PHẦN 1:
Ảnh Văn Chung |
Gốc rễ nguồn nhân lực Việt?
Độc giả Trần Tố Loan (đồng sáng lập Gafim Corp): Tôi đã từng là một cô giáo, cũng từng là một nhà tuyển dụng và cũng từng là một người đi tìm việc. Ở đây tôi xin nói ở 3 góc độ. Thứ nhất, tôi nghĩ điều quan trọng của một con người khi lớn lên là được phát triển những khả năng của mình. Một nền giáo dục phải đáp ứng được khả năng phát triển của cá nhân chứ không phải là chỉ là đồng phục về tâm hồn và đồng phục về trí tuệ. Cái đó tôi rất phản đối. Một nền giáo dục phải có cá tính. Chúng ta đều muốn tất cả những viên đá xù xì sẽ trở thành những viên ngọc. Nếu tất cả đều vuông vắn giống nhau như thế thì khi ra trường các em không có khả năng ứng phó với cuộc sống. Đó là nói về quan điểm giáo dục, thì tôi không đồng ý với quan điểm đồng phục về trí tuệ và đồng phục về tâm hồn.
Thứ hai, chúng ta không nên nói trách nhiệm định hướng nghề nghiệp là của nhà trường. Cái đó, trước hết là phải đào tạo để cho người ta biết mình muốn cái gì, mình muốn trở thành ai.
Ở VN có một lối mòn là rất nhiều gia đình định hướng cho con cái theo nghề nghiệp của mình, không tôn trọng sở trường của con, rất muốn an toàn. Nếu con mình yêu nghệ thuật thì lập tức phản đối và yêu cầu phải làm cái nọ cái kia. Đó là ở góc độ gia đình, phải tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho con, chứ không phải áp đặt con phải làm một nghề nghiệp nào đó.
Nhà trường cũng vậy. Không chỉ dạy những kiến thức chuyên môn mà còn phải dạy kĩ năng định hướng nghề nghiệp, kĩ năng mềm.
Ở góc độ một nhà tuyển dụng. Tôi đã từng tuyển rất nhiều vị trí, từ đồ họa, lập trình, nhân viên đối ngoại, nội dung cho đến văn phòng.
Tôi phỏng vấn 100 người nhưng lấy một thôi. Có những bạn có bằng giỏi của những trường đại học danh giá ở VN, khi không được gọi phỏng vấn thì các bạn ấy có thắc mắc là tại sao thành tích học tập của em như thế mà công ty không mời đến phỏng vấn.
Tôi nói rằng khi phỏng vấn, quan tâm 2 vấn đề. Một là kiến thức chuyên môn, hai là các kĩ năng mềm: bạn có thể gia nhập vào văn hóa của công ty hay không, có làm việc theo nhóm được không, có tư duy phản biện hay không, có đề xuất những ý kiến cho tôi hay không, hay là tôi bảo gì thì làm cái đó. Tôi không tuyển những người không có sáng tạo trong công việc. Tôi vẫn đánh giá cao sở thích của ứng viên dành cho công việc hơn là kiến thức chuyên môn. Vì thực tế ở VN, đào tạo là học nhiều hơn hành.Các bạn biết rất nhiều lý thuyết nhưng tôi bảo soạn thảo cho tôi một văn bản hay một hợp đồng hay đơn giản là một thư mời thôi thì các bạn lúng túng. Thế nghĩa là chúng ta thiếu hụt kĩ năng thực hành cho người lao động.
Còn về cá nhân tôi, tôi lớn lên trong một gia đình rất bình thường. Nếu có những người bạn, người thầy hướng rằng tôi có những khả năng đó, nên theo như thế này hay như thế kia thì tôi sẽ bớt mò mẫm đi vì rõ ràng là tôi đã theo rất nhiều nghề.
Từ một cô giáo trở thành một giám đốc đối ngoại của một công ty về công nghệ thông tin, bây giờ tôi lại trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa. Rõ ràng là tôi phải có rất nhiều kĩ năng, nhưng nếu như ngay từ đầu tôi được bố mẹ định hướng, biết được xã hội cần gì… thì tôi làm cái đó. SV VN ra trường 60% làm nghề tay trái. Tôi không quan tâm đó là nghề tay trái hay không, mà tôi quan tâm là sau một thời gian học hành vất vả như thế, các em không được sống bằng nghề, không được cống hiến. Rõ ràng là chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực.
Tôi mong là những nghiên cứu của WB sẽ có tác động đối với thể chế, đối với Chính phủ VN để chúng ta thay đổi tư duy trong giáo dục, tư duy về việc làm và phải quy hoạch được con người.
Cái VN yếu là mô hình quản trị tri thức quốc gia, trong đó con người là yếu tố quan trọng nhất, chứ không phải là chúng ta nhập khẩu công nghệ, rồi chúng ta học theo cái này, cái khác. Điều đó không quan trọng, mà tự chúng ta phải nghĩ, tự chúng ta phải làm và tự chúng ta phải vươn lên và ngẩng cao đầu. Tôi rất thích người Nhật Bản là vì vậy. Tôi rất mong mọi người chia sẻ với quan điểm của tôi trong buổi hôm nay.
Nguyễn Thanh Bình (Vũng Tàu): Theo tôi, nhân lực Việt Nam luôn háo hức, sẵn sàng và hoàn toàn có đủ khả năng tiếp nhận những kiến thức mới, công nghệ mới so với các nước đông Nam Á có nền giáo dục phát triển như Singapore, Malaysia thì nguồn nhân lực Việt Nam không thua kém về khả năng học hỏi, khả năng nắm bắt vấn đề. Nhưng nền giáo dục của VN lại thua xa các nền giáo dục ở bậc THCS và THPT.
Tôi nhớ từ khi tôi đi học đến giờ nền giáo dục VN vẫn thiên về học thuộc lòng, thầy đọc sao thì học trò chép như vậy. Một nền giáo dục không có thực tế, học để đối phó với kỳ thi chứ không phải học để lấy kiến thức. Ở bậc đại học, tôi cũng thấy có sự thay đổi, tiến bộ nhưng chừng đấy thì chưa đủ so với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Bởi vậy, tôi nghĩ nền giáo dục của Việt nam cần phải thay đổi mạnh mẽ học thuộc lòng, tăng cường hướng nghiệp học sinh, phân loại học sinh.
Độc giả Phạm Ngọc Duy: Tôi đến từ ĐHQG Hà Nội và tôi làm việc cho Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục. Tôi cũng muốn nói đến thuật ngữ mà các chuyên gia đã sử dụng ở đây. Tôi sử dụng thuật ngữ đó là từ kỹ năng, thế nhưng theo như chúng tôi thì kỹ năng đó là một thuật ngữ mà nghĩa bao hàm của nó rất hẹp. Chúng tôi hay sử dụng những từ như năng lực hay khả năng để nói đến thuật ngữ như là ông nói.
Tôi nghĩ, ví dụ như tư duy phản biện là một năng lực chứ không phải là một kỹ năng hay làm việc theo nhóm là một khả năng chứ không phải là một kỹ năng, còn ý thứ hai mà chúng tôi cũng muốn chia sẻ ở đây là tôi cũng muốn làm sao để chúng ta lạc quan hơn một chút về hệ thống giáo GD ĐH ở VN vì tôi làm việc cho ở ĐHQG. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng một tập hợp tất cả các kết quả học tập mà sinh viên sau khi tốt nghiệp cần phải có được.
Chúng tôi cũng yêu cầu tất cả những người làm quản lý chương trình ấy là phải làm rõ ra được đâu là cái kết quả học tập mà sinh viên tốt nghiệp cần phải đạt được và tất nhiên là danh sách những kết quả cần đạt được này dựa trên rất nhiều những nguồn, dựa trên các khảo sát với các bên liên quan khác nhau, những người làm trong công tác học thuật rồi những người làm ở các lĩnh vực doanh nghiệp kinh doanh rồi cả cựu học sinh sinh viên, cả những người ở nước ngoài.
Nếu các cơ sở GD ĐH ở VN cũng có những quan tâm tương tự như vậy tức là xác định ra đâu là kết quả học tập mà một sinh viên tốt nghiệp cần phải đạt được thì cũng là một cái tốt hơn rất nhiều để cải thiện tình hình. Tất nhiên là trước mắt chứ còn về lâu dài, chúng ta cần phải giải quyết nhiều vấn đề nữa.
