Sáng 11/3, lãnh đạo Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM giải thích với báo chí về việc sa thải hàng loạt giảng viên.

Giải thích với báo chi có bà Tạ Thị Kiều An, phó hiệu trưởng thường trực, ông Bùi Trúc Lam thư kí HĐQT, ông Mạch Trần Huy, phó phòng tổ chức pháp chế.

Bà Tạ Thị Kiều An cho biết trước khi quyết định cho toàn bộ giảng viên nghỉ việc trường đã gửi báo cáo lên UBND TP.HCM, liên đoàn lao động TP.HCM. Theo đó, sẽ chuyển toàn bộ nhân sự qua công ty cổ phần đầu tư phát triển Trường ĐH Hùng Vương. Trong trường hợp cá nhân nào không muốn chuyển qua công ty trường chấm dứt hợp đồng và chi trả các khoản theo luật.

{keywords}
Lãnh đạo Trường ĐH Hùng Vương giải thích về việc sa thải hàng loạt giảng viên

Vì vậy, trong ba ngày 21, 22, 23/12/2015 trường mời tất cả giảng viên lên thông tin và lắng nghe ý kiến. Tại thời điểm trong 105 người, có 79 người ủng hộ thỏa thuận còn lại một số người không có ý kiến, một số không tham dự.

Từ ngày 25-27/1 trường mời toàn bộ giảng viên lên kí hợp đồng thỏa thuận. Hiện tại, những người này đã nhận trợ cấp theo luật lao động. Trong đó giảng viên cao tuổi nhất được 178 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Mạch Trần Huy cho biết về 79 người đồng ý thỏa thuận phía liên đoàn lao động TP.HCM không can thiệp vì đó là quan hệ dân sự của hai bên.  Đối với 25 người trong độ tuổi lao động không đồng ý phía liên đoàn cũng quan tâm nhưng nhà trường trả lời đơn phương chấm dứt theo điều 38 Bộ luật lao động. Riêng trường hợp chủ tịch công đoàn trường trước khi đơn phương chấm dứt đã họp BCH công đoàn, sau đó báo cáo lên Sở Lao động TP.HCM.

Đối với trường hợp ông Nguyễn Mộng Giao, theo bà An ông Giao là PGS.TS Vật lý, phó hiệu trưởng, hiện nay đã 72 tuổi nhưng trên thực tế ông Giao không đứng một tên ngành đào tạo nào.

Theo điều lệ trường đại học, PGS.TS được kéo dài tuổi lao động tới 75 tuổi nhưng không bắt buộc trường phải sử dụng tới 75 tuổi. Ông Giao thuộc người lao động cao tuổi. Về mặt lý, trường có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với ông Giao vì trước đó ông đã nhiều lần tung thông tin không tốt về trường, về HĐQT. Tuy nhiên, trường rất có thiện chí nên trong thời gian chưa đầy 6 tháng qua đã chi ba lần chi ngân sách để ông Giao ra Hà Nội gặp trực tiếp với ông Đặng Thành Tâm giải quyết sự việc” – bà An cho biết.

Bà An cũng cho biết thêm việc cho giảng viên nghỉ việc là tình thế bắt buộc.

“Bốn năm nay trường không được tuyển sinh. Đội ngũ cán bộ giảng viên từ phục vụ 10.000 sinh viên vào năm 2012, đến nay, vẫn đội ngũ này phục vụ 50 sinh viên. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, 50 sinh viên chỉ cần 2 giảng viên. Nhiều giảng viên ngồi chơi hai ba năm nay vẫn được nhận lương, thưởng đầy đủ. Đến cuối thời điểm năm 2015 vừa rồi trường lỗ hơn 50 tỷ cộng với 12,7 tỷ bị phạt về việc chuyển đổi” – bà An nhấn mạnh.

Về việc giải quyết quyền lợi sinh viên bà An cho biết, hiện tại trường 50 sinh viên, có 9 sinh viên hệ chính quy sẽ tốt nghiệp trong tháng 3 này, 41 sinh viên hệ vừa học vừa làm. Theo kế hoạch việc chấm dứt lao động với giảng viên là ngày 5/4 nên sinh viên chính quy không vấn đề gì. Ngoài ra, trong tháng 3 này nhà trường sẽ xây dựng một đội ngũ mới đảm bảo cho 41 sinh viên còn lại.

Trước thắc mắc 79 giảng viên kí thỏa thuận chuyển qua công ty cổ phần đầu tư phát triển ĐH Hùng Vương sẽ làm gì, ông Mạch Trần Huy cho biết những người này kí thỏa thuận chuyển qua công ty với hình thức là để công ty trả lương, còn làm việc với nhà trường.

“Sở dĩ nhà trường kí thỏa thuận vì muốn giữ lại đội ngũ này khi được tuyển sinh trở lại. Tất nhiên, hiện tại trường không có việc làm nên họ không phải làm gì nhưng công ty vẫn trả lương đầy đủ”- ông Huy nói

Bà Tạ Thị Kiều An bày tỏ mong muốn ĐH Hùng Vương được hoạt động trở lại vì đã chuẩn bị mọi điều kiện khi đề cập về tương lai ĐH Hùng Vương.

“Chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền như Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM hướng dẫn, hỗ trợ nhà trường tiến hành đại hội cổ đông đúng, để bầu hội đồng quản trị mới. Nếu được đại hội cổ đông, HĐQT bầu được hiệu trưởng mới được pháp luật công nhận mới giải quyết toàn bộ sự việc. Vì hiện tại HĐQT cũ có 10 người nhưng 3 người không đi họp, vì vậy trường làm gì đều không đúng quy định nên không được công nhận.

Ông Bùi Trúc Lam thư kí HĐQT cũng cho biết thêm hiện nay có 5 cổ đông lớn đã chuẩn bị đầy đủ 250 tỷ và 5ha đất. Chúng tôi mong muốn được hướng dẫn, hỗ trợ để tái cấu trúc lại Trường ĐH Hùng Vương.

Ngày 7/3/2012 Trường ĐH Hùng Vương bị ngưng tuyển sinh với lý do mất đoàn kết.  4 năm không được tuyển sinh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài chính của trường.

Về thu, năm 2012 có 5.214 sinh viên tương ứng với nguồn thu 43,025 tỷ; năm 2013-2014 còn lại 3483  sinh viên tương ứng với nguồn thu 29,320 tỷ; năm 2014-2015 còn lại 1158 sinh viên tương ứng với nguồn thu 12,672 tỷ; năm 2015- 4/2016 còn lại 50 sinh viên tương ứng với nguồn thu 325.000.000 đồng. Trong đó tổng thu học phí từ 2012-4/2016 là 85,343 tỷ.

Về chi, trong 4 năm từ 2012 đến nay là 147,008 tỷ đồng, mỗi tháng chi trung bình 3,062 tỷ nên khoản lãi/lỗ là 61,665 tỷ; thâm hụt tài chính 50,298 tỷ. Ngoài ra trường bị truy thu thuế do sai phạm phải nộp phạt 12,7 tỷ.  (Trích báo cáo của Trường ĐH Hùng Vương gửi Bộ GD-ĐT và UBND TP.HCM)

  • Lê Huyền

XEM THÊM: