- Để đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ và ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ, tự tin trong giao tiếp..., nhiều trung tâm bồi dưỡng tiếng Anh mọc ra và các nhà sản xuất "bút chấm đọc" không thể làm ngơ khi đã được "bật đèn xanh".

THÔNG TIN LIÊN QUAN

Mục tiêu chẳng đặng đừng

Mục tiêu "bất khả kháng" được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn tại quyết định số 1400/ QĐ-TTG: đổi mới toàn diện việc dạy và học ngọa ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực. Đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, CĐ và ĐH có đủ năng lực ngoại ngữ, tự tin trong giao tiếp...

Công văn 1069 thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GD-DDT Nguyễn Vinh Hiển

Từ năm 2010 - 2011 triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% số học sinh lớp 3 và mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015-2016; đạt 100% vào năm 2018-2019.

Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành chương trình thí điểm Tiếng Anh tiểu học triển khai trong năm học 2010-2011. Ngày 26/8/2011 có tổng hợp ý kiến giáo viên tham gia chương trình thí điểm nêu rõ: việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) học theo chương trình thí điểm của Bộ ban hành không đồng nhất, dù đó là bộ sách khá tốt. Nhưng thực tế, các trường ở TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Vĩnh Phúc và 1 trường ở Hải Dương sử dụng tài liệu Family and Friends.

Theo phản ánh của giáo viên, việc sắp xếp các chủ đề trong sách chưa khớp với thứ tự chủ đề nêu trong chương trình của Bộ. Nội dung cuốn sách tương đối khó và nhiều. Ngoài ra, giá của bộ sách không phù hợp với điều kiện kinh tế của phần lớn gia đình học sinh.

Về thiết bị hỗ trợ dạy học thí điểm, 95% giáo viên cho rằng Robot Teacher đã hỗ trợ rất tốt cho quá trình dạy học Tiếng Anh tiểu học. Robot Teacher là một dạng bút chấm đọc (Đề tài nghiên cứu của Viện Vật lí - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã được Bộ công nhận là "Thiết bị dạy học bám sát yêu cầu về dạy học và kiểm tra đánh giá, đặc biệt là thiết bị hỗ trợ đánh giá ngữ âm qua âm thanh nhận dạng giọng nói được tích hợp đồng bộ với SGK..."

Những tồn tại sau một năm thực hiện thí điểm vẫn nằm ở người thực hiện - giáo viên yếu và thiếu chưa tiếp cận được chương trình mới. Lý do cụ thể được Bộ tổng hợp: một số giáo viên quen với tài liệu cũ, cách dạy cũ. Một số giáo viên cho rằng thiết bị Robot Teacher chỉ phù hợp với sách của Bộ mà chưa thấy hết tính năng của thiết bị này.

Thậm chí, một số địa phương cho giáo viên dùng SGK không do Bộ biên soạn, xuất bản và tập huấn nhưng lại không có biện pháp đôn đốc nên kiến thức và kỹ năng của học sinh bị lệch so với yêu cầu...

Trước mục tiêu chẳng đặng đừng, buộc các nhà quản lý phải "thúc nhau" thực hiện. Để đạt mục tiêu, nhiều trung tâm bồi dưỡng tiếng Anh mọc ra và các nhà sản xuất "bút chấm đọc" không thể làm ngơ khi đã được "bật đèn xanh"

Trung tâm bồi dưỡng mọc như nấm

Đến năm 2020, đề án ngoại ngữ quốc gia yêu cầu mỗi năm bổ sung khoảng hơn 2600 giáo viên bậc tiểu học, hơn 2000 giáo viên cho bậc THCS và khoảng 1400 giáo viên cho bậc THPT. Đây là con số khá lớn và có thể đòi hỏi một cuộc tuyển giáo viên thần tốc cho cả ba cấp học này.    

Để các giáo viên đều đạt chuẩn như yêu cầu, khắp cả nước sẽ đồng loạt mọc lên các trung tâm bồi dưỡng, đào tạo năng lực tiếng Anh cho giáo viên mới “ôm” xuể số lượng người học, chưa kể đến chất lượng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là hàng rào biên chế sẽ phải mở rộng để tuyển đủ nguồn giáo viên tiếng Anh cần thiết, nhất là ở bậc tiểu học. Vấn đề tuyển dụng trong sạch, minh bạch ở các địa phương cần được đảm bảo. Ngân sách phải “căng phồng” đã đành nhưng túi tiền của người dân có nguy cơ cũng sẽ “xẹp” đi để khắc phục “phát âm”.

Không thể ngay lập tức các giáo viên có được phát âm chuẩn như người bản ngữ. Hơn thế nữa, chuyện tất cả giáo viên ngoại ngữ được ra nước ngoài tập huấn sẽ còn ngặt nghèo hơn nữa.

Hàng loạt các doanh nghiệp đã tung ra những thiết bị điện tử tiện ích phục vụ cho việc học ngoại ngữ, điển hình là bút chấm đọc.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng Ban thường trực Đề án ngoại ngữ Quốc gia cho rằng, bút chấm đọc thu phát âm của người bản ngữ là một hướng khắc phục phát âm chưa chuẩn của người Việt. Hiện trên thị trường đã có nhiều doanh nghiệp nhanh nhạy sản xuất bút có thể đọc được bộ sách ngoại ngữ mới của Bộ.

Tuy nhiên, giá thành của loại bút này không rẻ, hầu hết đều trên dưới hai triệu đồng, một con số không hề nhỏ đối với đại bộ phận gia đình. Nhưng bút chấm đọc không thể thay thế giáo viên, đặc biệt là người bản ngữ, bởi nội dung đọc có giới hạn và không biết “điều chỉnh” sai sót trong phát âm của người học?

Loạn bút chấm đọc?

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được thì chỉ duy nhất loại thiết bị có tên nói trên được đồng hành trong quá trình thí điểm và được giáo viên làm quen. Đúng quy trình kết quả của chương trình thí điểm sẽ được triển khai đại trà. Tuy nhiên, một Hội đồng chấm chọn sản phẩm mẫu bút hỗ trợ đã mở ra cuối tháng 9/2011. Tại thời điểm Hội đồng chấm chọn, theo báo cáo của Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam có 5 công ty gửi 8 sản phẩm chấm chọn. Trong đó, 1 công ty gửi 3 sản phẩm, 1 công ty gửi 2 sản phẩm và 3 công ty gửi 1 sản phẩm.

Cuộc họp gồm đại diện các đơn vị NXB Giáo dục Việt Nam, Đề án Ngoại ngữ 2020, Vụ Giáo dục Tiểu học....đã thống nhất thay đổi một số tiêu chí chấm điểm của phần cứng trên nguyên tắc nhấn mạnh độ an toàn của sản phẩm do đã có tiền lệ về việc các sản phẩm nhựa có xuất xứ từ Trung Quốc có chứa thành phần hóa chất độc hại đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng...

Ngày 13/10/2011 Bộ GD-ĐT có công văn số 1029 thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển về thiết bị nhận dạng, kiểm tra, đánh giá ngữ âm hỗ trợ dạy học tiếng Anh trong các trường phổ thông.

Theo đó, Thứ trưởng nêu rõ, đối với năm học 2011-2012 NXB Giáo dục Việt Nam cần cung ứng đủ SGK tiếng Anh cho các địa phương có nhu cầu. Bộ hoan nghênh NXB Giáo dục Việt Nam đã tổ chức thẩm định các tính năng sử dụng và kỹ thuật của các sản phẩm nói trên do các đơn vị chào hàng.

"Kết quả chấm thẩm định cho thấy các mẫu sản phẩm chào hàng đều chưa đủ điều kiện để giới thiệu cho giáo viên và học sinh sử dụng" - lời Thứ trưởng. Thời gian trước mắt, NXB chỉ giới thiệu sản phẩm của Viện Vật lí - Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam là sản phẩm đã được sử dụng thử nghiệm trong năm học 2010-2011.

Vẫn chỉ đạo của Thứ trưởng, sau này nếu có thêm sản phẩm đáp ứng yêu cầu, rõ nguồn gốc, xuất xứ và bản quyền thì NXB Giáo dục Việt Nam có thể xem xét, giới thiệu cho các cơ sở giáo dục (cần giới thiệu rõ: tên sản phẩm, sản phẩm đáp ứng được yêu cầu gì của việc dạy học, giấy chứng nhận bản quyền). Mặt khác cần lưu ý các đơn vị cung ứng phải thực hiện trách nhiệm tập huấn giáo viên, học sinh và cách sử dụng thiết bị dạy học, đảm bảo yêu cầu giảng dạy tiếng Anh theo quy định.

Từ năm học 2012-2013, trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm, Bộ yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam nghiên cứu, in ấn SGK tiếng Anh theo hướng: SGK tiếng Anh dùng như các SGK thông thường khác; đồng thời, đáp ứng được nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trong việc mã hóa để sử dụng thiết bị nhận dạng, kiểm tra, đánh giá ngữ âm trong dạy và học qua kênh chữ và hình ảnh trong SGK tiếng Anh của NXB Giáo dục Việt Nam, không đòi hỏi bất cứ một nghĩa vụ gì.

Bài 4: Nguy cơ đổ 'kế hoạch quốc gia'?

  • Nguyễn Hiền - Nguyễn Mai