- "Cách đây hơn 30 năm, tôi đã từng làm đề thi nêu vấn đề về "chữ trinh". Điều lạ lùng nhất ở đây là sau từng ấy thời gian, vấn đề này vẫn trở thành chuyện lạ" -  Ông Nguyễn Hùng Vĩ - nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc ĐHQG Hà Nội) nói.

THÔNG TIN LIÊN QUAN


Ông Nguyễn Hùng Vĩ - nhà nghiên cứu văn hóa, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc ĐHQG Hà Nội)

Thầy muốn chúng tôi phá vỡ định kiến

Thưa ông, đề thi “trinh tiết” đang nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả với rất nhiều quan điểm khác nhau. Ông nghĩ như nào về điều này?

Ông  Nguyễn Hùng Vĩ: Tôi cho rằng đề thi này hoàn toàn bình thường. Cách đây 37 năm chúng tôi đã được tiếp cận với vấn đề “trinh tiết” trong đề thi Văn hết học kỳ (vào khoảng tháng 3 năm 1975). Người ra đề thi là GS Lê Đình Kỵ - tác giả cuốn “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du” (1970).

Thầy Lê Đình Kỵ cũng đã trích dẫn bốn câu thơ là lời của Kim Trọng:
“Xưa nay trong đạo đàn bà
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường
Có khi biến có khi thường
Có quyền, nào phải một đường chấp kinh”
Và bốn câu thơ là lời của Thúy Kiều trước đó:
"Đã cho vào bực bố kinh
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu
Ra tuồng trên bộc trong dâu
Thì con người ấy ai cầu làm chi"
Cụ đề nghị chúng tôi 2 điều: Qua đó phân tích sự tài tình của ngôn ngữ văn học Nguyễn Du, cũng qua đó, tìm hiểu quan niệm của thi hào về chữ "trinh".

Khi đó, chúng tôi là sinh viên năm thứ 2 (Khoa Văn học, Trường ĐH Tổng hợp). Với đề này, chúng tôi nêu ra những nhận định về quan niệm chữ “trinh” của Nguyễn Du. Trong quá trình dạy, giáo sư cũng nói : Những định kiến khi đối chiếu vào hiện thực là sai lầm, và thầy muốn chúng tôi phá vỡ những định kiến đó.

Thực sự, tôi không bất ngờ khi xem đề thi của trường ĐH FPT. Điều lạ lùng nhất là sau hơn 30 năm vấn đề này vẫn thành “chuyện lạ”.

Vậy hồi đó, ông đã làm bài thi như thế nào?


Nhớ lại thì khó, nhưng đại ý là, thứ nhất, chúng tôi đặt nó vào "ngôn ngữ nhân vật", nhân vật nói như thế nào, với ai, vào lúc nào, trong hoàn cảnh nào và nó nằm trong phần nào của tác phẩm. Trong hoàn cảnh đó, suy nghĩ của nhân vật là ra sao? Qua đó làm rõ sự đặc biệt của "chủ nghĩa hiện thực" của Nguyễn Du.

Thứ hai, từ đó mà nhìn ra "ngôn ngữ tác giả", ngôn ngữ đó phản ánh tư tưởng, quan niệm nào về chữ "trinh" của Nguyễn Du.

Tóm lại là, Nguyễn Du rất tài tình khi tạo dựng những hoàn cảnh, nhân vật phù hợp với phát ngôn, Kiều nói rất đúng và Kim Trọng nói lại càng đúng nếu xét trong sự vận động của toàn bộ tác phẩm.

Còn về Nguyễn Du, ông thể hiện một quan niệm đúng đắn, lão thực về chữ "trinh" vốn là "có khi biến, có khi thường". Là vô cùng quý giá nhưng bị đọa đầy vào thực tế, nó "biến" nhưng vẫn đạt một tính chất cao hơn, rộng hơn là "như nàng lấy hiếu làm trinh". Một chữ "trinh" khác, vượt tầm các định kiến. Truyện Kiều tóm lại là: Phẩm giá - Phẩm giá bị đọa đày - Phẩm giá tự vượt lên và khẳng định.

Phải chăng nó “lạ” vì ngày nay vẫn còn nhiều định kiến về chữ “trinh”, thưa ông?

Sau hơn 30 năm một chuyện hết sức bình thường khi đưa vào đề thi tuyển sinh lại được xem là “lạ”. Tôi cho rằng, đó là tư tưởng trì trệ, dấu hiệu của xã hội chậm phát triển.
Trước hết, phải hiểu định kiến là một loại trạng thái tư duy theo thói quen của đám đông mà không cần chứng thực, kiểm nghiệm, chỉ hành động theo thói quen đó.

Như trong đề thi mà GS Lê Đình Kỵ ra cho chúng tôi, thầy đã đưa ra hai “trạng thái” khác nhau về chữ “trinh”. Một cái là khả biến (“…có khi biến có khi thường”) , một cái lại rất chặt chẽ (“…lấy chữ trinh làm đầu”).

Ở thời điểm đó, trong lòng một xã hội đầy rẫy những định kiến, có một người thầy ra đề thi không định kiến, đó mới là lạ.

Còn ngày nay, sau hơn 30 năm một chuyện hết sức bình thường khi đưa vào đề thi tuyển sinh lại được xem là “lạ”. Tôi cho rằng, đó là tư tưởng trì trệ, dấu hiệu của xã hội chậm phát triển.

Theo ông, đề thi này có phù hợp với hiện thực xã hội khi vấn đề trinh tiết của người phụ nữ vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều, chọi nhau gay gắt?

Đề thi phá bỏ mọi định kiến, khiến chúng ta sống một cách lý trí, hiện thực và khoa học. Nó phù hợp với hiện thực xã hội.

Theo tôi, khi đối diện với cuộc sống hiện tại cần phải phá bỏ những định kiến, ngay cả trong chữ “trinh” cũng vậy. Bởi vì con người sống với nhau có vô vàn điều quan trọng hơn điều đó, ví dụ như sự tôn trọng nhân cách con người, tính vị tha hơn là ích kỉ bản thân.

Ông có thấy cách ra đề của Trường ĐH FPT lan man, dài dòng, và giới hạn thời gian quá ít khi cho thí sinh viết luận về vấn đề khá rộng và nhạy cảm này?

Đề này không dài, thời gian cũng không phải ít. Dù đề có dài một trang hay 30 trang, thời gian 60 phút hay 120 phút, điều đó không quan trọng. Quan trọng là phải kiểm tra được năng lực tư duy và hướng năng lực tư duy đó đến chủ nghĩa nhân văn. Học sinh có thể làm bài ít hơn số thời gian quy định, tùy theo quan điểm mỗi người.

Vậy đề thi của ĐH FPT có đáp ứng được hai tiêu chí: kiểm tra năng lực  tư duy, hướng năng lực tư duy đến chủ nghĩa nhân văn như ông vừa nêu ra không?

Về cơ bản thì đáp ứng được hai tiêu chí đó. Nhưng rất tiếc, sau hơn 30 năm (kể từ khi có đề thi bàn về vấn đề trinh tiết của trường ĐH Tổng hợp) lẽ ra phải xuất hiện nhiều đề thi như thế này nữa, nhưng ngược lại có quá ít.

Cái đẹp trong văn chương phải đứng trên nền “Chân”, “Thiện”


Có ý kiến cho rằng, đề thi trên yếu chuyên môn, quá thô và không phù hợp với một đề thi môn Ngữ văn bởi đây là môn học đề cao cái đẹp và sự tinh tế. Ông chia sẻ điều này thế nào?

Nếu coi đó là "thô" thì cũng đúng một phần.

Nhiều người quan niệm sai về văn chương. Họ trốn chạy, né tránh thực tế bằng cách “trốn” vào “cái đẹp” của văn chương. Nói tóm lại là hèn. Chỉ có điều này là đáng nói: Đề thi  của GS Lê Đình Kỵ là Tây Thi, còn đề thi của FPT là Đông Thi. Nhại lại nhưng có thể không hiểu lắm về Truyện Kiều nên nó vụng về.

Ông quan niệm như thế nào về “cái đẹp” trong văn chương?


Tôi thuộc loại người cũ xưa. Ngày nay lí thuyết nhiều, quan niệm nhiều nên có người cho rằng cũ xưa là sai cả. Không thế đâu, có cái đúng, có cái sai.

Đối với toàn thể nhân loại, bất cứ cái gì là có giá trị  cũng phải hữu ích cho con người. Văn chương bao giờ cũng vậy, bằng tính nghệ thuật cao của nó, luôn hướng đến sự hữu ích cho nhân loại: chân, thiện.

Có người, khi anh ta bị cơ chế xã hội thúc ép liền chui vào cái “mỹ” để trốn “chân”, “thiện”.

Cái “chân” chính là biết bao những người bất hạnh, đau khổ ngoài kia, là chuyện đất đai, lừa lọc, tội phạm, tham những tràn trề,  cái “thiện” là những tấm lòng nhân ái,vị tha, là những người biết đấu tranh theo Nghị quyết TW IV mới ra…

Văn chương không còn “chân”, “thiện” nữa thì không có lý do để tồn tại, dù rất cần “mỹ”. Cái đẹp trong văn chương phải đứng trên nền “chân”, “thiện”.

Cách ra đề thi như vậy có kích thích tư duy và sáng tạo của học sinh không, thưa ông? Và với thí sinh mới 18 tuổi thì sao?

Như tôi đã nói, đề thi này ra vụng về, kiểu "Đông Thi". Nhưng vẫn có thể chấp nhận được.

Điều cần nói là chúng ta đã dạy gì cho người 18 tuổi. 18 tuổi là đã trưởng thành, đã học về Nguyễn Du. Đề mở sẽ tôn trọng tư duy của cá nhân, có người coi chuyện “trinh tiết” là quan trọng, nhưng cũng không thể bắt ép phải có cái nhìn khắt khe với người có tư tưởng "rộng mở".

Thúy Kiều bị đẩy vào tình trạng phải hi sinh phẩm giá. Còn ngày nay, xã hội có còn đẩy người ta vào tình thế đó hay không? Hay ta tự nguyện coi rẻ phẩm giá mình?. Đó là cách ra đề phù hợp với xã hội tự do, dân chủ.

Đề thi không định hướng quan điểm cho bất kì ai. Dù coi trọng hay không đặt nặng chuyện trinh tiết thì ai cũng sẽ đi đến hạnh phúc của riêng họ.

Đề mở kích thích tư duy để nhìn xã hội một cách hiện thực, đúng đắn hơn, không định kiến. Còn sáng tạo lại là một phạm trù khác.

Xin cảm ơn ông!

  • Thu Thảo (Thực hiện)