- Nêu nhận định sự đầu tư của nhà nước và nhân dân cho giáo dục hôm nay "tăng chưa từng có trong lịch sử", báo Thanh Niên đặt ra những thách thức với Bộ trưởng GD - ĐT. Trong khi đó, báo Tuổi Trẻ đăng tải phóng sự ảnh khá ấn tượng về người mẹ trèo dừa , vừa chăm chồng mất sức, lo lắng cho mẹ chồng lớn tuổi, lại vừa trèo dừa, có khi lại làm phụ hồ kiếm tiền nuôi hai con học đại học.
Đặt hàng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Trang thông tin Chính trị - Xã hội của báo Thanh Niên hôm nay dành dung lượng lớn cho bài viết "Thách thức người kế nhiệm Bộ GD-ĐT" nhân mùa Quốc hội đang vào dịp bầu chọn nhân sự.
Bài báo ghi nhận ý kiến của một số nhà giáo đánh giá cao về mức đầu tư cho GD-ĐT những năm gần đây. GS Phạm Minh Hạc so sánh, thời ông làm Bộ trưởng chỉ có khoảng 5% ngân sách chi cho giáo dục mà đến năm 2008 đã được 20% và cứ tăng dần từ đó đến nay. Còn GS Hoàng Tụy nhận định sự đầu tư của Nhà nước và nhân dân "tăng chưa từng có trong lịch sử".
Nhìn nhận những chuyển biến tích cực như một số đổi mới trong chương trình phân ban của THPT, trong xây dựng quy chế đào tạo tiến sĩ, quy chế công nhận các chức danh GS, PGS; đổi mới thi cử... nhưng theo GS Hoàng Tụy thì "những tiến bộ ấy chỉ mới ở ngoại biên, chưa động tới chiều sâu các vấn đề cốt lõi. Do sức ỳ của bộ máy quá lớn nên những thay đổi mới chỉ nửa vời, chậm chạp và còn xa yêu cầu".
|
Khi nhậm chức, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giãi bày ông không có ý định "tạo dấu ấn" mà cố gắng làm tiếp những công việc đang đặt ra của giáo dục. Ảnh: Hương Giang |
Ra đời năm 2006 nhưng đến giờ, niềm hy vọng về "hai không" đã nguội lạnh". Còn "ý tưởng đến năm 2010, sống được bằng lương", nhà báo Tuệ Nguyễn ghi nhận ý kiến từ nhiều nhà giáo: Ở một nước mà nhiều thứ được quy ra vàng như Việt Nam thì mức lương năm 2006 (lúc giá vàng 1,1 triệu đồng/chỉ) đến năm 2011 (khi vàng lên tới ngưỡng gần 4 triệu đồng/chỉ) là… thụt lùi. So với mức tăng giá thịt cá, xăng dầu, mắm muối… những thực phẩm thiết yếu hằng ngày, thì mức tăng lương giáo viên cũng chưa thấm vào đâu.
Các đại biểu Quốc hội và cử tri được báo phỏng vấn đã đặt hàng với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: giảm tải chương trình, đổi mới thi cử và lo đủ chỗ học cho người dân.
Người mẹ trèo dừa nuôi 2 con học đại học
Trang Phóng sự - Ký sự của báo Tuổi Trẻ hôm nay đăng tải phóng sự ảnh
khá ấn tượng về "người mẹ trèo dừa", vừa chăm chồng mất sức, lo lắng cho mẹ
chồng lớn tuổi, lại vừa trèo dừa, có khi lại làm phụ hồ kiếm tiền nuôi hai con
học đại học (ĐH Nông lâm và ĐH Kinh tế TP.HCM).
Khi tác giả đến thôn Song Khánh, xã Hoài Xuân (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) tìm chị Võ Thị Thơm thì được hàng xóm trả lời: “Bà ấy sống trên đọt cây chứ ở dưới đất đâu mà hỏi”!
Phóng sự ghi lại những khoảnh khắc trèo dừa, đèo dừa đi bán, tự tay sửa xe đạp
và cả mảnh ruộng chị Thơm từng cầm cố cách đây 10 năm lấy tiền đưa con học ĐH,
nay đã chuộc lại được từ tiền bán dừa.
|
Để chụp được bức ảnh này, tác giả Trường Đăng phải trèo lên một cây dừa cạnh đó một cách rất vất
vả, trong khi mỗi ngày chị trèo khoảng 20 cây. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Một cán bộ có dấu hiệu ăn chặn tiền thưởng
UBND huyện Bắc Bình (tỉnh Ninh Thuận) đang làm rõ vụ việc nguyên một cán bộ của Phòng GD-ĐT có hành vi ăn chặn tiền thưởng huy chương và giấu giấy chứng nhận huy chương Vì sự nghiệp giáo dục năm 2008 của 49 giáo viên (số tiền kèm là 200.000 đồng/người). Theo thông tin trên báo Lao Động, cán bộ này từng làm Trưởng Công đoàn ngành giáo dục huyện, sau đó làm hiệu trưởng một trường tiểu học cho đến nay.
Lần đầu tiên có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực
ĐIỂM BÁO |
Mục tiêu của quy hoạch là trong 10 năm tới sẽ có khoảng 30,5 triệu lao động qua đào tạo.
Dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nhân lực ước tính khoảng 2.135.000 tỷ đồng, chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Cũng theo quy hoạch này, dự kiến mạng lưới trường ĐH, CĐ vào năm 2020 sẽ có tổng cộng 573 trường, trong đó 259 trường ĐH và 314 trường CĐ; trong giai đoạn 2011-2015 sẽ thành lập thêm 158 trường (70 trường ĐH và 88 trường CĐ).
Xây ký túc xá cho sinh viên chậm
Ngoài việc cung cấp thông tin phục vụ cho các sĩ tử thi ĐH năm nay đang dồn dập (kết quả điểm thi, dự kiến điểm chuẩn, giới thiệu các gương thủ khoa), có một thông tin đáng lưu ý khác liên quan sát sườn đến đời sống sinh viên: Trong báo cáo mới đây của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), một số dự án nhà ở sinh viên còn chậm so với yêu cầu.
Đó là: KTX tập trung tại ĐH Quốc gia TP.HCM, KTX Học viện Chính trị - Hành
chính Quốc gia Hồ Chí Minh tại Hà Nội, KTX ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Ngoại thương
Hà Nội, KTX cụm trường tại TP Cao Lãnh, Đồng Tháp; KTX cụm trường TP Long Xuyên
và KTX ĐH An Giang tỉnh An Giang...
Báo Pháp luật TP.HCM thông tin cụ thể, trong hơn 250 khối nhà ở sinh viên
được khởi công, cho đến nay đã có trên 150 khối nhà được hoàn thành đưa vào sử
dụng, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 125.000 sinh viên. Dự kiến cuối năm nay sẽ có
thêm 100 khối nhà hoàn thành và đưa vào sử dụng, đa số là các khối từ chín tầng
trở lên, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 220.000 sinh viên.
- Vân Phong (tổng hợp)