- “Rất nên khuyến khích các em đem theo những thiết bị như thế (bút quay-PV) để giúp cho ngành giáo dục chống tiêu cực. Bởi vì nếu không, rất oan uổng cho những em học tập và thi cử nghiêm túc. Đây cũng là một cách để tạo cơ hội cho các em đấu tranh vì sự công bằng trong học đường".

Đó là ý kiến của TS Ngô Tự Lập, chủ nhiệm bộ môn Khoa học xã hội, Nhân văn và Kinh tế- Khoa Quốc Tế- ĐHQG Hà Nội trước vụ việc tiêu cực thi cử ở Bắc Giang. Ông cho rằng đây là kinh nghiệm tốt từ kỳ thi này.

Thầy Khoa: 'Tôi muốn lãnh đạo sớm biết tiêu cực'
Hai thầy trò quay clip tiêu cực ở Bắc Giang lo lắng
Học sinh quay clip tiêu cực, Giám đốc Sở nói gì?
Tiêu cực thi tốt nghiệp ở Bắc Giang: Đình chỉ chủ tịch hội đồng
Lãnh đạo huyện ở Bắc Giang nhận trách nhiệm
Công an Bắc Giang làm việc với học sinh quay clip


Hằng năm, sau kỳ thi tốt nghiệp, nhận xét quen thuộc thường là "kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và hiệu quả” nhưng trên các báo, các trang mạng và trong dư luận vẫn nhiều phản ánh về tiêu cực trong thi cử. Điển hình là năm nay. Ông nghĩ gì về sự trái ngược này?

Đọc các báo cáo, bạn có thấy cuộc thi nào mà không nghiêm túc không? Có cuộc đấu thầu nào không nghiêm túc không? Thế nhưng các hiện tượng tiêu cực thì có ai tin là không có? Nó phổ biến đến mức kể cả người nói là nghiêm túc cũng không tin là nghiêm túc. Nhưng xin nói là không chỉ có ngành giáo dục mới như vậy. Ở mọi nơi, chúng ta nói điều mà mình không nghĩ. Tôi ví hiện tượng này là “định lý Thales xã hội”. Vấn đề của tất cả các ngành đều giống nhau.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, trước mắt vẫn duy trì kì thi tốt nghiệp. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để tăng tính tự giác học của học sinh cần gắn camera từng phòng thi? Việc này sẽ nâng cao trách nhiệm coi thi của giám thị?

Chính xác. Máy camera hiện nay khá rẻ tiền và có sẵn.  Một máy có thể theo dõi được nhiều phòng thi. Trong trường hợp không có camera, có thể dùng laptop với camera gắn sẵn.

Nhưng vấn đề không chỉ là giải pháp về vật chất, cũng không chỉ là việc tổ chức thi cử. Nếu các em học kém, học chểnh mảng và đối phó trong suốt 12 năm thì thi kiểu gì cũng vô nghĩa. Chúng ta nên bàn về chuyện đó.

Theo ông, nên bắt đầu từ đâu?

Nên bắt đầu từ một cách nhìn khách quan và thực tế. Chúng ta phải căn cứ vào hoàn cảnh thực của chúng ta để nhận rõ: Ta đang ở đâu? Đang gặp vấn đề gì? Một nền giáo dục tốt là nền giáo dục đáp ứng nhu cầu của xã hội và kỳ vọng phát triển của dân tộc. Đó mới là nền giáo dục chất lượng cao, chứ không phải nền giáo dục chất lượng quốc tế. Không có cái gọi là giáo dục chất lượng quốc tế: chẳng lẽ lấy Lào, Bờ Biển Ngà, cộng Mỹ, Nhật … rồi chia trung bình hay sao?

Vấn đề là khi xây dựng chính sách giáo dục, chúng ta không căn cứ vào vào hoàn cảnh và nhu cầu đặc thù của đất nước mà dựa vào hai thứ: Ý muốn của chúng ta và những hình mẫu mà chúng ta thích. Ngày xưa, ta thích hình mẫu Liên Xô, bây giờ thì ta thích hình mẫu Hoa Kỳ. Họ làm cái gì mình làm cái đấy mà không biết có hiệu quả và phù hợp hay không.

Nhiều người cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp là không cần thiết nhưng lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn nói chưa thể bỏ được. Nhiều học sinh chỉ cần cái bằng chứ không cần kiến thức thực sự. Nguyên nhân sâu xa của sự trái ngược và coi nhẹ kiến thức này là do đâu?

Tôi cho rằng kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học là cần thiết. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng với chất lượng giáo dục thấp trong suốt 12 năm, đa số các em có thể làm tốt những bài thi khó.

Các em không cần kiến thức vì nhiều lý do, tôi xin nêu một vài lý do trong số đó.

Thứ nhất, ở tuổi mình các em có thể chưa nhận thức được tầm quan trọng và chưa thích thú với một số môn học.

Thứ hai, chương trình chúng ta cũng chứa đựng nhiều kiến thức không cần thiết.

Thứ ba, do sức ép của kỳ thi đại học, rất nhiều em buộc phải tập trung cho một số môn và bỏ bễ các môn học khác.

Phương pháp dạy và chấm thi thiên về kiểm tra thông tin chứ không khuyến khích sáng tạo cũng khiến các em có xu hướng học gạo. Tuy nhiên điều này khó cải thiện, vì chất lượng giáo viên còn thấp. Tôi có nhiều dịp tham gia chấm tuyển giảng viên và thấy không có nhiều giảng viên tương lai có tư duy sáng tạo và phê phán.

Cảnh học sinh bàn tán thoải mái trong giờ thi. Ảnh chụp từ clip thi tốt nghiệp ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang)

Từ sự việc này, ngành giáo dục nên rút kinh nghiệm như thế nào?

Tôi thấy việc quay trộm này rất có ích, nó buộc các giám thị phải làm việc nghiêm túc hơn.

Tôi có đọc ý kiến của một quan chức ngành giáo dục là em học sinh ấy sẽ bị xử lý vì vi phạm quy chế thi.

Tôi đề nghị như thế này: nếu cái camera dạng bút ấy không thể dùng để quay cóp thì không thể phạt các em về vi phạm quy chế.

Ngay cả trường hợp chiếc bút có thể dùng để quay cóp nhưng thí sinh đó không hề quay cóp mà chỉ dùng để quay hình ảnh tiêu cực thì cũng phải có sự khoan hồng đặc biệt.

Em đó đã làm một việc đáng khen mà hàng triệu người lớn biết từ hàng chục năm nay mà không dám nói ra.

Tôi nghĩ, rất nên khuyến khích các em đem theo những thiết bị như thế để giúp cho ngành giáo dục chống tiêu cực. Bởi vì nếu không, rất oan uổng cho những em học tập và thi cử nghiêm túc. Đây cũng là một cách để tạo cơ hội cho các em đấu tranh vì sự công bằng trong học đường.

Theo ông, vì sao những nỗ lực để có một kỳ thi nghiêm túc của ngành giáo dục khi lần đầu tiên thầy Đỗ Việt Khoa tố cáo tiêu cực lại thất bại?

Vì tình trạng thi đua hình thức, chỉ dựa vào các con số báo cáo.

Lâu nay chất lượng giáo dục vẫn bị đánh giá là thấp – điều này có thể thấy ở cả trong các văn kiện của Đảng, nhà nước và của chính Bộ GD-ĐT.

Để nâng cao chất lượng, chúng ta chọn cách làm dễ nhất - đó là nâng tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, nâng tỷ lệ học sinh khá giỏi. Để có tỷ lệ đỗ và đạt điểm khá giỏi cao trong khi trình độ học sinh kém, người ta chỉ còn cách chấm thật dễ dãi, tức là phải nói dối.

Những nỗ lực vừa qua liên quan đến việc thi cử chắc chắn thất bại vì đó  là nỗ lực ở cuối nguồn chứ không phải ở đầu nguồn.

Nếu chúng ta có ý định tổ chức thi cử nghiêm túc, chúng ta phải tra lời câu hỏi: Các thầy cô, người lớn có chấp nhận để các em thi trượt đến 80% không? Nếu các em trượt thì sẽ đi đâu? Nếu không thể để tỷ lệ trượt cao như vậy, ta buộc phải tổ chức thi lại để cho các em đỗ. Khi đó chỉ tốn tiền của và thời gian. Nếu không dám cho các em trượt thì những nỗ lực nói trên buộc phải thất bại.

Tổ chức thi cử nghiêm túc chỉ có ý nghĩa nếu toàn bộ quá trình học đánh giá đúng thực tiễn. Tôi đề nghị ngành giáo dục hãy bỏ khẩu hiệu thi đua đạt bao nhiêu phần trăm khá giỏi, mà vào đó là cuộc vận động thi đua trung thực về chất lượng.

Phong trào thi đua, cho dù hình thức, cũng phải có lợi cho ai đó chứ? Nếu không, tại sao nó tồn tại dai dẳng như vậy?

Phong trào thi đua hình thức như trên vừa nói thoạt nhìn có lợi, nhưng thực ra nó chẳng lợi ích cho ai cả.

Chẳng hạn, nếu trong một lớp có 50 em với chấp lượng trung bình, nhưng thầy giáo cho 45 em đạt danh hiệu học sinh giỏi để được coi là giáo viên giỏi thì thực chất thầy đã nói dối. Nó có lợi cho ai?

Thoạt nghĩ, nó có lợi cho thầy. Nhưng không, thầy sẽ mất uy tín. Cho trường? Không, trường cũng mất uy tín. Cho ngành giáo dục? Cũng không, uy tín của nhà trường mất thì uy tín ngành cũng không còn.

Ông có ý kiến gì khi nhìn vào kết quả thi tốt nghiệp trong 6 năm vừa qua: mỗi năm, tỷ lệ đỗ lại tăng lên?

Khi bạn hỏi tôi, tôi đã biết chắc chắn bạn cũng không tin vào các con số đó phản ánh chất lượng thực tế. Và tôi đồng ý với bạn.

Có một thực tế nhiều phụ huynh băn khoăn, dạy con trung thực trong môi trường chưa thực sự trung thực dễ thiệt thòi. Ông đã chọn cách dạy con thế nào?

Các em rất trong sáng. Ý thức về cá nhân, về lòng tự trọng của các em rất cao nên không lo cho các em. Tôi nghĩ chúng ta nên lo cho chúng ta. Trong thế hệ phụ huynh hôm nay, nhiều người chúng ta đã mất đi sự trong sáng trong tâm hồn và không bằng các em.

Ông có ý kiến gì với hành động quay cóp của các em học sinh không?

Các em đã lên tiếng rồi đấy, còn người lớn thì tiếp tục tìm cách bào chữa. Các em quay bằng camera cho mọi người thấy: Các thầy cô coi thi như thế đấy, ném bài như thế đấy. Các em lên tiếng một cách mạnh mẽ, có bằng chứng. Tôi ca ngợi những hành động dũng cảm, trung thực của các em.

Nguyễn Hường (thực hiện)