- “Ai đón con cho mình? Con mình học tiểu học, muộn nhất 17h30 phải đón, khi đó mình vẫn đang phải ở trường, chồng đang đi làm, con lớn học THPT thì đang đi học”.

Không nhiều xáo trộn

Ghi nhận ở cấp mầm non, tiểu học và THCS sáng 1/2 cho thấy gần như toàn bộ các trường đã đổi giờ học trễ hơn ngày thường 15-30 phút và ở cấp học này thì những thay đổi về giờ giấc không gây ra quá nhiều xáo trộn, bức xúc.

Cụ thể: Tại trường Tiểu học Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội), nhà trường thông báo đến toàn thể phụ huynh và học sinh giờ bắt đầu học là 8h sáng. Như vậy học sinh có mặt lúc 7h30, 7h45 bắt đầu tập trung trên lớp để chuẩn bị học. Trước đó, khi chưa đổi giờ, trường này quy định giờ bắt đầu học là 7h45.

Phụ huynh đang theo dõi việc đổi giờ học của con

Giờ bắt đầu học buổi chiều là 14h, giờ tan học của trường là 17h. Từ 17h-17h30 BGH và giáo viên trực quản lý học sinh chờ phụ huynh đến đón. Nhà trường cũng lưu ý đặc biệt: “Phụ huynh chỉ được đón con từ 17h-17h30”.

Còn tại trường THCS Gia Thụy ngay bên cạnh, sáng 1/2 cũng đã đổi giờ học theo quy định. Theo ghi nhận của phóng viên, hầu như các học sinh của trường này không có nhiều ý kiến phàn nàn vì các em được “thảnh thơi” thêm 15 phút buổi sáng (vào học từ 8h thay vì 7h45 như trước đây).

Tuy nhiên, do học muộn nên thời gian nghỉ trưa của các em bắt đầu từ 12h15 (thay vì 11h50 như trước đây). Điều này cũng khiến các em khá căng thẳng.

Tham khảo ý kiến một số phụ huynh có con học lớp 6, lớp 7 tại trường này (đối tượng thường vẫn được đưa đón) thì các phụ huynh cho biết nếu học trễ hơn 15 phút so với ngày trước thì cũng không có quá nhiều xáo trộn.

Trong khi đó, giờ tan học và đón con vẫn từ 17h đến 17h30, như vậy lịch đón con vẫn không đổi.

Sáng 1/2, cũng có những trường chưa kịp đổi giờ học do chưa chuẩn bị kịp. Trường mầm non Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội) thông báo đến phụ huynh sẽ bắt đầu đổi giờ học từ ngày 6/2.

Bước đầu dễ dàng?

Theo cảm nhận của cô Vũ Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng trường Mầm non Chu Văn An, sáng nay, khi thay đổi giờ học, việc đi lại của cô dễ dàng hơn so với những hôm trước.

“Nhà tôi ở Kim Liên. Mọi hôm từ nhà đến trường thường xuyên gặp cảnh giao thông ùn tắc do phụ huynh các trường tiểu học, trung học cơ sở đi ô tô, xe máy dàn hàng ba hàng tư đưa con đến trường.

Việc đổi giờ học, giờ làm bước đầu chưa gây xáo trộn nhiều

Nhưng hôm nay, các em đến trường không vội vàng như mọi hôm và đi lại rất thong thả, số lượng ô tô đưa con đến trường cũng giảm nhiều nên áp lực giao thông không lớn như trước”, cô Hà nói.

Thong thả đưa con đến trường Tiểu học Chu Văn An, chị Hoàng Hoa Lý (Gia Lâm), phụ huynh của học sinh Vũ Chí Bắc cho biết: Do được thông báo từ sáng nay các cháu sẽ vào học từ 8h thay vì 7h30 như mọi hôm nên việc đưa con đến trường của chị không cập rập như mọi hôm.

Theo chị Lý, việc con vào học muộn đối với chị không bị ảnh hưởng nhiều do chị không phải làm việc theo giờ hành chính.

Trái ngược với chị Lý, 7h45, chị Hoa, nhà ở Thụy Khuê (Ba Đình) đưa con đến trường mầm non Chu Văn An với tâm trạng rối bời vì lo lắng không thể kịp giờ đến cơ quan làm việc.

Chị Hoa nói, cơ quan chị ở Cầu Giấy nên nếu cứ như hôm nay đưa con đến trường rồi mới đến cơ quan thì chắc chắn chị sẽ muộn giờ làm.

“Cơ quan có phổ biến mấy ngày đầu sẽ tạo điều kiện cho những người có con nhỏ đi muộn hơn một chút, nhưng về lâu về dài tôi cũng chưa biết phải tính toán ra sao nữa”, chị Hoa phân vân.

Bất an về thời gian  

Chị Nguyễn Thu Phương (trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình) có con đang học lớp 11 cho biết: Trước đây khi chưa đổi giờ thì cháu đi học lúc 6h sáng bằng xe buýt (vì 7h vào học, nhà cách trường 15km).

Nay đổi giờ học vào lúc 6h30, cháu phải đi học từ 5h30 mới kịp. Do vậy, muộn nhất 5h15 cháu phải dậy. Chưa hết, đến 19h cháu mới tan học. Về nhà có lẽ phải đến 20h-20h15.

Bị ảnh hưởng nhiều nhất là số lượng học sinh THPT

“Như vậy có đủ thời gian ăn uống, tắm giặt, nghỉ ngơi, rồi còn làm bài tập và chuẩn bị bài cho ngày hôm sau không?”, chị Phương nói.

Đó là chưa kể đến chuyện có những buổi tối con chị Phương còn phải học thêm Toán, Lý, Hóa. Bình thường gia sư đến lúc 19h. Nay 20h15 mới có mặt tại nhà thì có lẽ nhanh nhất 21h mới bắt đầu được. “Chẳng nhẽ lại học gia sư đến 11h đêm?”, chị Phương lo lắng. 

Cháu Toàn (con trai chị Phương) cho biết mình và các bạn khá bất an về giờ học mới.

“Nếu theo giờ mới, có lẽ phần lớn thời gian của chúng cháu là ở trường. Nếu cứ bắt học sinh phải ở lại đến 19h mới được tan học thì chúng cháu không thể đảm bảo bài vở hôm sau. Trong khi đó thời gian nghỉ trưa lại tương đối dài (gần 3 tiếng đồng hồ). Nếu về nhà lại mất 2 tiếng đi lại. Còn nếu ở lại trường thì 3 tiếng chờ đợi là quá dài”, Toàn nói.

Lãnh đạo các trường THPT cũng tỏ rõ mối lo lắng khi đổi giờ học, kéo theo đổi giờ làm của giáo viên. Lý do là vì mỗi khối, mỗi khóa có những thời khóa biểu khác nhau (do chương trình học khác nhau) nên không thể đồng loạt cho tan sau 19h.

Trong khi đó, lại có những lớp có hôm buổi chiều chỉ học có 4 tiết thì sẽ tan học sớm, không thể giữ các em đến tận 19h mới cho về.

Chưa kể các giáo viên THPT cũng đang vô cùng lo lắng. Chị Hòa là một giáo viên dạy văn THPT khi nghe tin phải dậy học đến 19h đã phải tính toán: “Ai đón con cho mình? Con mình học tiểu học, muộn nhất 17h30 phải đón, khi đó mình vẫn đang phải ở trường, chồng đang đi làm, con lớn học THPT thì đang đi học”. Đây cũng là mối lo chung của rất nhiều giáo viên THPT khác.

Ông Đỗ Đức Hòa, Hiệu trưởng trường THPT Quang Trung (Hà Nội) cho biết, nhà trường thậm chí còn đang tính đến phương án thuê xe đưa đón con của các giáo viên trong trường để giải quyết bất cập này.

Ngoài ra ai có con nhỏ sẽ được ưu tiên nhưng trường rất đông giáo viên, nhiều người có con nhỏ nên không biết ưu tiên cho ai.

Cẩm Quyên - Gia Văn