-Đến thời điểm bình chọn học sinh nổi trội theo Thông tư 30, thầy cô cứ muốn “tẩu hỏa nhập ma” với bao tiêu chí “hiểu như thế nào cũng được”.

Ngay ở học kỳ 1, để bình xét danh hiệu học sinh được khen thưởng đã có biết bao cuộc họp định kỳ, họp khẩn, để mang Thông tư 30 ra đọc, rồi mổ xẻ, tranh cãi mãi, cuối cùng mỗi trường cũng đi đến cách làm thống nhất riêng cho từng trường của mình. Trường quyết định khen trên 50% học sinh của mỗi lớp, trường khen 70%, có trường con số vượt ngưỡng 90% nhưng đặc biệt có trường chỉ hơn 20%. Một quy định của Thông tư vì sao lại có sự lệch lạc về chỉ tiêu khen thưởng như thế?

Cùng đọc kĩ Thông tư 30: ““Cuối học kì 1 và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng”.

{keywords}
Ảnh Văn Chung

Quy định rõ là thế, nhưng mỗi trường lại có cách hiểu và cách làm khác nhau. 

Ba nội dung đánh giá mà Thông tư 30 nêu gồm: Học tập, phẩm chất và năng lực. Học sinh sẽ được khen thưởng gồm những thành tích như: Đạt thành tích nổi trội về học tập (ngầm hiểu như học sinh xuất sắc trước đây), đạt thành tích về môn tiếng Việt, môn Toán, Anh văn, Tin học, Mỹ thuật…hay khen thưởng về mặt phẩm chất mà tiêu chí ở Thông tư 30 đưa ra cũng rất khó xác định sao cho chuẩn xác. 

Ví dụ: …chăm làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ, tích cực tham gia các hoạt động thể thao ở trường, ở địa phương…hay học sinh phải biết tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, yêu gia đình, bạn bè…Khen về mặt năng lực như tự phục vụ, tự quản, giao tiếp hợp tác, tự học và giải quyết vấn đề…

Những tiêu chí này hiểu thế nào mà chẳng được. Một số thầy cô giáo lại quan niệm: “Lớp có nhiều học sinh được khen thưởng là giáo viên đó dạy giỏi”. 

Vì thế, họ đua nhau bình chọn cho lớp mình thật nhiều. Nếu không được khen về học tập cũng đủ điều kiện khen về phẩm chất, về năng lực hay khen về một môn học nào đó. Giáo viên thường đùa nhau, muốn khen về phẩm chất hay năng lực bao nhiêu mà chẳng được bởi “cái này có trời cũng không kiểm tra nổi”. 

Nhiều giáo viên khi xét học sinh được khen, đã căn cứ vào vài con điểm các em vừa kiểm tra cuối kỳ. Mặc dù Thông tư 30 nhấn mạnh, con điểm chỉ có tính tham khảo. Có em kiểm tra được 10 điểm tiếng Việt, tiếng Anh, Toán… là được xét: Đạt thành tích về môn tiếng Việt, Toán, tiếng Anh. …

Với cách khen như thế này, có lớp 32 học sinh nhưng khen tới 28 em, lớp ít nhất cũng mười mấy em. Nếu so với việc căn cứ điểm như mọi năm thì việc khen theo Thông tư 30 mới ở các trường hiện nay dễ đạt hơn nhiều. Nếu về học tập các em học còn yếu thì sẽ được khen về mảng phẩm chất hay năng lực…

Cách bình chọn khen thưởng quy định còn nhiều bất cập.

Thông tư 30 có quy định bình chọn học sinh được khen thưởng phải “…tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh…”. Những người soạn Thông tư chắc không thể hiểu nổi phụ huynh các vùng quê, đặc biệt là những vùng kinh tế người dân còn nghèo khổ, khó khăn. Cha mẹ miệt mài lo cái ăn cái mặc hàng ngày, nhiều gia đình đẩy con vào trường là hết trách nhiệm. Nhiều khi con cái họ hư, phạm lỗi nhưng giáo viên liên hệ hoài cũng khó mà gặp được. Nhiều người con học gần hết năm còn chưa biết con mình học ở lớp nào, thầy giáo hay cô giáo làm chủ nhiệm…Chưa nói đến nhiều phụ huynh lại có tâm lý thích con được khen nên khi giáo viên hỏi ý kiến tham khảo cũng chẳng thu được kết quả gì thực chất.

