- Trong phần cuối của bàn tròn trực tuyến về đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015, các khách mời trao đổi về đổi mới trong giáo dục, chuyện con gà hay quả trứng?


XEM PHẦN 1: Tranh luận nảy lửa về đề án 70.000 tỷ đồng

XEM PHẦN 2: 'Vừa lấy vợ đã tính vợ hay thì khó lắm'

Xem PHẦN 3 3: Lấy đâu tác giả mà viết nhiều bộ sách?


Nghe nội dung "đâu là vấn đề cần đổi mới của giáo dục" của các khách mời tại đây:


Nhà báo Kim Dung: Xin gửi các thầy ý kiến của độc giả Lê Trọng, ‘theo tôi nghĩ, không cần thay đổi, mà chỉ cần chỉnh sửa, biên soạn lại sao cho phù hợp với học sinh và con người Việt Nam, phù hợp với tình hình thế giới và định hướng phát triển của đất nước”.


TS Nguyễn Anh Dũng
TS Nguyễn Anh Dũng: Từ nay đến 2017, chúng ta mới triển khai đề án này.

Các nhà khoa học rất mong muốn và sẵn sàng chia sẻ cách làm. Song song với chiến lược, năm 2011, chúng ta vẫn phải thực hiện đề án này. Và sẽ còn tiếp tục lắng nghe ý kiến cho đến khi hoàn thiện.

GS Văn Như Cương: Tôi rất mong ngay trong năm học tới đã có thể chỉnh sửa, giảm bớt. Điều này rất đơn giản, chỉ một tháng các nhà giáo ngồi lại có thể giải quyết được.
PGS Đỗ Ngọc Thống: Tôi rất hiểu mong muốn giảm gánh nặng học tập cho học sinh, như thế rất được lòng dân.

Tuy nhiên, về mặt khoa học, tôi nghĩ cái gọi là giảm tải, quá tải thì cũng nên xác định cho rõ, vì rất nhiều người hiểu phiến diện cứ cho rằng quá tải tất cả là do chương trình, SGK.

Chúng ta đều biết học nặng nề ở Việt Nam là một thực tế phải công nhận. Tuy nhiên, cái quá tải đó do những cái gì thì không phải chỉ do chương trình, SGK. Tôi xin đảm bảo như thế.

Tôi có thể kể ra hàng loạt nguyên nhân: Do trình độ giáo viên không đến nơi đến chốn, hoặc đầu vào quá thấp.

Thứ hai, trang thiết bị không đầy đủ, phòng học thiếu. Người ta học 2 buổi/ngày, lớp người ta sĩ số 20-25, còn ta 50 - 70. Làm thế nào đảm bảo phương pháp được? Khó lắm.
Dân số thì phát triển, học sinh lên đến 17 - 20 triệu, tâm lý thi cử của xã hội chạy theo ứng thí, bố mẹ nào cũng thấy con mình giỏi, dứt khoát phải học ĐH. Thế thì cứ dồn hết tất cả gánh nặng ấy, tự nhiên nó quá tải.

Cho nên, quay lại vấn đề giảm tải bằng cách nào. Cách nói 1/3 theo thầy Cương chỉ là cách nói, chứ không thể cắt cơ học như thế.

Tôi tính đơn giản: Toàn bộ Văn học sau Cách mạng tháng 8 của chúng ta, học có 5 tác phẩm trích là truyện ngắn thôi. Nếu giờ cắt đi 1/3, tức là chỉ học có 3 tác phẩm.

Nếu giảm tải 1/3, đương nhiên không thể giảm cơ học, mà phải giảm đều: Văn học giảm 1/3, văn học sử giảm 1/3, lý luận văn học giảm 1/3.

GS Văn Như Cương: Bộ môn Toán của tôi, tôi cắt tích phân là tôi cắt luôn, cắt số phức tôi cắt luôn bởi vì chẳng để làm gì với tích phân cả.


PGS Đỗ Ngọc Thống
PGS Đỗ Ngọc Thống: Tôi nói như vậy để nói rằng, vấn đề quá tải không phải là như thế. (PGS Đỗ Ngọc Thống mang theo sách giáo khoa văn học lớp 7, lớp 10 của Mỹ, lớp 10, 11  của Pháp đến bàn tròn trực tuyến, mỗi cuốn dày hơn cả tiểu thuyết “Mật mã De Vince” của Dan Brown- LTS) Đây là SGK văn của Mỹ, của Pháp, tôi phải mang đi để chứng minh: SGK của Việt Nam ta có quá tải không?

