- Tham gia ý kiến tại diễn đàn “định vị lòng yêu nước của người trẻ”, bạn Phan Quốc Thanh, 33 tuổi, ở Hà Nội cho rằng “tự chịu trách nhiệm là cơ sở căn bản của biểu hiện tinh thần yêu nước”. Dưới đây là ý kiến của bạn Thanh.

THẢO LUẬN LIÊN QUAN
Yêu nước theo cách của thổ dân
Thời bình, người Việt có còn yêu nước?
Đừng để yêu nước ngủ quên trên ích kỷ
Người giàu Trung Quốc không yêu nước

Hồi còn đi học, chúng ta được nhà trường dạy: Yêu nước gắn liền với yêu chủ nghĩa xã hội. Lớn lên chúng ta nhận thấy bất cứ người nào, ở cương vị, lứa tuổi nào nếu có tinh thần, ý thức tự chịu trách nhiệm thì người đó có tinh thần yêu nước thật sự.


Học sinh chào cờ tại lễ khai giảng năm học mới (Ảnh Lê Anh Dũng)

Tinh thần tự chịu trách nhiệm được thể hiện từ ý nghĩ, lời phát ngôn đến hành động thường ngày. Ở gia đình nếu người lớn chủ động xin lỗi con cái khi thấy mình ứng xử chưa chuẩn mực. Ở trường học người thầy giáo chân thành xin lỗi học sinh về một phương pháp giảng dạy mà bản thân tự thấy chưa phải là phương án hay nhất. Ở công sở và trên các diễn đàn các vị lãnh đạo biết xin lỗi và tự nhận lấy sai sót một cách thành tâm... thì chúng ta sẽ có được một xã hội lành mạnh và văn minh.

Khi mỗi cá nhân có suy nghĩ, có ý tưởng, phát ngôn và hành động được kiểm soát bằng lí trí và phông văn hóa chuẩn thì chúng ta thể hiện được tinh thần yêu nước. Khi mỗi cá nhân biết ý thức được trách nhiệm về điều mình tư duy, lời mình nói và việc mình làm thì chúng ta có được một công dân văn minh, cơ quan, nơi cư trú, xã hội sẽ có một tấm gương tốt để mọi người noi theo và kính trọng.

Dám chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình nghĩ và làm thì mỗi người đã tự giác kiểm soát được bản thân, nghiêm túc với chính mình và tất yếu sẽ biết tôn trọng cộng đồng.

Ngược lại những người không kiểm soát, ý thức được ý nghĩ, lời nói, việc làm, nhất là không đủ dũng cảm để tự chịu trách nhiệm thì sẽ gây nên những tổn thất, hậu quả khôn lường cho xã hội. Nạn tham nhũng, chạy chức chạy quyền, buôn gian bán lậu...đều có nguồn gốc từ sự thiếu ý thức trách nhiệm với xã hội, với quốc gia giống nòi.

Không có ý thức tự kiểm soát bản thân sẽ không biết tôn trọng người khác, coi thường pháp luật, bất chấp luân thường đạo lí.

Ở phạm vi nhỏ, loại người này dễ đánh mất niềm tin ở những người xung quanh, nếu ở tầm quốc gia thì những người thiếu tinh thần tự chịu trách nhiệm dễ gây nên nỗi nhục quốc thể, làm cho người nước ngoài coi thường, hiểu nhầm về con người và văn hóa người Việt.

Những người lớn tuổi, những người có địa vị xã hội nếu cứ hứa thật nhiều, nói thật nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu, thậm chí làm trái với điều đã hứa tất yếu gây nên những tổn thất rất lớn, làm cho gia đình bất hòa, xã hội bất an, quốc gia bất phú cường.

Chúng ta thường nghe câu nói nghiêm khắc với chính mình và bao dung với người để được người đối xử bình đẳng.

Chúng ta cũng nên nghĩ thêm: Nghiêm khắc với chính bản thân mình, có trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng, nhân loại cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước của con người Việt Nam hôm nay.

Có ý thức tự chịu trách nhiệm, chúng ta sẽ đủ dũng khí để đấu tranh chống lại cái ác, cái phản tiến bộ và có ý chí, bản lĩnh để bảo vệ chân lí, tôn trọng danh dự và lợi ích của người khác, của quốc gia khác.

Mỗi công dân có tinh thần dám chịu dám làm, trung thực với chính mình và bao dung với người khác sẽ thấu hiểu và chia sẻ có hiệu quả nhất đối với cộng đồng và nhân loại.

Nhìn sâu vào lịch sử dân tộc, những câu nói tự chịu trách nhiệm của Thái sư Trần Thủ Độ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn...hay những hành động dũng cảm từ chức thậm chí tự tử của các chính khách nước ngoài luôn được dư luận cảm phục, kính trọng, có sức lay động và cảm hóa lòng người hơn bao giờ hết.

Những người có tinh thần tự chịu trách nhiệm là người có thần kinh xấu hổ. Biết xấu hổ cũng là biết yêu nước. Tiếc rằng, hiện nay nhiều người có địa vị xã hội cao chưa dễ có được điều này.

  • Quốc Thanh