Nhà báo Hoàng Hường: Tôi rất là muốn biết đâu là những nguyên nhân gốc rễ, tại sao nguồn nhân lực của Việt Nam lại mới chỉ đạt được đến mức này, mà không phải là mức cao hơn?
Vũ Văn Toàn (TP.HCM): Nước ta còn thiếu trình độ, thừa thầy thiếu thợ trong khi nền giáo dục vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những thành kiến như phải học cho giỏi thì mới được mọi người coi trọng, học ra là để làm quan chứ chưa chú trọng đến giai cấp công nhân là mấy.
Ở trường phổ thông các vấn đề về nghề lại được dạy một cách hời hợt, trọng vào những ngành công nghiệp nặng trong khi những ngành này lại không có máy móc để thực hiện. Lý thuyết mà không có ứng dụng công nghệ kỹ thuật. Nếu như ta thay thế những môn học nghề bằng những môn như học vẽ, kinh tế, tiếng Pháp, tiếng Nhật, sửa xe máy, những môn gì mà ta có thể theo năng lực của từng người chứ không phải là chỉ học Toán - Lý - Hóa - Văn - Anh những kiến thức nền này các em có thể học ở đại học để phát triển đam mê để có thể bán trí tuệ mình mà không bán phẩm chất.
Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển, thế giới ảo có thể giúp cho con người giao tiếp trong đó và tôi tin rằng những công cụ đó có thể làm cho người lao động ứng dụng trực tiếp và có thể phát triển được năng lực của mình mà không phải bán phẩm chất của mình....
Chuyên gia kinh tế Jan Rutkowski: Tôi thì không biết sửa xe máy nhưng tôi rất mong được học sửa xe máy.
Chuyên gia kinh tế Jan Rutkowski. Ảnh Văn Chung |
Độc giả Thảo Hoa (sinh viên ĐHQG Hà Nội): Em cũng có một băn khoăn về việc bây giờ kinh tế thay đổi thì kéo theo sự phát triển của những cái mới và những cái mới thì sẽ phát sinh những nhu cầu mới cần kỹ năng, cần năng lực thì làm thế nào để bọn em có thể biết, để bắt kịp những cái đó để có thể theo đuổi được những cái đó, cái năng lực mà nhà tuyển dụng yêu cầu?
Điều phối viên Christan: Tất cả những điều bạn nói ở đây đều rất đúng và chúng ta cũng đều đã biết rồi cho nên cũng không có gì là tranh luận ở đây cả. Tuy nhiên đối với những người làm trong các đơn vị về nghiên cứu, đảm bảo chất lượng giáo dục thì chúng tôi cũng muốn đưa ra nhận định thế này.
Khi chúng ta chưa đi làm vẫn còn đang đi học thì chúng ta mới nghĩ như vậy. Còn nếu đã đi làm được một hai năm ở một công ty nào đó hoặc một công ty quốc tế chẳng hạn thì chúng ta sẽ thấy rằng thì họ cũng đòi hỏi chúng ta một số kỹ năng nghiên cứu để chúng ta có thể đề bạt lên những vị trí cao hơn.
Thế nên bây giờ chúng ta nghĩ rằng kỹ năng nghiên cứu không quan trọng nhưng khi đi làm chúng ta sẽ thấy rằng nó rất quan trọng để chúng ta lên được những vị trí cao hơn. Và trường ĐHQG là một trường đại học có định hướng nghiên cứu và chúng tôi cũng rất muốn xin sinh viên chia sẻ tầm nhìn với chúng tôi. Hiện nay một số sinh viên vẫn chưa chung tầm nhìn ấy với chúng tôi nhưng chúng tôi rất mong khi mà các sinh viên trưởng thành hơn họ sẽ nhận ra các giá trị mà nhà trường mang lại cho họ.
Thiếu khả năng thích nghi
Hoàng Đức Minh (ĐH Thủy lợi): Em muốn thiên hướng hơn về chia sẻ ở góc độ của người tuyển dụng. Vấn đề ở đây em nhìn thấy là ở các đối tượng ấy là không phải các bạn ấy thiếu kỹ năng hay là thiếu kiến thức bởi vì cái đấy nó liên quan đến chất lượng của một hệ thống giáo dục thì rất là khó nói nhưng mà cái bản chất của vấn đề ở đây mà em nhìn thấy có hai cái thiếu. Một là tư duy, hai là đam mê. Tư duy ở đây không chỉ bao gồm tư duy phản biện mà nó bao gồm cả tư duy sáng tạo và tư duy hệ thống và cách bạn nhìn nhận cuộc sống.
