- Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT phấn khởi vì đề thi năm nay vừa sức học sinh (HS), kết quả cao cũng dễ hiểu. Nhưng cũng không ít người đã phần nào chia sẻ nỗi lòng và áp lực của căn bệnh thành tích. Có người thốt lên: "Chỉ 1 hay 1/10 tiêu cực như Đồi Ngô thôi đã đủ sợ lắm rồi!".

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Bình thường (?!)

Cho đến hết 17h ngày 17/6 hầu hết các địa phương đã gửi kết quả thi tốt nghiệp THPT lên Bộ, chỉ chờ được "duyệt" để công bố. Hưng Yên hiện vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước với tỉ lệ tốt nghiệp đạt 99,9% (hệ THPT). Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Khánh Hòa, Hậu Giang, Bình Định, Đồng Nai, Kiên Giang,...nơi nào cũng ngấp nghé chỉ thua Hưng Yên về con số phía sau 99%.

Nghe phổ biến quy chế thi tốt nghiệp (Ảnh Văn Chung)

Tỉnh Bình Dương năm nay dự kiến tỉ lệ tốt nghiệp tăng khoảng 7% đến 8% so với năm 2011. Không kém là Ninh Thuận với 99,56% (hệ THPT, tăng 7,6% so với năm 2011) và 88,81% (hệ GDTX, tăng 16,3% so với năm 2011).

Tại Bình Thuận những con số về tỉ lệ tốt nghiệp của HS năm 2012 cũng cao ngất ngưởng 98,83% (hệ THPT, tăng hơn 10% so với năm 2011), 75,1% (hệ GDTX, tăng hơn 10% so với năm 2011).

Đang tạm dẫn đầu về tỉ lệ tốt nghiệp tăng cao nhất so với năm 2011 là Ninh Thuận: 99,67% (hệ THPT, tăng hơn 16% so với năm 2011), 63,28% (hệ GDTX, tăng hơn 16% so với năm 2011).

Nhìn chung, các con số về tỉ lệ tốt nghiệp của các địa phương đề là "năm sau cao hơn năm trước".

Lãnh đạo sở GD-ĐT Quảng Trị cho rằng: Điểm thi của học sinh phụ thuộc nhiều vào đề thi. Đề khó thì tỉ lệ đỗ thấp, đề vừa phải, dễ tỉ lệ đỗ sẽ cao. Thực tế năm nay đề hợp với sức của học sinh. Ở các môn Toán, Hóa học sinh nói làm bài nhanh vì đề dễ, điểm 8, điểm 10 rất nhiều. Lãnh đạo một số sở GD-ĐT như Hòa Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Lạng Sơn cũng đồng quan điểm.

Ông cũng chia sẻ ngành giáo dục tỉnh Quảng Trị hoàn toàn không chịu áp lực thành tích của Bộ GD-ĐT hay cơ quan nào hoặc chính mình.

Lãnh đạo sở GD-ĐT Nghệ An thì phân trần: "Có nhiều phản ánh liên quan đến chất lượng kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng tại Nghệ An tôi tin kết quả phản ánh đúng thực tế. Nhiều trường ngoài công lập đã cố gắng rất nhiều để nâng cao chất lượng".

Hay đáng lo?

Vì còn phải chờ phản hồi của Bộ GD-ĐT nên sở GD-ĐT Tiền Giang chưa thể công bố tỉ lệ tốt nghiệp chính thức của học sinh lớp 12 năm 2012. Lãnh đạo sở này dự kiến tỉ lệ tốt nghiệp tăng khoảng 5% so với năm 2011.

Ông Phạm Văn Khanh, phó GĐ Sở GD-ĐT Tiền Giang cho rằng: "Chuyện có trường đỗ 100% không có gì lạ. Lý do hoặc là đề dễ, hoặc trường chuyên hay có chất lượng cao. Địa phương có thể tăng từ 1% đến 5% là chấp nhận được. 5% đến 7% thì xuề xòa "thôi vẫn chấp nhận". Thế nhưng tăng đến hơn 10%, thậm chí hơn 15% rồi cả một địa phương đỗ gần 100% là điều đáng lo lắng".Ông Khanh chia sẻ rằng để có những con số đẹp ấy có nơi có những cách làm thật "độc": chỉ cho HS chắc chắn đỗ đi thi, cố chuyển HS vào diện đặc cách không phải thi, chuyển vào diện vùng sâu vùng xa để được cộng điểm,...

"Đó chỉ là số ít. Điều đáng lo nhất của mỗi kỳ thi là công tác coi thi. Nếu làm không nghiêm thì không phải 1 mà chỉ cần 1/10 chuyện tiêu cực như ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang thôi đã đủ sợ lắm rồi! Coi thi mà sơ hở thì hỏng. Dù không hủy bài thi, chấm tiếp thì người chấm có lọc được hết những sai sót, quay cóp của từng bài? Học sinh chỉ ghi lại kiến thức của bạn chứ không phải cái các em có" - tâm sự của vị lãnh đạo.

Gốc rễ của vấn đề theo ông Khanh cuối cùng vẫn nằm ở  giáo dục sự trung thực cho con người. "Tất nhiên, HS nếu trung thực thì có cơ hội quay cóp cũng không làm. (Nhưng ai sẽ làm thế)". Ông cũng cho rằng "phải xử lí thật nghiêm những giám thị đã sai phạm" và "chuyện HS dùng bút quay là để tố cáo tiêu cực thì có vi phạm quy chế? Nếu chỉ nói bằng miệng thì ai tin em?"

Ông Khanh cũng thừa nhận một thực tế rằng: "Mười mấy năm qua ở địa phương có nơi này nơi kia ít nhiều sa ngã". Nhưng gần đây địa phương ông đã thực hiện nghiêm yêu cầu của Bộ GD-ĐT. "Cách đây 5 năm, sở phát hiện ở một hội đồng thi GDTX với gần 520 bài giống nhau và quyết định hủy toàn bộ kết quả. HS phải làm lại bài".

Sự kiện ở Đồi Ngô khiến trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp một sở GD-ĐT vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng thấy đau lòng về những chuyện mà nhiều khi "biết nhưng không thể nói".

Vị này thẳng thắn: "Chỉ tính riêng khâu chấm thi tỉnh tôi đã mất hơn 2 tỷ đồng. Trong khi mọi người luôn ca thán về một kỳ thi tốt nghiệp không nghiêm túc thì Bộ GD-ĐT cũng nên xem xét bỏ nó đi, tìm hướng khác mà gộp với kỳ thi ĐH-CĐ là một phương án hay".

  • Văn Chung