Nói quá tải, chúng ta phải rất thận trọng.

Một mặt chúng ta lại muốn hội nhập với thế giới, một mặt chúng ta phải bám sát Việt Nam.

Nhưng tôi đọc những cuốn sách như thế này, tôi thấy rằng biết đến bao giờ chúng ta cập nhập được với họ?

Một mặt, Nhà nước yêu cầu SGK viết phải đuổi kịp các nước tiên tiến, nhưng kiến thức của họ như thế nào, nếu với cuốn sách của mình?

Tôi đã đọc cuốn sách này 6 tháng nay một cách nghiêm chỉnh.

Tôi thấy sách văn của họ như thế này thì ta học làm sao bằng họ được.

Trong khi đó SGK của ta quá tải ở chỗ khác. Ta đang rất thiếu nhưng lại rất thừa, thành ra, quá tải chỉ nói chung chung thôi.

Không khéo cứ giảm sau này học sinh không biết gì cả. Mình mới có một nhúm kiến thức như thế thì làm ăn gì được.

Tôi nghĩ rằng, đúng là phải làm thế nào cho học hành nhẹ nhàng hơn, hứng khởi hơn đúng như khẩu hiệu của GS Hồ Ngọc Đại: Mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Ý tưởng hay nhưng bằng cách nào: Không thể nói một cách rất chung chung giảm tải nhưng cứ nhằm vào chương trình với SGK.

Tôi cũng đồng ý với thầy Cương là môn Văn của tôi, có những cái bây giờ tôi bỏ đi không thương tiếc vì học những cái đó để làm gì.

Nghe ý kiến của PGS Đỗ Ngọc Thống "Chúng ta có quá tải không?"



GS Văn Như Cương
GS Văn Như Cương: Ở trường tôi, cũng phần Toán đó, Bộ yêu cầu học 4 tiết thì chúng tôi học 6 tiết. Đáng lý, một đống đá đó, bắt nó gánh mỗi gánh 50 cân, tôi chỉ bắt nó gánh mỗi gánh 30 cân.

Đấy là một hình thức giảm tải nhưng nếu toàn quốc không thể tăng thời lượng Toán lên 6 tiết thì bắt buộc phải cắt nội dung. Một là để nguyên nội dung, tăng thời lượng. Hai là thời lượng giữ nguyên, cắt bớt nội dung.

Nhà báo Kim Dung: Tôi băn khoăn rằng, mấy cuộc cải cách giáo dục đã trải qua, lần nào cũng phải giải quyết hệ lụy- chương trình, SGK quá nặng với học sinh.

Tại công cuộc đổi mới giáo dục năm 2009, tôi chứng kiến sự nỗ lực của ngành GD, Viện Khoa học GD, khi chúng ta đặt ra mục tiêu lớn nhất và duy nhất là đổi mới phương pháp, giảm tính hàn lâm trong chương trình, nội dung SGK.  Xã hội cũng ghi nhận điều đó và nó đã tạo ra một quyết tâm, một không khí rất mới mẻ. Nhưng bây giờ chương trình, SGK lại rơi vào tình trạng quá tải. Vậy thì chúng ta phải giải thích như thế nào?

GS Văn Như Cương: Khi xây dựng chương trình đó, mười mấy năm là chúng ta dự tính đến lúc chúng ta học 2 buổi thật và viết cho tương lai.

Tuy nhiên, nếu chưa có 2 buổi thì chúng ta phải lược bỏ cho phù hợp.


TS Vũ Đình Chuẩn
TS Vũ Đình Chuẩn: Việc gọi là quá tải có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần từ chương trình.

Nhưng nguyên nhân tổ chức thực hiện như GS Cương, GS Thống, GS Thuyết đã nói, là điều kiện dạy học, điều kiện trang thiết bị, thời lượng, cả sức ép từ phụ huynh, tâm lý gia đình… 

Trong quá trình thực hiện chương trình, chúng ta phải tích hợp: Tích hợp giáo dục môi trường, tích hợp giáo dục năng lượng, dân số, sức khỏe sinh sản…Quá trình tích hợp đó không dễ dàng như khi viết sách.

Trong thời gian vừa qua, thực ra mà nói, chúng ta đã giảm tải được nhiều bằng một loạt các giải pháp như chỉ đạo giảm tải phần nào trong chương trình, SGK.

Trước đây, giáo viên cứ bám sát SGK nhưng ngành đã chỉ đạo: Chương trình là chỗ dựa chính, SGK và tài liệu tham khảo đã giảm tải.

Bộ không có một chương trình chi tiết mà giao cho các Sở, tỉnh, trường, tùy thuộc vào học lực học sinh để điều chỉnh theo quyền tự chủ của trường, tăng cường dạy 2 buổi /ngày, tăng cường tích hợp như hoạt động ngoài giờ lên lớp tích hợp vào đạo đức, giáo dục công dân, tăng cường hướng dạy học tích cực, thay đổi kiểm tra đánh giá.

Như đề thi năm nay, chúng ta bám sát SGK nên học sinh thấy hồ hởi, kỳ thi nhẹ nhàng. Tăng cường hoạt động tích hợp để học sinh hưng phấn học tập.

Việc này không phải làm đề án dự thảo đưa ra rồi bỏ luôn và làm những việc như là một độc giả trao đổi. Cơ quan nghiên cứu, quản lý , những người cụ thể như các thầy cô giáo giỏi…vào cuộc để chương trình SGK đảm bảo chất lượng.

Nhà báo Kim Dung: Xin trích ý kiến của độc giả gửi đến VietNamNet: “Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương đổi mới toàn diện GD, kể cả chương trình và SGK. Tuy nhiên, tôi băn khoăn về tư duy quản lý đối với các cấp sở GD, phòng, nhà trường còn rất nặng nề, vẫn mang tư duy thời bao cấp. Với tư duy như vậy, xin hỏi liệu đưa ra chương trình SGK mới có cải thiện được gì hay không?”.

Còn đây là câu hỏi của tôi: Theo dõi những cuộc cải cách đã triển khai, tôi thấy ngành thường nhắm đến chương trình SGK đầu tiên, coi như yếu tố quyết định, điều đó không phủ nhận. Nhưng thực tế, qua  nhiều cuộc cải cách, tôi thấy đều khó thành công. Trong khi, một vấn đề rất mới là xóa bỏ cơ chế xin cho, tăng quyền tự chủ của các trường thì tại sao không được tính đến? Tôi thấy giải pháp đó rất chật vật để đưa vào cuộc sống. Vậy xin TS Vũ Đình Chuẩn trả lời.


TS Vũ Đình Chuẩn: Trong những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đang rất tích cực đổi mới cơ chế quản lý. Chủ đề hai năm học trước đây và năm học này là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng dạy học.

Đi đôi với việc phân cấp rõ ràng, Bộ GD-ĐT tăng cường năng lực các cấp quản lý.

Nếu chúng ta phân cấp cho họ nhiều nhưng không nâng cao năng lực của họ thì không có hiệu quả.

Một hiệu trưởng giỏi có thể chủ động hoàn toàn trong việc thực hiện chương trình SGK, mục tiêu năm học, mục tiêu giáo dục.

Nếu không đạt yêu cầu tối thiểu của 1 hiệu trưởng thì phân cấp cho họ là một khó khăn.

Thời gian qua thực hiện nghị quyết 40 và đề án 09, ngành giáo dục đã xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ quản lý giáo viên, xây dựng chuẩn hiệu trưởng, chuẩn nghề nghiệp GV.

Bồi dưỡng thường xuyên, phối hợp với Singapore bồi dưỡng cho hiệu trưởng THPT, cơ chế tài chính có phân cấp sâu cho cơ sở, thực hiện công khai, kiểm định chất lượng rất đầy đủ. Nó phải đi cùng các vấn đề chuyên môn.

Trong lần thay đổi cải cách này, mục đầu tiên đưa lên là đổi mới cơ chế quản lý.


Nhiều cuộc cải cách vẫn dạy chay, học chay

Nhà báo Kim Dung: Đất nước ta nếu không có đổi mới cơ chế quản lý thì sẽ không có được diện mạo như ngày hôm nay, cho dù chúng ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Một xã hội rộng lớn như thế, đất nước đã quyết tâm và đã thay đổi được thì ngành giáo dục không có lý gì không làm được. Trong công cuộc đổi mới giáo dục sắp tới, theo quan điểm của tôi, cần đặt vấn đề đầu tiên là đổi mới cơ chế quản lý chứ không phải đổi mới chương trình SGK.

Bởi vì tôi thấy, 4,5 cuộc cải cách giáo dục đều đi vào chương trình, SGK mà cuối cùng vẫn dạy chay, học chay, vẫn là hàn lâm…Nếu chúng ta tiếp tục đi vào con đường đó, chúng ta sẽ không hứa hẹn gì lắm sự thắng lợi. Sự đổi mới về cơ chế quản lý mang tính rất quyết định. Hi vọng cơ chế xin cho được xóa bỏ để phát huy tính tự chủ ở trường, điều chỉnh các chính sách.


