- Đến hết tháng 8, các trường phải đăng ký xong kế hoạch di dời đến địa điểm mới. Cũng hết tháng 8 năm nay, các trường phải xong "chuẩn đầu ra". Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu như vậy đối với giáo dục đại học trong buổi gặp mặt với Bộ GD-ĐT diễn ra hôm nay, 16/2.

Đại học dời đô, lơ mơ điểm đến
Những chiêu tuyển dụng lạ của trường đại học


Số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy, đến nay, đã có 215 trường ĐH, CĐ xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, chiếm 52,82% số trường trong toàn quốc. Trong ảnh:  Thí sinh dự thi vào Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng
Buổi gặp nằm trong chương trình làm việc đầu năm 2011 của Phó Thủ tướng với khối khoa giáo - văn xã. Đối với ngành giáo dục, đây cũng là dịp sơ kết những công việc của học kỳ 1 năm học 2010 - 2011.

Nóng đất và nóng cả "chất" đang là câu chuỵện được quan tâm của giáo dục đại học thời gian này.

Trong tháng 1, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu thành lập tổ công tác liên bộ (do Bộ Xây dựng chủ trì ) để hoàn thiện dự thảo quy hoạch xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM đến 2015 và tầm nhìn 2050, trình Chính phủ trước ngày 20/1.

Theo đó, từ tháng 2 đến tháng 8, các trường phải đăng ký kế hoạch di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch với Bộ GD-ĐT. Dự kiến, địa điểm mới này sẽ ở các "khu đại học tập trung" ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Gia Lâm...

Còn trong buổi làm việc hôm nay, Phó Thủ tướng giao hẹn, chậm nhất đến cuối tháng 8, các trường phải công bố "chuẩn đầu ra" và phê duyệt chiến lược phát triển của từng nhà trường.

Xây dựng "chuẩn đầu ra" là một trong những giải pháp để đảm bảo chất lượng mà khi còn đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo, ông Nguyễn Thiện Nhân đã lưu ý các trường thực hiện.

"Chuẩn đầu ra" bao gồm kiến thức, kỹ năng, vị trí công việc mà sinh viên có thể thực hiện sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Giải thích ngắn gọn, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp cho biết, từ trước đến nay, việc xác định mục tiêu đào tạo ở nhiều trường ĐH, CĐ, TCCN chưa gắn với đòi hỏi từ thực tế việc làm, để từ đó cụ thể hóa thành những yêu cầu với người học.

Bởi vậy,  "các mục tiêu có thể thấp quá hoặc cao quá, hoặc thiếu thực tế, thiếu khả thi, chung chung, không cụ thể, khó đánh giá. Hệ quả là chất lượng và hiệu quả đào tạo thấp không gắn với nhu cầu thị trường lao động. Như vậy, chuẩn đầu ra có thể xem là thông số quan trọng, ảnh hưởng lớn đến việc thiết kế chương trình và tổ chức đào tạo".

Một cách dễ hình dung, với kiến thức tiếng Anh, nhiều trường xác định, sinh viên phải đạt 450 điểm của chứng chỉ TOEIC mới đạt chuẩn.

Số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy, đến nay, đã có 215 trường ĐH, CĐ xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, chiếm 52,82% số trường trong toàn quốc.

Có 246 trường công bố cam kết chất lượng đào tạo và 303 trường (74,5%) đã tổ chức xây dựng, rà soát, bổ sung các chỉ số trong chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020.

Những băn khoăn

Đã có những cách hiểu khác nhau khi các trường bắt tay xây dựng tài liệu "chuẩn đầu ra": là tiêu chuẩn để xét tốt nghiệp” hay kỳ vọng của nhà trường về năng lực của sinh viên khi tốt nghiệp, qua đó, định hướng cho giảng viên, sinh viên phấn đấu?

Trong thực tế, như phản ánh của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, khi  trườngcông bố chuẩn đầu ra trên trang web,  đã có trường khác sao chép để làm "chuẩn đầu ra" cho mình.

"Chuẩn đầu ra" có liên quan mật thiết tới câu chuyện di dời trường đại học, theo cách giải thích của Bộ GD-ĐT.

Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo ở các trường mới chỉ đáp ứng ở mức rất thấp. Chẳng hạn, bình quân diện tích đất cho 1 SV công lập vào khoảng 35,7 m2, quá thấp so với tiêu chuẩn cách đây hơn 20 năm ( 55-85 m2 đất/1 SV).

Điều này khiến hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu đào tạo. Còn các hệ thống thư viện, cơ sở vật chất công nghệ thông tin... rất yếu.

Trao đổi với VietNamNet, hầu hết các trường ĐH ở Hà Nội trong danh sách phải di dời ra ngoại thành đều xác định "đồng thuận với chủ trương của nhà nước", nhưng 8 khu "đại học tập trung" mới được các nhà hoạch định phác thảo trên giấy, nên các trường chưa biết mình đi về đâu.

Một vấn đề nữa, khi di dời ra ngoại thành thì cơ sở cũ được dùng vào mục đích gì đang là băn khoăn của số đông các nhà quản lý của những trường này.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sau buổi làm việc, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện các kế hoạch của học kỳ, năm học.

Ông cũng nhấn mạnh những trọng tâm thời gian tới, có cả nội dung quy hoạch mạng lưới và quy hoạch cán bộ.

Những đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần phải trở thành công việc trọng tâm được triển khai thường xuyên - Bộ trưởng yêu cầu.

Tính đến hết học kỳ 1 (năm học 2010-2011), cả nước có
149 trường đại học (tăng 3 trường). Số sinh viên đại học: 1.358.861 (tăng 116.083. Số giảng viên: 45.961 (tăng 4.954.

Số trường cao đẳng: 227 (tăng 4). Tổng số sinh viên: 576.878 (tăng 100.157). Tổng số giảng viên: 24.597 (tăng 4.414).

Tổng số trường TCCN 282 (tăng 9), học sinh 685.163 (tăng 59.393 học sinh), giảng viên 17.488 (tăng 1.274 giảng viên).
Nguồn: Bộ GD-ĐT

  • Hạ Anh