- Tôi không phải là người luôn áp dụng được chữ “lễ” một cách sáng suốt. Khi có tin về bài báo “Độc giả tranh luận 'lễ' với Lê Đỗ Huy”- trong tôi bừng lên một sự biết ơn. Tôi biết ơn tác giả bài báo và những người đã ủng hộ tôi mổ xẻ chữ “lễ”, cho dù những bình luận của họ sẽ làm tôi mất không ít thời gian để hiểu cho thấu. Tôi cũng biết ơn những người đã phê phán tôi, trong một hiệu ứng “quờ chân dò đáy”…

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Trong phần tổng thuật ý kiến bạn đọc, người tổng hợp nêu câu hỏi: “Kiến giải của tác giả Lê Đỗ Huy là tư tưởng mới để đánh giá lại đạo Khổng và khẩu hiệu được treo trên tất cả các trường học của Việt Nam hay chỉ là một cách mượn chữ “lễ” nói về những tiêu cực xã hội?”

Ảnh có tính chất minh họa

Về các tiêu cực xã hội…

Động cơ của tôi khá đơn giản. Chẳng hạn, nhiều U60, trong đó có tôi, trong suốt đời mình đã phải va vào bức tường đá, khi muốn làm rõ, muốn đặt lại vấn đề, hay xin dùng thẳng chữ của nó, được xét lại một chuyện gì đó trong quá khứ. Câu mà trong đời chúng tôi phải nghe thấy, khá thường xuyên, là “chuyện này đã kết luận rồi”. Vì không hài lòng với kết luận nên chúng tôi mới muốn xét lại! Điều này xảy ra thường xuyên đến mức nó đọng lại trong tôi thành một cục “hậm hực”, khiến tôi luôn dị ứng với những kết luận ở mãi thì quá khứ.

Với đạo Khổng, tôi ngán nhất là tính “nô dịch”, và sự lảng tránh các giá trị pháp quyền của nó. Không phải Mao Trạch Đông, người khai mào chiến dịch “Bài Lâm phế Khổng” nổi tiếng năm 1873 đã gợi ý cho tôi chuyện này (từ điển Wiki có đoạn viết: “these initial debates focused on interpreting the issues of slavery, feudalism, and the relationship between Confucianism and Legalism).

Tôi gậm nhấm sự bực bội này mọi lúc mọi nơi. Chẳng hạn, khi ta tham gia giao thông ở Hà Nội, có chữ lễ nào mà nhiều bạn giảng cho tôi hiện lên không? Đồng thời, khi nghe thấy câu “tao cho mày biết lễ độ” thì có thể không còn một cứu cánh nào. (Trong đời chúng ta, còn một nỗi nhục nữa, là phải đứng nhìn một người, hoặc nhiều người đánh người trên đường Hà Nội, lúc ta cảm thấy tuyệt vọng với mọi chữ lễ, và căm thù chữ “Nhẫn” - lại một chữ có thể dùng để phê Khổng/Nho giáo…).

Nhưng tôi không định đổ thừa cho ông Khổng Tử đã gây ra tất cả những tiêu cực xã hội đang đầy rẫy khắp nơi. (Năm 1982, tôi bị một vị “nói ề à” chỉ vì đã nói “tiêu cực đầy rẫy khắp nơi”. Hoá ra ông ấy đúng, vì mức độ tiêu cực năm 82 không thể so với bây giờ. Đồng thời, ông ấy, có thể từng chiến đấu dũng cảm trước đó, đã không dũng cảm để cùng tìm cách trấn áp tiêu cực với lớp trẻ chúng tôi, lúc đó dễ hơn nhiều…).

Về “đánh giá lại đạo Khổng”

Nếu Hội Khoa học lịch sử có chủ trương đánh giá Đạo Khổng với tầm nhìn hôm nay, thì chắc cũng là một hoạt động chuyên môn không gây ngạc nhiên. Chỉ e không có ông “ề à” nào đó bảo đang “nhạy cảm”, mà tôi trộm nghĩ cũng không có đâu. Chẳng nhẽ cứ phải “sợ bóng sợ gió” mãi.

Như đã nói, tôi luôn ủng hộ các động thái “xét lại”. Những động thái này nếu mang lý trí hơn là cảm tính trong nghiên cứu, với những góc nhìn, cách quan sát, phân tích mới, khoa học và thiết thực, chắc sẽ hấp dẫn được cả những bạn trẻ.

Một chữ Lễ khác

Do hoàn cảnh riêng, và do cả so công việc, tôi có được gần một số vị lão thành, từng trực tiếp làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Đó là các ông Phạm Chí Nhân, cố tác giả một số sách về tư tưởng quân sự; ông Cao Pha, cuối đời là chuyên gia về lịch sử quân sự, cũng đã mất; ông Lê Trọng Nghĩa, thành viên Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội tháng 8/1945, từng được đồng chí mình gọi là “một bộ óc điện tử”…

Tôi còn nhớ chúng tôi tranh luận, đôi khi khá to, khi tôi quên mất địa vị “cháu” của mình. Tôi còn nhớ các ông đã cười một cách bao dung và châm biếm, khi tôi nhận thấy mình vừa đưa ra một nhận định ngốc nghếch. Cách các ông đòi hỏi chữ lễ ở tôi là… phản biện nhận định của các ông một cách nghiêm túc, không nể nang.

Nhưng thu hoạch lớn hơn về chữ “lễ” của tôi từ các ông lại là một chuyện khác. Theo các ông và những vị cùng trường phái, nếu cứ nhắm mắt tuân theo chữ lễ theo cách hiểu chung của người đương thời, đã không xuất hiện các nhân vật tầm cỡ quốc tế Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.

Người trẻ tuổi Nguyễn Ái Quốc đã tranh luận thẳng thừng về nguyên tắc với các yếu nhân đỡ đầu Anh là Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu (theo các hồ sơ Lưu trữ Hải ngoại của Pháp...). Còn chàng thanh niên Võ Giáp đã, vừa khéo léo, vừa cương quyết, từ chối “kế hoạch” hôn nhân do ông thân sắp đặt sẵn, để bước vào con đường cách mạng (theo sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ)…

  • Lê Đỗ Huy