Phụ huynh thì thế, còn học sinh tham gia bình chọn nhau ư? Với lứa tuổi lên 6, lên 7 biết gì mà bình chọn. Hôm nay bạn cho mượn cây bút, cho ăn chung cái bánh hay cho copy bài...thì khen bạn rằng tốt.

Chẳng thế mà có giáo viên không thể nhịn được cười trong buổi bình chọn học sinh nổi trội ở khối lớp 1, 2. Có em giơ tay lên nói: “Con bình chọn cho bạn Mai vì bạn Mai hay cho con ăn bánh, bạn chỉ bài cho con làm, bạn còn cho con mượn bút nữa...”. 

Hay “Bạn Hùng không tốt với con, bạn làm bài tập mà cứ che hoài không cho con nhìn thấy”...Thế rồi cả lớp thi nhau bình chọn học sinh có thành tích học tập nổi trội, có năng lực phẩm chất tốt...với cách nhìn nhận của các em trẻ thơ như thế nên danh sách được các em đề cử có cả những học sinh có học lực chỉ trung bình, hay vi phạm nội quy trường lớp.

Thông tư 30 còn nêu rõ: “…Số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định”. Vậy là Ban giám hiệu một số trường hiện nay lý giải: “Mấy năm nay tỉ lệ học sinh khá giỏi được khen thưởng hơn 90% số học sinh cả lớp, nay chỉ khen vài em, sợ phụ huynh sốc rồi thắc mắc”. Một số hiệu trưởng khác cũng muốn trường mình tỉ lệ học sinh được khen thưởng cao để “chau chuốt cho các báo cáo” nên cũng “phóng tay” trong việc bình xét. Thế là “loạn” học sinh nổi trội. Điều này đã gây khó khăn không ít cho công tác khuyến học ở các địa phương bởi quá nhiều giấy khen với quá nhiều nội dung khen thưởng nên không biết phải chọn lựa thế nào cho xứng đáng.

Nếu như trước đây còn có điểm số để mọi người phúc tra hay lấy làm căn cứ khen thưởng thì nay với việc khen thưởng như Thông tư 30 quy định chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào lương tâm của những thầy cô giáo. Không phải ai làm thầy cũng công bằng, công tâm với học trò. Nên tình trạng học sinh bị “mất khen” hoặc “khen nhầm” vẫn còn xảy ra.

Thiết nghĩ, đổi mới cách đánh giá học sinh cũng cần phải đổi mới từ khâu khen thưởng. Để những tờ giấy khen người trao cảm thấy vui và người nhận cảm thấy hãnh diện, vinh dự và hạnh phúc.

Ông Hà Huy Giáp, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT Bắc Giang):

Tỉ lệ học sinh được khen thưởng bao nhiêu do quan điểm từng trường. Thầy cô theo dõi quá trình học sinh lớp mình mà đánh giá, không có quy định cụ thể, cứng nhắc là bao nhiêu % được.

Điều này cũng phụ thuộc trách nhiệm của giáo viên. Hai năm nay, Sở GD-ĐT Bắc Giang không lấy tỉ lệ học sinh được khen thưởng cuối kỳ, cuối năm làm thành tích đánh giá nhà trường, giáo viên để thầy cô thoải mái. Cái chúng tôi đánh giá là đến lớp xem tình hình, năng lực tiếp thu học tập của học sinh ra sao.

Về vấn đề học sinh lớp 1 có thể bình bầu, đánh giá cho nhau cũng là điểm tiến bộ. Tuy nhiên đối với thầy cô phải tổ chức nhiều hoạt động, trải nghiệm, thực hành ngoại khóa để các em dạn dày, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Ở lứa tuổi này, thầy cô đóng vai trò quan trọng trong định hướng cho các em thế nào là tốt, chưa tốt từ đó hình thành nhận thức cho các em. Có như vậy thì cuối kỳ, cuối năm khi làm bình bầu các em mới có thể dựa trên những điều đó để nhận xét về bạn được.

Còn chuyện khen thưởng dựa trên năng lực, phẩm chất, rõ ràng trước đây nhận xét dựa trên kiến thức, bảng điểm của các em thì dễ. Nay nếu thầy cô muốn nhận xét mà chỉ dựa vào tiết hay trên lớp thì rất khó. Năng lực phẩm chất mà không thông qua các hoạt động, trải nghiệm thì làm sao trò thể hiện được.

Văn Chung (Ghi)

  • Khánh Ngọc

TIN BÀI LIÊN QUAN: