Trong xu thế hội nhập hiện nay, Việt Nam phải chọn một trong 2 hệ thống: GS/PGS chức danh và GS/PGS chức vụ. Chúng ta hãy mô phỏng 2 hệ thống này để xem hệ thống nào phù hợp với Việt Nam?
XEM CÁC PHẦN TRƯỚC:
XEM CÁC PHẦN TRƯỚC:
PHẦN 1: Giáo sư Việt Nam: Nhìn người mà ngẫm đến ta
PHẦN 2: Quy định mới về giáo sư đã khoa học chưa?
PHẦN 3: GS Việt Nam có chức nhưng không có thực quyền
Hệ thống GS/PGS chức danh
Từ 1945 đến nay, trong tiềm thức của mọi người dân đất Việt từ Bắc đến Nam, coi việc xét GS/PGS giống như dạng đặc biệt của danh hiệu "nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú"... nhằm tôn vinh, công nhận trình độ của nhà giáo và nhà khoa học giảng dạy đại học.
Tương tự như xét danh hiệu nhà giáo nhân dân, trong tư duy và quán tính của người Việt, GS/PGS còn là một sự “recognition” hay tưởng thưởng cho công trạng thành tích cống hiến của ứng viên trong thời gian qua.
Theo quan niệm đó, có ứng viên đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn nhưng khi bỏ phiếu tín nhiệm vẫn bị trượt vì các ủy viên của Hội đồng chưa muốn “tôn vinh” các ứng viên giỏi chuyên môn nhưng chưa có thành tích đóng góp cho xã hội.
Coi GS/PGS là chức danh,danh hiệu có tác dụng kích thích lành mạnh mọi tầng lớp trong xã hội phấn đấu học tập nghiên cứu và phục vụ xã hội để đạt danh hiệu cao quí.
Phần đông các quan chức, mọi người dân đều có nguyện vọng muốn nhà nước thừa nhận GS/PGS là một danh hiệu được tôn vinh suốt đời.
Hàm giáo sư sở dĩ phải được công nhận và tôn vinh bởi những cống hiến của những người này cho xã hội, và công lao đó phải được ghi nhận suốt đời.
Điều này có ý nghĩa to lớn ở chỗ nó có tính cổ vũ mọi trí thức trong xã hội yêu thích nghiên cứu khoa học xây dựng được những giá trị cho xã hội.... GS/PGS chức danh phù hợp trong mọi trường hợp và mọi biến động của các nền giáo dục nước nhà và quốc tế.
Theo hệ thống GS/PGS chức danh, chúng ta sẽ “bảo toàn” tên gọi của các GS/PGS đã được phong tặng từ 1975 đến nay mà không cần bổ nhiệm.
Hệ thống GS/PGS chức vụ
Nếu Việt Nam muốn xây dựng hệ thống GS/PGS chức vụ một cách bài bản phù hợp với thông lệ quốc tế (theo quyết định174/2008/QĐ-TTg), việc đầu tiên là làm thủ tục bổ nhiệm cho tất cả các GS/PGS từ năm 1975 đến nay.
Nếu GS/PGS nào không được một cơ sở giáo dục đại học trong nước bổ nhiệm thì không được mang danh GS/PGS nữa và từ đây trở đi, danh từ GS/PGS của các vị đó chỉ còn trong hồ sơ lý lịch và trong ký ức.
Còn các GS/PGS được bổ nhiệm sẽ nhận nhiệm vụ mới ngay tại trường đại học của mình. Nếu chuyển sang nơi khác sẽ bị miễn nhiệm.
Những quan chức khi được bổ nhiệm GS/PGS cũng phải “gương mẫu” tham gia giảng dạy nghiên cứu khoa học ở chính nơi được bổ nhiêm mới được gọi là GS/PGS.
Bên cạnh những ưu điểm như đã phân tích trên, hệ thống GS/PGS chức vụ bộc lộ một số mặt không phù hợp với truyền thống khoa bảng, truyền thống văn hóa của người Việt vốn “trọng nghĩa khinh tài”.
Nếu GS/PGS chỉ gắn với chức vụ của giảng viên đại học ... thì vô tình làm cho chức danh GS/PGS có chức năng hành chính hạn hẹp trong bốn bức tường của trường đại học, nên kém phần giá trị thực tiễn của nó cho đời sống.
Việt Nam theo hệ thống GS/PGS chức vụ, chúng ta bắt buộc phải loại bỏ không xướng danh hàng nghìn GS/PGS quan chức đã rời bỏ trường đại học, loại bỏ những GS/PGS không được bổ nhiệm và loại bỏ tên gọi GS ở mỗi đầu tên của rất nhiều vị nhân sĩ tiền bối như: Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Tạ Quang Bửu, Vũ Đình Hòe, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Xiển, Nguyễn Lân, Trần Văn Giáp, Trần Văn Khang, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Thạc Cát, Ngô Thúc Lanh ..v.v.
Những người nguyên là GS/PGS đã bị miễn nhiệm khi tham gia các hội đồng khoa học, hội đồng đánh giá cao học, nghiên cứu sinh chỉ được mang danh học vị như Tiến sĩ, tiến sĩ khoa học.
Một số GS/PGS được phong tặng trước đây không có học vị tiến sĩ nếu không được bổ nhiệm sẽ trở về “tay trắng”.
Đã là GS/PGS chức vụ, phải có nhiệm vụ mới, công việc mới, đây là một áp lực công việc cho một số trí thức muốn yên phận thuần túy nghiên cứu khoa học không muốn tham gia “chính trị chính em”.
Hơn thế nữa, vì GS/PGS chức vụ cũng chỉ có thời hạn không được mang danh suốt đời nên chưa hẳn đã kích thích mọi người phấn đấu.
Bài viết đã phân tích các hệ thống GS/PGS chức vụ và GS/PGS chức danh trên thế giới và mô hình các hệ thống này khi áp dụng ở Việt Nam để trả lời câu hỏi: Hệ thống nào phù hợp với Việt Nam?
Chúng ta đều biết rằng, đội ngũ GS/PGS Việt Nam (được phong theo nghị định 20/2001) đang phát huy tốt năng lực của mình trong công tác giảng dạy, bồi dưỡng cán bộ trẻ và nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH, CĐ và một số viện, trung tâm nghiên cứu khoa học trong điểm.
Theo quan điểm chúng tôi, Việt Nam không nên “chạy” theo hệ thống GS/PGS chức vụ các nước để áp dụng máy móc vào thực tế, làm đảo lộn cách tấn phong GS/PGS truyền thống. Mọi cách làm thiếu cơ sở khoa học sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm tư tình cảm của đội ngũ trí thức Việt Nam.
Khi đưa ra một quyết định mới có tính nhạy cảm rất cần có nghiên cứu nghiêm túc trên mọi phương diện, không nên chỉ dựa vào dư luận, dựa vào một số bài báo của một cá nhân mà đưa ra cách giải quyết vội vàng.
Nếu Việt Nam áp dụng hệ thống GS/PGS chức vụ như các nước, hàng nghìn GS/PGS trong quá khứ sẽ bị loại bỏ.
Có ý kiến cho rằng: GS/PGS được phong theo nghị định 20/2001 sẽ mang danh suốt đời, còn GS/PGS theo quyết định 174 là GS/PGS chức vụ chỉ có thời hạn.
Như vậy là hoàn toàn thiếu công bằng, trong một đất nước “nghìn năm văn hiến” như Việt Nam không thể tồn tại 2 kiểu GS/PGS như vậy.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT và cơ quan trực tiếp phụ trách công việc này cần nghiên cứu kỹ hơn thông lệ quốc tế để có quy định rõ ràng, nhất quán về những chức danh khoa học (trước đây còn gọi là học hàm) nhằm góp phần thiết thực vào việc không ngừng nâng cao trình độ của đội ngũ giảng dạy đại học cũng như bảo đảm những chuẩn mực cần thiết của giáo dục đại học.
- PGS Ngô Tử Thành (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)