-Trường THPT Yên Hòa sẽ  lắp thêm hệ thống đèn cho sân trường. Trường THPT Nguyễn Siêu chưa có phương án giữ học sinh đến sau 19h. Sáng nay, chị Thắm, Trưởng phòng kinh doanh của một công ty dược hối hả đưa con đến trường rồi đi ngay. Chị Thắm xác định, với việc đổi giờ học như thế này, sẽ phải "đóng thêm ít nhiều”.

HÌNH ẢNH HỌC SINH THPT TỚI TRƯỜNG NGÀY ĐẦU ĐỔI GIỜ HỌC


Đổi giờ học, 'phút 89' vẫn lơ mơ
Hà Nội đổi giờ học từ tháng 2

Phụ huynh đọc thông báo về việc thay đổi lịch học và đón trả con. Ảnh chụp tại Trường Mầm non Yên Hòa (Cầu Giấy).

"Học đến 7h tối thì lả mất"

Sáng nay, 1/2,  tại một số trường như THPT Việt Đức, THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), THPT Yên Hòa (Cầu Giấy)... việc thực hiện đổi giờ học không mấy xáo trộn. 

Tuy thế, không phải trường nào cũng thực hiện được thời gian như lịch học mới.

Trước 7h, tại cổng Trường THPT Nguyễn Tất Thành, THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) cùng thuộc quận Cầu Giấy, vẫn chưa thấy bóng dáng học sinh.

Một chị lao công đang dọn dẹp ở sân trường THPT Chuyên Ngoại ngữ cho biết, hôm nay trường vẫn vào lớp lúc 7h30.

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy) học sinh bắt đầu vào lớp từ 7h10.

Ông Nguyễn Vĩnh Hạnh, Trợ lý Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Siêu phân trần: “Nếu cố gắng, trường chỉ thực hiện được đúng giờ vào buổi sáng. Còn buổi chiều trường chưa có phương án giữ học sinh đến sau 19h”.

Học sinh hối hả đến trường. Ảnh chụp tại Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội).

Ông phân trần: “Suốt 20 năm nay, trường tôi chủ yếu dùng xe bus đưa đón học sinh (gần 80% các em đi xe bus). Trường lại nằm trong ngõ sâu. Thực tình, trường đã góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố.

Học sinh của trường ở nhiều tuyến khác nhau, có em cách trường gần 20km. Nếu học trước 7h có khi các em đã phải dậy từ 4h để đón xe bus”.

Hiện, trường thực hiện học 2 ca chính: sáng từ 7h10 đến 11h45, học sinh nghỉ ăn trưa tại trường, ca chiều từ 13h45 đến 16h30. Theo ông Hạnh: “Các trường công lập không có mô hình bán trú nên thực hiện có thể thuận lợi hơn một chút. Nếu giữ học sinh từ 7h sáng đến 7h tối, cả cô và trò đều vất vả. Cái lo nữa là lo các em đói, học đến lúc đó chắc lả người mất”.

Theo lịch học mới, các trường THPT, TCCN, CĐ, ĐH sẽ bắt đầu giờ học trước 7h và kết thúc sau 19h. Các trường tiểu học, mầm non, THCS bắt đầu học từ 8h và kết thúc 17h.

Ông Hạnh mong muốn được xem xét cho những trường hợp đặc biệt như Trường THPT Nguyễn Siêu, không nên thực hiện một cách cào bằng.

Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng Nguyễn Tùng Lâm cho rằng quy định giờ học mới rất khó thực hiện. "Giờ buổi sáng chúng tôi có thể làm theo nhưng giờ kết thúc buổi chiều phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các em học xong không thể nhốt ở trường để chờ đến giờ ra về".

Cô Thu Anh, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Tất Thành thì chia sẻ cái khó của trường: “Thứ nhất trường nằm trong khuôn viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, muốn thay đổi thì ảnh hưởng tới sinh hoạt của trường ĐH, không làm theo Sở thì bị nhắc nhở.

Hơn nữa, trường có cả khối THCS và THPT, thực hiện thế nào để không bị chồng chéo. Rồi giáo viên phải sắp xếp sao khi có người vẫn phải dạy cả 2 khối?”

Sẽ phải lắp thêm đèn ở sân trường

Tại Trường Mầm Non Yên Hòa (quận Cầu Giấy) thông báo chi tiết về lịch học đã được dán tại cổng trường. Thế nhưng, nhiều phụ huynh cho biết, đến lúc này họ mới nắm được.

7h35, chị Thắm, nhà ở Trung Kính, làm Trưởng phòng kinh doanh của một công ty dược cách trường 7km hối hả đưa con đến trường rồi đi ngay.

Chị nói: “Quy định mới này khiến nhà mình đau đầu. Bởi, mình cầm chìa khóa của phòng làm việc, 8h đã làm, nếu chưa tới thì anh em không vào được, phải kỉ luật...

Gần 7h nhưng cổng trường THPT Nguyễn Siêu vẫn chưa thấy bóng dáng học sinh.

“Cũng may, dù tan lúc 17h nhưng trường vẫn có phương án trông các cháu đến 18h30. Tất nhiên là phụ huynh phải đóng thêm ít nhiều” - lời chị Thắm.

Tại Trường THPT Yên Hòa, học sinh bắt đầu đổ về trường, đông đúc từ 6h20 đến 6h50.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thùy Anh cho biết: “Lối đi vào trường có một khu chợ. Trước đây, vào giờ học của học sinh rất tắc đường. 5 năm nay, trường đã đổi lịch học lên 7h, tránh xung đột với giờ sinh hoạt của chợ. Do đó, giao thông đã không bị ùn tắc”.

Buổi sáng thì không có gì để phàn nàn nhưng buổi chiều thực sự khó khăn với nhà trường. Theo bà Thùy Anh: “Lịch học của học sinh đã lùi từ 13h15 lên 15h15 để tan đúng 19h15.

"Cái khó là toàn bộ sân trường cần ánh sáng, cả khu để xe của học sinh cũng vậy. Trong ngày hôm nay, trường sẽ thuê người đến lắp thêm hệ thống đèn cho sân trường" - bà Thùy Anh cho biết. Trước đó, trường đã bỏ 30 triệu mua thêm máy phát điện đề phòng mất điện. Nhưng cũng chẳng được bao lâu. Tuy thế, mất điện thì hoạt động của trường cũng phải dừng thôi”.

Thêm nữa, bộ phận y tế học đường chăm lo sức khỏe cho học sinh của trường chỉ có một người trong khi số lượng học sinh của trường lên đến hàng trăm cũng là nỗi lo thường trực của trường này, bà Thùy Anh lo lắng.

  • Văn Chung

*******************************

Mời độc giả chia sẻ những câu chuyện thay đổi trong nếp sinh hoạt, học hành và ý kiến về chủ trương này theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn.