- Với bài viết có tựa đề "tìm lời giải cho thực quyền của giáo sư Việt Nam trong bối cảnh hội nhập", PGS Ngô Tử Thành phân tích một số nội dung mà ông cho rằng bất cập với hy vọng các GS, PGS tương lai nhanh chóng được hưởng quyển lợi từ đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ (Đề án 30).

Để rộng đường dư luận, VietNamNet đăng tải ý kiến này và mong nhận được chia sẻ quan điểm của độc giả, bằng cách gửi email về: bangiaoduc@vietnamnet.vn. Xin trân trọng cảm ơn.


Mỗi nước khác nhau có cách tấn phong Giáo sư (GS) khác nhau. Ví dụ ở Đức & Pháp, GS/PGS là một chức vụ khoa học còn gọi tắt là GS/PGS chức vụ. Một trường đại học chỉ có một hiệu trưởng thì mỗi bộ môn chỉ có một GS,  khi GS này nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác thì bị miễn nhiệm và bổ nhiệm GS khác thay thế. Những người bị miễn nhiệm thì không được gọi là GS/PGS nữa.  

Trái lại, ở  Mỹ  nếu  giảng dạy ở các trường đại học  đủ tiêu chuẩn qui định được phong  là GS, những GS có trình độ cao như GS Ngô Bảo Châu được vinh danh  là giáo sư cao cấp, gọi chung là GS/PGS chức danh và chức danh này được tôn vinh suốt đời.  

Chúng ta hãy phân tích ưu  nhược điểm của hai hệ thống  này để “nhìn người mà ngẫm đến ta”.

GS, PGS chức danh:

Ưu điểm: Nếu coi GS/PGS là một chức danh thì không có sự so sánh giữa chức danh GS/PGS trong nước với GS/PGS ở nước ngoàì mà chủ yếu xét mặt bằng chung GS/PGS trong một nước.

Việc xét phong được thực hiện ở cấp nhà nước nên trình độ GS/PGS tương đối đồng đều trong một quốc gia và khuyến khích nguời làm khoa học phấn đấu cho các chức danh này. Số lượng GS/PGS được tôn vinh không cần hạn chế, người được phong chức danh GS/PGS có thể không nhất thiết phải làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, đào tạo sau khi đã được phong chức danh.

Nhược điểm:  Vì GS/PGS không phải là chức vụ nên không có sự gắn kết trách nhiệm và những công việc cụ thể phải tiến hành của một GS/PGS trong hệ thống chức vụ.

GS, PGS chức vụ:

Ưu điểm: Các trường ĐH nắm quyền chủ động trong việc lựa chọn người phù hợp nhất cho chức vụ GS/PGS. GS/PGS có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với công việc được giao. Giảm gánh nặng của nhà nước đối với yêu cầu đãi ngộ thích đáng dành cho các chức danh GS/PGS cũng như không cần duy trì Hội đồng chức danh GS nhà nước.

Nhược điểm:  Chấp nhận sự không đồng đều về trình độ của các GS/PGS trong các trường ĐH khác nhau. Một chức vụ GS của trường ĐH nhỏ có thứ hạng thấp không tương đương với một chức vụ GS trong các trường ĐH lớn. Điều này cũng giống như chức vụ giám đốc một xí nghiệp sản xuất tăm tre không thể tương đương với giám đốc điều hành Microsoft.

Tóm lại, mỗi hệ thống GS/PGS khác nhau có những ưu và nhược khác nhau, nó phù hợp đối với từng nước và giá trị truyền thống văn hóa của từng nước. Không nên vội vàng lớn tiếng ca tụng cách làm của nước này mà phê phán cách làm trước đây của Việt Nam mà cần có tổng kết, nghiên cứu để đánh giá nghiêm túc những gì bất hợp lý và những gì là hợp lý trước khi đưa ra quyết định mới.

Từ năm 1975 đến 2007, hơn 30 năm, Việt Nam coi GS/PGS là một học hàm, một chức danh.

Năm  2009 theo quyết định mới 174/2008/QĐ-TTg Việt Nam bắt đầu coi GS/PGS là chức vụ khoa học và thực hiện  bổ nhiệm GS/PGS.

Vậy thực chất của việc bổ nhiệm GS/PGS ở Việt Nam  là gì? Mô phỏng lại cách làm của Đức, của Pháp . . .  hay của  Mỹ ? Có phù hợp với truyền thống văn hóa người Việt không? Chúng ta đã sáng tạo gì trong việc vận dụng cách tấn phong GS/PGS của các nước? Cách tấn phong GS/PGS nước nào phù hợp Việt Nam nhất?

XEM TIẾP:

PHẦN 2: Quy định mới về giáo sư đã khoa học chưa?
PHẦN 3: GS Việt Nam có chức nhưng không có thực quyền
PHẦN 4: GS Việt Nam: Hệ thống nào phù hợp?


  • Ngô Tử Thành (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)