- PGS.TS Võ Thị Minh Chí, nguyên Giám đốc Trung tâm Tâm lý học-Sinh lý học lứa tuổi, Viện phó Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, cần giáo dục lại cho chính phụ huynh nếu đồng tình để thầy đánh trò. Trao đổi với VietNamNet, bà tỏ ra bất ngờ trước việc phụ huynh đồng ý để thầy "dạy con bằng roi"

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Với học sinh, đặc biệt là các em nam ở độ tuổi lớp 7 là khoảng thời gian diễn ra nhiều biến động lớn nhất về tâm sinh lý. Hãy cứ tưởng tượng tâm lý của trẻ giống như một dòng nước mạnh chảy trong đường ống hẹp. Nếu có thêm áp lực, nước có thể phá hỏng đường ống. Cơ bắp các cháu cũng phát triển như người lớn nhưng sức chịu đựng thấp. Thế nên mới có chuyện các cháu tỏ ra lười nhác.

Trung tâm bồi dưỡng số 2 đang bị dừng hoạt động vì clip thầy đánh trò

Theo bà Chí, nếu hành động không khéo, khó mà tiên lượng những điều xấu nhất có thể xảy đến.

Tôi lấy ví dụ trẻ rất hăng hái, muốn làm việc gì nhưng cha mẹ lại cấm hay cản trở. Các cháu sẽ cư xử theo kiểu “tự làm, không được cho phép”, tốt có và nhiều trường hợp diễn ra theo chiều hướng xấu nếu có tác động hoặc bị dụ dỗ. Còn nhớ có trường hợp được phản ánh trên báo nói các cháu bỏ trốn khỏi nhà, ra ở riêng, thuê người giúp việc. Các cháu đi ăn cắp nhưng lại nghĩ việc đó là anh hùng.

"Đánh trẻ dù nặng nhẹ nhưng đánh trước mặt bạn là không thể chấp nhận. Không còn là răn đe nữa, đó là hạ nhục các em" - lời bà Chí.

Đồng ý rằng có những cháu vì "sợ" mà quyết tâm thay đổi, học tốt hơn. Nhưng có cháu sẽ quen đi với việc bị đánh mà chai lì. Liệu phụ huynh có lường trước việc có cháu bị phân liệt, động kinh sẽ có hành động phản ứng lại hoặc bùng phát?

Có ý kiến nói phụ huynh nhầm lẫn, nhưng tôi không nghĩ vậy. Hơn ai hết, phụ huynh là người hiểu và đồng ý thì giáo viên mới có thể thực hiện dạy trò bằng roi vọt. Về tâm nguyện và sự gửi gắm con em cho thầy của phụ huynh tôi hiểu có cả sự bất lực và cả suy nghĩ nông cạn.

Chúng ta đang cố gắng cảm hóa trẻ bằng tình thương không được, huống chi đòn roi. Thậm chí hiện nay còn nhiều tranh cãi có nên phân loại học sinh theo kiểu tuyệt đối như trung bình, yếu xếp ra một lớp. Một lớp ngoài các em yếu cũng nên có thêm các em khá, giỏi để các em còn lại có động lực học.

Phụ huynh vì kỳ vọng ở con, thấy trung tâm này dạy có kết quả nên có thể sẵn sàng chấp nhận chuyện con bị đòn roi. Nếu cần thay đổi thì không phải việc đóng cửa trung tâm, đuổi người thầy mà phải giáo dục lại những phụ huynh này. Tự họ làm hỏng con mình.

Đứa trẻ đến trung tâm không chỉ học lấy kiến thức. Dù muốn hay không chúng cũng học cả tính cách và hành động của người thầy. Có thể cháu sau này thành đạt nhưng ảnh hưởng từ việc bị thầy đánh lại rất lâu dài, thậm chí đến thế hệ tiếp theo theo kiểu bố lại nói với con “ngày xưa vì bị đánh nên mới nên người như hôm nay”.

Một vấn đề đáng quan tâm khác, ở giữa thành phố lớn, một trung tâm dạy thêm với hàng trăm em tồn tại hơn 3 năm mà chưa được cấp phép vẫn tồn tại. Như vậy mọi người có quyền đặt câu hỏi về tư cách của những người ở trung tâm này.

Người thầy ở đây có thể giỏi về kiến thức nhưng nghiệp vụ chưa khá, chưa chắc tay. Họ có thể được đào tạo nghiệp vụ sư phạm rồi mới được xem xét chuyện đứng lớp.

"Được biết nhiều thầy cô là những người tốt nghiệp sư phạm (chưa rõ được đào tạo chuyên ngành hay cử nhân) nhưng họ chưa có việc làm nên trung tâm tạo cơ hội. Ngành giáo dục Thái Nguyên cũng cần xem xét nếu họ thực sự giỏi, đủ tiêu chuẩn đứng lớp để nhận họ vào cơ sở công lập. Tôi nghĩ đó là nguyện vọng của số đông những người học sư phạm ra trường" - bà Chí đề xuất.

  • Phong Đăng (thực hiện)