Dòng tâm sự “thầm kín” trong bức thư của Cún viết cho cậu bạn cùng lớp. Nét chữ nguệch ngoạc, ngây ngô khiến ai đọc cũng phải buồn cười.
Hảo và Cún học lớp 2 là đôi bạn thân học cùng trường, lại cùng khu nên những chuyện ở nhà, chuyện “riêng tư” đều thổ lộ, chia sẻ với nhau. Một hôm, khi đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều thì cả hai tự dưng chạy xuống bếp xin tôi tờ giấy trắng nói rằng để viết chữ.
Lá thư "độc đáo" |
Hai đứa rúc rích, nhỏ to kể chuyện rồi thỉnh thoảng lại phá lên những tràng cười giòn tan, thích thú. Đang vui vẻ, bỗng cuộc nói chuyện bị gián đoạn bởi màn “trao đổi” diễn ra giữa hai cô bạn. Hảo giành quyển sổ của Cún và nói: “Cậu không cho tớ xem là mai tớ mách Kiên, bỏ cậu rồi yêu tớ”. Biết là không thể thắng được cô bạn Hảo đanh đá, Cún nhũn nhặn với bạn “ Ừ, cậu hứa đấy”.
Tò mò với câu chuyện không đầu đuôi của hai cô bạn nhỏ, tôi ngồi sát Cún và hỏi : “ Bạn Cún nhà mình “thích” cậu bạn nào rồi à, kể cho chị nghe với”. Cún cười toe toét rồi thì thầm vào tai tôi: “Trong cuốn sổ da lúc chiều chị đưa cho em ý”.
Bữa tối xong xuôi, khi bước vào phòng làm việc tôi thấy có cuốn sổ da Cún để ngay ngắn trên bàn. Được sự cho phép của cô bé hồi chiều, tôi mở ra xem. Nét chữ nguệch ngoạc, ngây thơ thậm chí viết còn sai lỗi chính tả: “ Em yêu anh nhiều lắm, yêu mãi mãi. Kiên ơi chúng ta không bao giờ quyên nhau nhé…chúng ta không lơi nhau đâu”.
Ngày hôm sau đem thắc mắc hỏi Cún, Cún bảo “Chị ơi, “không lơi” là “không lấy” chị ạ. Em xem trên tivi thấy họ nói với nhau thế nhưng… em không biết viết chữ “lấy” như nào”.
Trong trường hợp như trên về phía các bậc phụ huynh cũng có nhiều quan điểm trái chiều nhau. Mẹ Cún thì cho rằng là “ vớ vẩn”, rồi dạy Cún theo kiểu roi vọt “ học không chịu học, mới tí tuổi mà đã linh tinh từ giờ mẹ mà thấy con như này thêm một lần nữa là đừng có trách mẹ”. Còn với một số ông bố, bà mẹ khác thì lại cười trừ và cho đó là hành động ngộ nghĩnh của con trẻ.
Cô Huyền (Thanh Trì, Hà Nội) cũng có con trong độ tuổi trên chia sẻ “Cháu Bốp nhà mình cũng từng một lần nhờ mẹ viết thư cho bạn gái hồi học mẫu giáo.
Con thích bạn Yến Vi ở lớp, thích cả mẹ bạn ý nữa vì mẹ bạn ý xinh lại hay mua bim bim siêu nhân cho con”. Bé bày tỏ rất tự nhiên rồi rành rọt nhờ mình viết “Tớ thích cậu lắm. Tớ không thích Trung “còm” ngồi vẽ cạnh cậu đâu. Tớ sẽ nhờ mẹ tớ mua bờm tóc tặng cậu, cậu hứa ngồi cạnh tớ nhé”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, cô Nguyễn Tố Nguyên (giáo viên Trường Tiểu học Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội) cho biết “ Trẻ con từ 4-8 tuổi thường tò mò và bắt chước người lớn rất nhanh.
Hiện tượng trẻ có những biểu hiện tâm lý theo kiểu người lớn như trên cũng là bình thường. Phụ huynh không nên có thái độ quá gay gắt, dạy dỗ con cái theo kiểu roi vọt, dễ gây ảnh hưởng không tốt đến trẻ.
Bên cạnh đó, chúng ta nên tạo môi trường lành mạnh thoải mái bằng việc hướng trẻ đến những hoạt động vui chơi ngoài trời để con trẻ phát triển tốt nhất”.
- Nguyễn Linh – Văn Chung