GS Văn Như Cương
GS Văn Như Cương: Trước hết, tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục là điều hết sức quan trọng.

Người ta ví dụ, một sở GD làm từ A-Z, từ lớp 1 đến lớp 12, người ta phải có tự chủ thi lên lớp, kiểm tra đánh giá, chuyển cấp tốt nghiệp như thế nào thì cho họ cả Z: Cấp bằng tốt nghiệp.

Rồi đại học làm từ đủ thứ, từ A-Z, nào giáo trình, thi tốt nghiệp thì Bộ lại túm lấy đầu vào- thi 3 chung.

Trường không được tự chủ. Toán sư phạm đầu vào khác trường Bách khoa, toán sư phạm ra dạy toán, toán Bách khoa ra làm toán cho kỹ sư, toán tổng hợp ra để nghiên cứu toán, toán thương mại ra để tính toán thì đầu vào toán không thể chung được.

Do đó, Bộ cần cho các trường ĐH tự kiếm đầu vào. Quyền tự chủ để họ phát huy sáng tạo là rất quan trọng. Như thế mới nảy ra những ông hiệu trưởng giỏi, quản lý giỏi.


GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết: Chuyện thi tốt nghiệp THPT giao cho Sở, thi tuyển sinh, thi đại học giao cho trường. Bộ lo chuyện lớn hơn.

Chúng ta có thể hi vọng xây dựng chương trình mới sẽ giảm được tải nhưng thực ra khó có thể hi vọng như vậy.

Cái gốc của chuyện quá tải là gốc xã hội, không phải trong chương trình SGK. Khi nào con đường tiến thân của thanh niên còn bị bí bức, khi nào bố mẹ còn hết sức đẩy con vào chỗ không hợp cái tài của nó chắc chắn còn quá tải, còn nhồi cho con đủ thứ trên đời.

Buồn vì đầu vào sư phạm rất thấp


GS Nguyễn Kế Hào
GS Nguyễn Kế Hào: Đồng thời với quản lý là phải đồng bộ. Phải cải tổ hệ thống sư phạm, phải đào tạo như thế nào để họ tự dạy được. Nhưng hiện nay sư phạm, tôi thấy buồn, bây giờ đầu vào rất thấp.

Nhà báo Kim Dung: Điều này do chính sách điều chỉnh đầu vào. Rõ ràng, chính sách Nhà nước nếu đúng đắn thì lập tức xã hội điều chỉnh.

Văn Như Cương: Có những khoa ở sư phạm Vinh, số sinh viên nộp đơn vào không đủ với chỉ tiêu lấy.

Nhà báo Kim Dung: Một độc giả giấu tên gửi câu hỏi và cho rằng- vấn đề không nằm ở SGK mà nằm ở người dạy và phương pháp dạy. Ở đây, vấn đề là phương pháp. Chúng ta từng đặt phương pháp là mục tiêu duy nhất và lớn nhất. Tuy nhiên, gần 10 năm, chúng ta rút được gì về phương pháp? Tiếp tục đề ra con số 30.000 tỷ đồng để cho thiết bị giáo dục, tôi thấy kinh hoàng...

Nghe Đỗ Ngọc Thống giải thích "Vì sao phương pháp giảng dạy chậm thay đổi" tại đây:


PGS Đỗ Ngọc Thống: 30.000 tỷ cho thiết bị dạy học chỉ là một phương tiện thôi. Còn phương pháp dạy học chỉ một phần gắn với thiết bị. Có những môn không cần nhiều thiết bị vẫn dạy tốt.

Vấn đề phương pháp phụ thuộc rất nhiều điều, như cơ sở vật chất. Dạy phương pháp mới thì hình hài nó thế nào, trong khi đó điều kiện trường lớp chưa cho phép.

Tôi trình bày đổi mới phương pháp rất nhiều lần khi bồi dưỡng giáo viên. Nhưng nhiều giáo viên nói: Thầy nói về phương pháp rất hay, nhưng em dạy thế thì học sinh đi thi trượt hết.

Tôi đã nói nhiều lần, nếu không thay đổi cách kiểm tra đánh giá và thi cử thì mọi cố gắng thay đổi phương pháp hay SGK chỉ là vô nghĩa.

