- “Thôi đừng cãi nhau về triết lý giáo dục nữa...Trên thế giới, trong lịch sử nhân loại, chỉ một vài người có khả năng tư duy và tư tưởng kiệt xuất mới có thể đưa ra được một triết lý giáo dục.”- TS Phạm Anh Tuấn, dịch giả tác phẩm "Dân chủ và giáo dục" nhấn mạnh.

GS Chu Hảo tại buổi giới thiệu cuốn sách ngày 28/10
Những mái đầu bạc trắng theo cải cách giáo dục
 
Có thể gặp được ở buổi giới thiệu cuốn sách “Dân chủ và giáo dục” của triết gia thực dụng luận và nhà giáo dục người Mỹ lừng danh John Dewey (NBX Tri thức) gương mặt quen thuộc của các nhà khoa học lâu nay kiên trì với ý tưởng đổi mới giáo dục như GS Vũ Thế Khôi, GS Chu Hảo, GS Phạm Khiêm Ích, nhà giáo Phạm Toàn và các thành viên nhóm Cánh Buồm, …Hầu hết các giáo sư, mái tóc đã bạc trắng nhưng khi nói về cải cách giáo dục, giọng nói vẫn sang sảng và đầy cảm xúc.

Trong khán phòng chỉ khoảng hơn 30 người có gương mặt của một số bạn trẻ. GS Chu Hảo nhân dịp này điểm danh lại những đề án cải cách giáo dục của các trí thức lớn từng đề xuất.

Mở đầu là seminar “hướng về giáo dục” khởi xướng năm 2004, tập hợp 23 nhà khoa học, giáo dục và văn hóa, hầu hết là Việt kiều ở Mỹ, Pháp, Nhật, Bỉ, Úc…do GS Hoàng Tụy đứng đầu.

Năm 2005, đề án do GS Chu Hảo và NXB Tri thức tổ chức nghiên cứu trong một năm, với 18 chuyên đề giáo dục và 4 trang kiến nghị được viết bởi những nhà khoa học đầu ngành.  GS Nguyễn Kế Hào phụ trách phần giáo dục tiểu học, giáo dục trung học là GS Hoàng Duyên Hải, GD dạy nghề là GS Phạm Danh Ánh, GD đại học là GS Nguyễn Xuân Hãn.

Kiến nghị thứ 3 là của một nhóm các nhà khoa học Việt Kiều, đứng đầu là các trí thức nổi tiếng Vũ Quang Việt, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Ngọc Giao… được sự khuyến khích và chỉ đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Vào những năm 2007-2009, nhóm của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, lãnh đạo cũ của ngành giáo dục cũng đã đề nghị một chương trình cải cách.

Cho đến năm 2009, một bản kiến nghị với tinh thần canh tân giáo dục của GS Hoàng Tụy và một nhóm trí thức lại tiếp tục gửi lên quốc hội, chính phủ.

Nhưng, sự rộn ràng của những kiến nghị cải cách giáo dục này được GS Chu Hảo kết luận bằng một thông tin khiến người nghe thở dài:

“Chỉ có Bộ GD-ĐT được phép nghiên cứu triết lý giáo dục thôi, chỉ mỗi Bộ mới được phép nghiên cứu SGK thôi. Chính điều ấy làm tiêu diệt khả năng sáng tạo của rất nhiều tầng lớp, bỏ phí nguồn chất xám của xã hội" - Phạm Anh Tuấn, dịch giả "Dân chủ và giáo dục"
“Cho đến bây giờ, không có một trả lời nào của cấp cao nhất lẫn Bộ GD-ĐT. Bộ GD không bao giờ đối thoại với chúng tôi, không bao giờ trả lời, không bao giờ tranh luận.”

Ngần ấy đề án giáo dục đã rơi vào sự thờ ơ, theo GS Vũ Thế Khôi, bởi vì "chưa bao giờ có một cuộc cải cách thực sự".

Nếu tiếp tục như thế, những cố gắng của GS Hồ Ngọc Đại suốt 30 năm qua hay của nhóm Cánh Buồm trong những năm gần đây sẽ mãi mãi là những thử nghiệm, những tài liệu để tham khảo mà thôi.

Điều ấy đồng nghĩa với độc quyền trong khoa học giáo dục, điều mà TS Phạm Anh Tuấn, người dịch John Dewey ra tiếng Việt chia sẻ trong bức xúc:

“Chỉ có Bộ GD-ĐT được phép nghiên cứu triết lý giáo dục thôi, chỉ mỗi Bộ mới được phép nghiên cứu SGK thôi. Chính điều ấy làm tiêu diệt khả năng sáng tạo của rất nhiều tầng lớp, bỏ phí nguồn chất xám của xã hội.”

GS Phạm Khiêm Ích: "Chúng ta đã hiểu về John Dewey và thế giới quá lạc hậu"

"Thôi đừng cãi nhau về triết lý giáo dục nữa"

Câu chuyện về Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu được chia sẻ trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang loay hoay đi tìm triết lý giáo dục.

