- Một kì thi với 6 môn lại chỉ tập trung vào kiến thức lớp 12 không thể đánh giá hết được trình độ nhận thức của học sinh. Đi kèm theo đó là bao phiền toái, lo lắng, bức xúc của xã hội, tại sao không bỏ đi? Đây là những suy nghĩ của các học sinh vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2010 – 2011.


Thí sinh trước giờ thi tốt nghiệp. Ảnh: Văn Chung

Chu Thị Thùy Dương, Học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội: Nhà tuyển dụng không quan tâm bạn tốt nghiệp THPT khá hay giỏi


Bằng tốt nghiệp THPT đối với học sinh là điều cần thiết tối thiểu. Nhà tuyển dụng không mấy người quan tâm bạn đỗ tốt nghiệp cấp III loại khá hay giỏi. Và đâu có ai yêu cầu bạn phải có giấy tờ đó. Cái họ cần là tấm bằng ĐH của bạn.


Kì thi tốt nghiệp THPT không đánh giá được kiến thức toàn diện của học sinh vì chỉ hỏi được 6 môn, lượng kiến thức chủ yếu lớp 12.


Lại nữa, khi những câu chuyện bài chấm lỏng tay, đề thi ngày càng dễ hơn, đâu đó là chuyện kỉ luật phòng thi không được xiết chặt thực sự khiến xã hội có lí do để lo lắng về chất lượng thực, con số thực của kì thi này.


Với học sinh lớp 12 chuẩn bị thi ĐH-CĐ, thi tốt nghiệp THPT nếu có chăng thì có thể là bước chạy đà nhẹ nhàng ở các môn thi ĐH nhưng không giúp ích được nhiều để các bạn “nóng máy” hơn.


Một kì thi tốt nghiệp với quá nhiều “câu hỏi” như thế là không cần thiết. Nhà trường, giáo viên qua 3 năm học cấp III cũng có thể đánh giá được khả năng học của học sinh. Từ đây có thể căn cứ mà xem xét cấp cho học sinh một loại giấy tờ chứng nhận kiểu như “đã hoàn thành chương trình học” là được rồi.


Trần Minh Trang, Học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú – Kim Liên, Hà Nội: Bớt thi cử để bớt gánh nặng, giảm sự phân tán vào các môn học


Dù mọi người không đặt nặng áp lực phải đỗ tốt nghiệp điểm cao nhưng cũng không thể coi thường, bê trễ việc học các môn ngoài khối mình lựa chọn thi ĐH-CĐ. Tức là bạn vẫn phải dành thời gian để học, củng cố kiến thức, căng mình trước kì thi này.


Áp lực thi cử với học sinh thì quá nhiều mà kì thi này thực sự không quan trọng, thậm chí “dễ xơi tái” sao mình không giảm đi để học sinh dành thời gian cho việc ôn thi ĐH-CĐ. Ai cũng biết, cũng hiểu chuyện nơi này coi ngặt, nơi kia làm lỏng, chuyện bài thi được các thầy cô nhẹ nhàng, nới tay để học sinh có thể vượt qua kì thi. Vậy sao không bỏ?


Nguyễn Hoàng Sơn, Học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội: Gộp thi tốt nghiệp và ĐH-CĐ để tránh tiêu cực


Không mấy phụ huynh, học sinh lo lắng cho kì thi này. Dù điểm em thấp, bố mẹ không xem đó là thước đo khả năng của con cái và cũng thông cảm với bọn em.


Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa mình được chủ quan. Điều gì cũng có thể xảy ra, kể cả trượt tốt nghiệp nếu mình lơ là, chểnh mảng.


Biết rằng kì thi tốt nghiệp câu hỏi chủ yếu trong lớp 12 nhưng để làm được cần có sự liên hệ, vận dụng các kiến thức đã được học từ trước đó. Điều đó chứng tỏ kì thi phần nào vẫn còn tác dụng với người học.


Em ủng hộ ý tưởng gộp 2 kì thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ vào làm một. Chúng ta vẫn thi các môn nhưng điểm xét đỗ tốt nghiệp ĐH-CĐ và tốt nghiệp THPT sẽ có sự lựa chọn, phân loại. Như thế với những người không chọn vào ĐH-CĐ, kiếm lấy tấm bằng cử nhân thì các bạn vẫn có “tấm giấy thông hành” cần thiết trong đường đời của mình.


Tất nhiên, muốn làm được tốt chúng ta cần phải nghiên cứu kĩ, tính đến các tình huống, khả năng có thể xảy ra nhất là chuyện ra đề sao cho phù hợp.


Làm được điều này, theo em sẽ giảm áp lực học hành cho người học một kì thi. Và có lẽ những câu chuyện khiến xã hội buồn lòng như các con số đỗ tốt nghiệp trong mơ, chuyện nơi này nơi kia có gian lận, “giúp đỡ” học sinh sẽ giảm đi (?!)

  • Văn Chung (ghi)