- Không chỉ là những thí sinh xuất sắc nhất đường lên đỉnh Olympia, 4 nhà leo núi vòng chung kết còn là những học sinh dẫn đầu của trường mình trong kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, Bạch Nhật và Bảo Lộc phải nhận bằng trung bình vì điểm văn thấp.



Khán giả cổ vũ cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia". Ảnh: Văn Chung

Cả 4 bạn đều vượt vũ môn với số điểm cao: quán quân Phạm Thị Ngọc Oanh đạt 52 điểm, á quân Thái Ngọc Huy 52,5 điểm, Lê Bảo Lộc 51 điểm và Vũ Bạch Nhật 50 điểm.

Bảo Lộc tâm sự: “Chúng em bước vào kỳ thi tốt nghiệp rất nhẹ nhàng, thoải mái và không phải dành thời gian quá nhiều để ôn tập vì kiến thức đã được chuẩn bị trong cả quá trình học.”

Trong trường, cả 4 nhà leo núi đều nổi tiếng học đều tất cả các môn. Dù các môn tự nhiên mới là điểm nhấn tập trung để thi ĐH nhưng với các môn xã hội, các bạn cũng không hề lơ là.

Thế nhưng, áp lực của những môn xã hội là Ngữ văn và Địa lý vẫn không tránh khỏi. Vì sở trường của 4 nhà leo núi này là các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ.

Đối với những môn này, mỗi bạn đều 'gặt" ít nhất 1 điểm 10, Lê Bảo Lộc còn xuất sắc giành được 3 điểm 10 ở cả 3 môn Toán, Vật Lý và Sinh học.

Nhưng môn Ngữ văn thì ngược lại. Trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp, mặc dù đã dành thời gian ôn luyện nhưng cả 4 bạn đều có chút căng thẳng với hai môn xã hội. Kết quả,  với môn Ngữ văn, 3 nhà leo núi phải nhận điểm trung bình 5 và 6.

Ngay cả quán quân chăm chỉ đọc sách và thích lôi các bạn nam vào cuộc tranh luận về các vấn đề xã hội là Ngọc Oanh cũng dừng lại với điểm 7 ở môn này. Nhưng thật may mắn vì điểm này vẫn đảm bảo cho Oanh đạt loại giỏi.

Còn Bạch Nhật và Bảo Lộc phải chịu nhận bằng tốt nghiệp trung bình chỉ vì riêng môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp, hai bạn bạn chỉ được 5 và 5,5 điểm.

Ngọc Huy cũng nhận bằng khá với điểm 6 môn này. Theo quy định hiện hành về xếp loại tốt nghiệp, thành tích loại giỏi của Nhật và Lộc trong 3 năm học cũng không “cứu” được bằng tốt nghiệp trên trung bình.

 Nhật tâm sự: “Em không nhớ mình đã làm như thế nào nhưng khi so với đáp án, em thấy mình cũng không lệch nhiều lắm. Em đã không nghĩ mình chỉ được 5 điểm đâu".

Còn Bảo Lộc lo lắng: “Sau này em muốn được đi du học. Em băn khoăn không biết bằng tốt nghiệp trung bình có ảnh hưởng gì đến việc đi du học hay không.”

Nêu ý kiến về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng: "Ai nghĩ rằng thi mà kiểm tra được chất lượng giáo dục thì người đó hoàn toàn nhầm. Việc học của các em là quá trình trong suốt 12 năm, làm sao chỉ thi ba, bốn ngày mà phản ánh đúng được. Thi thì có thể gian dối chứ 12 năm học thì không thể. Chi bằng, ta cứ chăm chút cho suốt 12 năm đó để kết thúc quá trình học thì trình độ của người học là một kết quả tất yếu.”

  • Nguyễn Hường