Ông đã nói: “Nếu Singapore đối mặt với vấn đề nào đó thì chắc chắn ở đâu đó trên trái đất này, người ta đã từng đối mặt với vấn đề tương tự. Tôi sẽ tìm đến họ và hỏi kinh nghiệm là gì. Nhưng tôi sẽ không áp dụng nó một cách máy móc mà sẽ mang kinh nghiệm đó về Singapore và sẽ phải sửa nó như thế nào để phù hợp với hoàn cảnh của Singapore.”

“Thôi đừng cãi nhau về triết lý giáo dục nữa. Chúng ta đang bỏ rất nhiều tiền của, thời gian để nghiên cứu triết lý giáo dục nhưng liệu có mang lại hiệu quả gì không? Thực ra, trên thế giới, trong lịch sử nhân loại, chỉ một vài người có khả năng tư duy và tư tưởng kiệt xuất mới có thể đưa ra được một triết lý giáo dục.”- TS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

“Trong khi đó, những tư tưởng lừng danh như triết lý giáo dục của John Dewey, với “Dân chủ và Giáo dục” là biên bản đánh dấu cuộc chia tay vĩnh viễn với nhà trường cổ truyền, suốt 100 năm qua vẫn tiếp tục được học hỏi và phát triển ở hầu hết các nhà trường phổ thông hiện đại trên thế giới, không biết những người đứng mũi chịu sào của ngành giáo dục đã từng quan tâm nghiên cứu hay chưa?

Tôi sợ rằng họ không có thời gian, không có thói quen đọc sách hoặc không đủ năng lực về triết học để có thể đánh giá đúng về nó. Nên những cuốn sách như thế này không đến được tay những người đáng ra cần phải đọc nhất” -  Một cán bộ từng công tác nhiều năm ở Bộ GD-ĐT và các tổ chức phi chính phủ thể hiện sự tiếc nuối.

Số báo Thanh Nghị giới thiệu về John Dewey của cụ Vũ Đình Hòe

Thực tế, tư tưởng triết học của John Dewey không có gì xa lạ với các nhà khoa học giáo dục Việt Nam.

GS Vũ Thế Khôi cho biết, ngay từ năm 1941, cụ thân sinh ra ông là GS Vũ Đình Hòe đã viết bài giới thiệu về John Dewey trên tờ báo nổi tiếng của giới trí thức lúc bây giờ là tờ Thanh Nghị, bằng những nhận xét hết sức xác đáng với tiêu đề: “Một lối dạy hóa theo cá tính”, nhấn mạnh ý tưởng “đưa nhà trường sát nhập vào hoàn cảnh xã hôi”, tạo cho trẻ thơ niềm vui thích khi đến trường.

John Dewey bị hiểu sai ngay trong chính “Từ điển Bách khoa Việt Nam” tập 1, Hà Nội, 1995 trang 82 vì thói quen làm khoa học một cách “lôm côm” của những người biên soạn được GS Phạm Khiêm Ích chỉ ra. Ông gọi đó là một cách hiểu “vô cùng lạc hậu” về thế giới, về John Dewey.
Điều ấy cũng có nghĩa là, trong thời gian cụ Vũ Đình Hòe làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đề án giáo dục mà cụ và các trí thức đưa ra trình Quốc hội, chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất có thể đã in đậm dấu ấn của tư tưởng John Dewey. Tiếc rằng, vì hoàn cảnh lịch sử, cụ Vũ Đình Hòe không còn tiếp tục cương vị Bộ trưởng Giáo dục, ý tưởng của ông cũng bị bỏ lỡ.

Nhưng đáng lưu tâm là, John Dewey bị hiểu sai ngay trong chính “Từ điển Bách khoa Việt Nam” tập 1, Hà Nội, 1995 trang 82 vì thói quen làm khoa học một cách “lôm côm” của những người biên soạn được GS Phạm Khiêm Ích chỉ ra. Ông gọi đó là một cách hiểu “vô cùng lạc hậu” về thế giới, về John Dewey.

“Các bạn trẻ đừng tiếp tục cách làm khoa học như thế này. Chúng ta phải đầu tư hơn nữa để có một lý luận hiện đại, xuất phát từ chính thực tiễn cuộc sống của đất nước, dân tộc ta trong hiện tại”- Các GS nhắn nhủ những người trẻ trong buổi gặp gỡ.

Nhiều bạn trẻ bắt đầu thể hiện nỗi băn khoăn muốn được tìm hiểu, học hỏi về giáo dục nhưng không có điều kiện để tiếp xúc với những “người già”, giàu kinh nghiệm. Các bạn bộc lộ với các GS và NXB Tri thức một mong muốn: sẵn sàng bắt tay với NXB để tổ chức những buổi gặp gỡ với số lượng đông đảo hơn.


Phát ngôn&Hành động: Tượng đài, đường cong và triết lý giáo dục
Vị trí tượng đài của bà mẹ Việt Nam Anh hùng, câu chuyện "nhầm chỗ" liên quan đến làng giải trí, và cuộc khủng hoảng triết lý giáo dục là những lát cắt trong Phát ngôn & Hành động tuần này.
 
Việt Nam vẫn đang đi tìm triết lý giáo dục?
Trong khuôn khổ một buổi sáng (19/8), các nhà giáo dục mới chạm tới phần khái niệm vốn bị coi là quá rộng lớn và có thể gây tranh luận trái chiều về triết lý giáo dục Việt Nam.