng Phạm Ngọc Định cho rằng việc nhận xét thầy cô chỉ làm khi cần thiết. Cách viết sao cho người đọc cảm nhận được cũng là một cách giúp GV nâng cao trình độ.

Ông khẳng định: “TT30 thành công hay không, quyết định ở GV. Những khó khăn về các kĩ thuật nhận xét, đánh giá sẽ cần được tiếp tục điều chỉnh. Nhưng gì được cho là hình thức sẽ được loại bỏ”.

{keywords}
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Phạm Ngọc Định phát biểu tại hội nghị sáng 15/3. (Ảnh: Văn Chung).

Theo ông Định: “Qua tất cả các ý kiến, chúng ta thấy TT này có tính nhân văn đã đi vào cuộc sống, HS đã bớt áp lực điểm số mà đảm bảo chất lượng giáo dục được duy trì và có phần nhỉnh hơn. Thầy cô cũng biết cách thực hiện TT30 và cha mẹ đã yên tâm với đánh giá mới. Điều sợ nhất là chính sách không đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, hiện có hơn 350.000 GV, không phải tất cả làm tốt. Thầy cô đang trong giai đoạn biết làm”.

Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục có hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương. Nhắc  lại câu chuyện “sự im lặng của hơn 700 hiệu trưởng”, ông Định cho rằng thực hiện TT30 cần sự nghiêm túc nhưng phải linh hoạt, không thể để chuyện “GV sợ trường, trường sợ phòng, phòng sợ sở và sở sợ Bộ”.

“Nếu không có dân chủ thì thực hiện TT30 rất khó khăn. Về cách làm, có thể GV làm hơi ngược so với chỉ đạo nhưng hãy cho họ trình bày. Nếu thực sự họ làm đúng nên ủng hộ, đừng quá máy móc” – lời ông Định.

  • Văn Chung