Tôi đã nói trước lãnh đạo Bộ là chúng ta chỉ loay hoay soạn ra những bộ kinh hay thôi, chứ chưa chú ý đào tạo nhà sư. Kinh Phật hay bao nhiêu mà rơi vào tay nhà sư tồi thì giáo lý nhà Phật chả thấm vào đâu cả.  Trong khi đó, hệ thống giáo viên, nếu đánh giá nghiêm chỉnh thì chất lượng yếu và thiếu.


Thay đổi con gà hay quả trứng trước?


Nhà báo Kim Dung: Ngành giáo dục cũng chưa rành mạch trong việc cải cách sư phạm trước hay cải cách giáo dục phổ thông trước. Tức là chúng ta vẫn luôn đặt câu hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước? GD đã lúng túng nhiều năm rồi. Vậy bây giờ, ngành giáo dục cần xác định như thế nào?
TS Vũ Đình Chuẩn: Hội nghị các trường sư phạm năm 2006 đang dẫn đến thay đổi tích cực và hiện nay đang chuẩn bị hội nghị mới, nhận thức tất cả vấn đề: “Mọi đổi mới của chúng ta nếu không có đội ngũ tốt thì thành công rất hạn chế.” Đề thi năm nay khác. Chúng tôi xác định, nếu không đổi mới kiểm tra đánh giá thì không đổi mới được gì nữa.

Đổi mới được xác định là khâu đột phá nên chủ đề năm học các năm đều là nâng cao chất lượng. Khâu quản lý là đột phá, được quan tâm nhất, đang tiến hành và sẽ có hiệu quả..

Nghe PGS Đỗ Ngọc Thống giới thiệu "Hướng tiếp cận theo năng lực của giáo dục Châu Âu và EU" tại đây:


PGS Đỗ Ngọc Thống: Định hướng chương trình mới chưa thuyết phục lắm. Đó là hướng tiếp cận năng lực, phát triển năng lực. Chúng tôi có nghiên cứu khá kỹ lưỡng. Đây là định hướng của châu Âu và nhất là EU đã tập trung nghiên cứu từ cuối năm 2000 đến năm 2002.

Họ có nhiều trang web rất lớn, xác định và lựa chọn hệ thống năng lực, đào tạo ra những công dân có tính chất toàn cầu thế kỷ 21.

Thế hệ 3 có thể làm việc ở bất kỳ đâu, bất kỳ việc gì và với bất kỳ ai, tức là có sự chuyển đổi một cách linh hoạt thì thế hệ học sinh đó phải có một số phẩm chất năng lực chung.

Chúng ta phát triển kỹ năng nhưng là kỹ năng yêu cầu của môn học chứ không phải năng lực chung chi phối lĩnh vực học tập. Và đánh giá năng lực chứ không phải đánh giá ghi nhớ như truyền thống.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu bây giờ muốn làm như thế thì phải có những nghiên cứu cụ thể.

Chỉ cần ông giáo tốt, dạy theo phương pháp tốt thì cuốn sách vẫn tốt, chứ không phải phủ nhận cái này, thay thế bằng cái kia là sẽ tốt. Cái mới rất hoan nghênh nhưng cũng phải dè chừng.

Nhà báo Kim Dung: Thưa quý bạn đọc VietNamNet!

Sau hơn 2 giờ trao đổi, ý kiến của các nhà quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu khoa học giáo dục, của các chuyên gia giáo dục, dự thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa cho sau năm 2015 có được rất nhiều tham góp bổ ích.

Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa không đơn thuần chỉ là nội dung, mà nó phải được tiến hành đồng bộ với một loạt các điều kiện vĩ mô khác. Như đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đổi mới cơ cấu hệ thống bậc học, cấp học cho tới cơ cấu số học sinh/ lớp, đổi mới phương pháp giảng dạy và cách đánh giá, thi cử.

Quan trọng không kém, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới còn đòi hỏi sự nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, chất lượng đội ngũ giáo viên các nhà trường phổ thông. Có thế mới hy vọng đổi mới chương trình, sách giáo khoa cho sau năm 2015 có hiệu quả.

Bàn tròn trực tuyến xin khép lại ở đây. Xin cảm ơn các đại biểu đã tham dự. Cảm ơn các quý bạn đọc của VietNamNet đã theo dõi.

Mọi ý kiến tiếp theo của độc giả xin tiếp tục gửi về địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.


  • Tổ chức thực hiện: Hạ Anh - Kiều Oanh  - Hương Giang - Nguyễn Hường
  • Ảnh: Lê Anh Dũng