Cái thứ hai là đam mê, tức là bạn ấy mong muốn trở thành một người như thế nào, cách bạn ấy coi một người thành công là như thế nào. Hai cái đó nó sẽ quyết định tới khả năng thành công của bạn ấy bởi vì để thay đổi một hệ thống giáo dục thì nó rất lâu nhưng trong một hệ thống giáo dục như hiện nay vẫn có rất nhiều người thành công.
Với một bối cảnh là có nền giáo dục tương đối thấp như vậy thì nếu mà sinh viên họ năng động họ tự tìm ra con đường của mình hoặc họ biết được mình muốn gì thì các kỹ năng cho dù là xã hội có thay đổi thế nào thì một khi họ đã có tư duy tốt thì họ vẫn tìm được cách để tự trang bị các kiến thức, kỹ năng ấy. Và bản thân cái nền cơ sở vật chất của xã hội hiện nay thực tế là có thể nói là đáp ứng được. Ví dụ như là các trung tâm đào tạo và các cơ hội học bổng hoặc là các cơ hội khác. Thế thì vấn đề ở chỗ là chúng ta chỉ nhìn thấy là đại học làm cho các bạn ấy thui chột các khả năng tư duy ấy nhưng phải nhìn nhận là từ cấp 1, cấp 2, cấp 3, cái hệ thống giáo dục ấy có thể là cái kiểu nhồi nhét kiến thức từ thuở đó đã khiến cho cái tư duy tự hỏi, tự sáng tạo của bạn ấy bị mất rồi.
Giờ đây ngay cả các trung tâm kỹ năng, em cho rằng nó rất tai hại bởi vì người ta sẽ đi đầu tư vào kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, đó là những kỹ năng quá nhỏ. Tư duy ấy bọn em gọi là tư duy mì ăn liền. Các bạn chỉ mong học được một kỹ năng gì đó để ra có thể dùng được luôn, nghe nó có vẻ hấp dẫn luôn. Thực tế, tất cả những cái mà các đơn vị các bạn ghi là có bằng cấp từ các trung tâm này, trung tâm nọ, em đều loại hết. Vì nó tẩy não cái tư duy của con người ta, con người ta sẽ cho rằng mình giỏi mất rồi, nghĩ rằng mình có kỹ năng thuyết trình đấy rồi. Cái khả năng thích nghi mới là cái khả năng quan trọng. Nhưng mà cái tư duy ấy thì người ta không dạy ở trong các trung tâm
Độc giả Trần Văn Linh: Tôi nghĩ rằng ở đây mọi người đang nói chuyện về nguồn nhân lực chứ không nói chuyện về nhân công bởi vì nguồn nhân lực mới là cái quyết định tới một quốc gia và trình độ khác nhau như thế nào thì mỗi quốc gia vẫn phải đối mặt với hai câu hỏi quan trọng nhất trong giáo dục đó là học gì, học như thế nào. Đó là cái tôi mong chờ và tôi có hy vọng là tôi sẽ được tiếp cận với các nghiên cứu mà World Bank đang thực hiện và tôi cũng đặt ra một câu hỏi nho nhỏ.
Trước tiên thì tôi có một cách nghĩ là liệu chúng ta ở đây có những người đã từng tốt nghiệp đại học rồi và những người đang học thì chúng ta sẽ quan niệm như thế nào về vị trí của mình là những sản phẩm hay là những nạn nhân. Như tôi là người theo trường phái bi quan. Và thực trạng công việc thì nó nói lên kết quả là gì. Bạn không tìm được việc làm khi bạn tốt nghiệp thì bạn là nạn nhân chứ không phải là sản phẩm được.
Câu hỏi mà tôi mang đến cho các chuyên gia là: Liệu các bạn sẽ gặp những khó khăn nào. Bởi vì bạn đã nhìn thấy một thực tế rõ ràng là nguồn nhân lực ở Việt Nam rồi?.
Vấn đề mà tôi muốn hỏi chốt lại là khó khăn của World Bank là gì trong quá trình mà các bạn tiếp cận để có thể thay đổi được, tác động được đến chính sách bởi vì đây là vấn đề phải tác động đến chính sách về nguồn nhân lực chứ không phải là ngồi nói chuyện là làm thế nào để thay đổi tư duy về nguồn nhân công? Phải tuyển từ nhân công sang nhân lực thì mới được bởi vì quốc gia là phải căn cứ trên cái đó và các bạn có thể gặp phải khó khăn gì để tác động nhằm thay đổi nền giáo dục Việt Nam?
Điều phối viên Christan: Có một số quý vị ở đây đưa ra các quan điểm bi quan, còn một số người quan điểm lạc quan cái này cũng rất là thú vị. Tôi nghĩ rằng tất cả mọi thứ chúng ta đều phải đặt nó vào trong một bối cảnh. Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã rất thành công trong quá trình phát triển của mình trong vòng 20 năm vừa qua và cũng có rất nhiều thành công trong hệ thống giáo dục nữa.
Điều phối viên Christan. Ảnh Văn Chung |
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều các cơ hội mới mở ra cho thế hệ trẻ. Và câu hỏi là chúng ta cần phải làm gì để có thể tiếp tục được những thành công ấy. Tôi nghĩ rằng trước đây những việc làm trong nền kinh tế Việt Nam cũng không đòi hỏi phải có kỹ năng nhiều lắm. Nhưng mọi thứ hiện nay đang thay đổi và việc làm trong nền kinh tế Việt Nam trở nên đòi hỏi kỹ năng nhiều hơn.
Và trong quá trình phát triển Việt Nam theo định hướng như bây giờ thì kỹ năng là một yếu tố hết sức cần thiết và ngày càng cần thiết. Không chỉ có những đơn vị sử dụng lao động ở Việt Nam mới phàn nàn về kỹ năng của người lao động mà chúng ta có đi sang các nước như Đức, Anh, Pháp, Ba Lan… thì những công ty, những đơn vị sử dụng lao động họ cũng phàn nàn về mức độ kỹ năng của những ứng viên trong thị trường lao động. Cho nên đây có lẽ là một vấn đề không chỉ của Việt Nam trong giai đoạn từ nay cho đến về sau.
Tôi nghĩ rằng bây giờ cái quan trọng là phải tìm ra các giải pháp để thay đổi trong hệ thống trường phổ thông, trường đại học cũng như là thay đổi trong thị trường lao động rồi những mối quan hệ tương tác mà nó hiệu quả hơn nữa giữa các chủ thể, giữa các bên để làm sao người lao động tham gia vào thị trường lao động họ có được những kỹ năng để có thể tìm việc và phát triển một cách thành công. Chúng ta cần phải có những thảo luận, tranh luận ở cấp quốc gia, với các trường đại học, với các đơn vị sử dụng lao động… để xác định chúng ta cần phải làm gì để thay đổi tình hình lao động như vậy.
Hôm nay, chúng tôi cũng rất vui để đến đây trao đổi, để nghe được những quan điểm khác nhau và tôi nghĩ rằng cần phải có thêm những trao đổi như thế này. Chúng tôi rất mong muốn được nghe, được đọc những ý kiến của các khán giả mà hiện nay cũng đang theo dõi cuộc trao đổi này trực tuyến. Chúng tôi muốn nghe ý kiến của quý vị, của mọi người xem là chúng ta cần phải thay đổi cái gì, trong hệ thống trường nào, trường đại học.
Chúng ta cần phải thay đổi cái gì trong hệ thống giáo dục và đào tạo của chúng ta, trong thị trường lao động của chúng ta để có thể tạo ra cơ hội cho những người lao động trẻ cũng như để cho những nhà tuyển dụng lao động họ có thể tìm kiếm được những kỹ năng họ cần thiết và cái này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục phát triển trên con đường trở thành một nước công nghiệp hóa. Tôi chắc chắn rằng tất cả mọi người theo dõi cuộc thảo luận của chúng ta ngày hôm nay đều có quan điểm riêng của mình và chúng tôi rất muốn được lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người.
(còn tiếp...)
- Thực hiện: Ban Giáo dục